Thủ tướng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Chiều 3.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6.2025.
Thế giới đầy biến động, bất định
Đây là hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử "sắp xếp lại giang sơn" và chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1.7.2025 tại 34 tỉnh, thành phố, 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Tình hình thế giới có những điểm nổi bật, như: Mỹ công bố mức thuế đối ứng rất cao; xung đột leo thang ở nhiều nơi, căng thẳng hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và tác động ngày càng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất định, phân cực về chính trị, phân tách về kinh tế, phân mảnh về thể chế, phân hóa về phát triển và giàu nghèo", Thủ tướng nói.
Thời gian qua, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Cụ thể: (1)Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; (2) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; (3) đàm phán thuế với Mỹ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; (4) trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; (5) chuẩn bị, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 mang tính "lịch sử"; (6) tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội 14 của Đảng; (7) tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; (8) triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Thủ tướng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực truyền thống phải có biện pháp để tăng tốc hơn, các động lực mới chưa được phát huy hết.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ổn định bộ máy chính quyền các cấp; đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025; các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các mục tiêu cụ thể trong phát triển hạ tầng giao thông, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội…; sử dụng nguồn tăng thu để hoàn thành việc xây dựng trường lớp kiên cố tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Cải cách thủ tục hành chính: Đi vào chiều sâu, đồng bộ toàn quốc
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, việc triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 872 TTHC, 90 điều kiện kinh doanh; 12/14 bộ đã cập nhật, công khai kết quả tổng hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đến nay, 9/14 bộ, cơ quan đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa và gửi lấy ý kiến để hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền.
Theo đó, dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 1.570/2.926 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (đạt tỷ lệ trung bình 54%); 1.505/4.636 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ trung bình 32%); như vậy, các phương án đều đạt mục tiêu đề ra.
Về kết quả thực hiện 28 nghị định Chính phủ về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền, bộ trưởng cho biết đến nay các bộ, cơ quan đã phân cấp, phân quyền từ trung ương cho địa phương 556 TTHC và phân định thẩm quyền giải quyết 346 TTHC của cấp huyện cho cấp tỉnh và cấp xã.
Ngoài ra, hoàn thành công bố, công khai 976/976 TTHC quy định tại 28 Nghị định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tổng số TTHC sau phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền tại địa phương là 2.624 TTHC, trong đó cấp tỉnh là 2.161 TTHC, cấp xã là 463 TTHC.
Đến ngày 3.7.2025, 34/34 địa phương đã kiện toàn và vận hành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã trở thành điểm "một cửa số" duy nhất trên toàn quốc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, vận hành ổn định, thông suốt.
Theo đó, đến hết ngày 30.6.2025, các địa phương đã đóng giao diện cổng dịch vụ công cấp tỉnh; đồng bộ thông tin hồ sơ TTHC từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh lên Cổng DVCQG và thực hiện kiểm thử thành công đăng nhập một lần từ Cổng DVCQG, thanh toán trực tuyến...