Nhu cầu thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, thiết bị, công nghệ lạc hậu… là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kết quả khảo sát quý 2/2025 của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của DN công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ DN lựa chọn lần lượt là 51,2% và 50,1%.
Ngoài ra, 30,8% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 24,5% DN gặp khó khăn về tài chính; 23,2% DN gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của DN; 21,9% DN gặp khó khăn do không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu; 19,8% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn vẫn còn cao; 19,2% DN gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động SXKD; 14,9% DN gặp khó khăn do thiết bị, công nghệ lạc lậu; 10,4% DN bị ảnh hưởng do chính sách pháp luật của Nhà nước.
Khảo sát cũng chỉ ra các khó khăn chính của một số nhóm ngành:
Ngành sản xuất đồ uống: Bên cạnh khó khăn chung của các DN về thị trường đầu ra và việc cạnh tranh giữa các DN cùng ngành ngày càng gay gắt, các DN còn gặp phải vấn đề liên quan tới chính sách pháp luật của Nhà nước.
Có tới 70,1% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 71,5% DN gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các DN cùng ngành và 25,0% DN gặp khó khăn về chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngành dệt: Khó khăn lớn nhất của các DN là nhu cầu thị trường trong nước thấp trong khi việc cạnh tranh với các DN cùng ngành ngày càng cao. Bên cạnh đó, khó khăn nguyên, nhiên vật liệu cũng là một trong những rào cản lớn của các DN.
Có tới 64,6% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 51,1% DN gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các DN cùng ngành; 47,5% DN gặp khó khăn về nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 32,9% DN gặp khó khăn do tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao và 25,2% DN gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu: Khó khăn lớn nhất của các DN là việc cạnh tranh với các DN cùng ngành, tiếp theo là nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước thấp và việc thiếu nguyên, nhiên vật liệu làm ảnh hưởng đến SXKD của DN.
Có tới 68,6% DN gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các DN cùng ngành; 56,9% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 33,3% DN gặp khó khăn do tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao.
Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại: Khó khăn lớn nhất của các DN là việc cạnh tranh với các DN cùng ngành ngày càng cao. Bên cạnh đó, khó khăn nguyên, nhiên vật liệu cũng là một trong những rào cản lớn của các DN. Có tới 68,3% DN gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các DN cùng ngành và 35,2% DN gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.
Theo đó, có 38,7% DN kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho DN thuận lợi hơn trong quá trình SXKD.
Mặc dù đề xuất giảm lãi suất cho vay vẫn được nhiều DN kiến nghị nhất, nhưng tỷ lệ này ở quý 2/2025 đã giảm 1,7 điểm phần trăm so với quý 1/2025. DN kiến nghị được giảm lãi suất cho vay tập trung ở những ngành như ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 48,6%; ngành sản xuất kim loại với 47,4% và ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 44,8%.
Có 31,8% DN kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu hơn nhằm ổn định giá nguyên vật liệu và giá năng lượng, đặc biệt là việc tăng giá điện liên tục từ tháng 10.2024 đến nay đã gia tăng gánh nặng lên chi phí SXKD của DN.
Các kiến nghị tập trung ở các ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 40,7%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) với 35,6%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 35,6%.
Có 25,9% DN kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa, tập trung ở một số ngành như ngành sản xuất xe có động cơ với 33,3%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 48,6% với 16,8%; ngành sản xuất kim loại với 32,2%.
Có 25,4% DN kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tập trung ở một số ngành như ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 34,6%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 32,1%.