Khi nói đến ERAS, các chuyên gia y tế đều khẳng định những giá trị lớn của phương pháp này, nhất là giá trị kinh tế trong điều trị ngoại khoa, giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm chi phí, thời gian điều trị.
ERAS (Enhanced Recovery After Surgery - phục hồi tăng cường sau phẫu thuật) - một lĩnh vực chuyên ngành ngoại khoa đã được ứng dụng từ lâu ở Châu Âu. Đây là một chương trình chăm sóc toàn diện, hỗ trợ tích cực cho người bệnh quá trình từ trước, trong và sau phẫu thuật. ERAS mang lại quy trình chăm sóc toàn diện, phối hợp đa chuyên khoa (bác sĩ, gây mê, dinh dưỡng, hậu phẫu), và lấy người bệnh làm trung tâm.
Sự liên kết và phối hợp giữa các khâu giúp giảm thiểu các biến chứng, đặc biệt là trong ngoại khoa, cũng như rút ngắn thời gian nằm viện trung bình từ 2-3 ngày. Từ đó, giảm chi phí điều trị cho người bệnh và giảm vật tư tiêu hao.
Đồng thời, ERAS góp phần tối ưu hóa quá trình điều trị, tăng cường việc sử dụng bằng chứng trong quản trị, chứng minh quá trình điều trị được hoàn thiện từ đầu đến cuối.
Vừa qua, tại Hội nghị “Triển khai ERAS trong ngoại khoa – những thuận lợi và thách thức hiện nay” do Bệnh viện Chợ Rẫy, Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam (VSPEN), Hội Phẫu thuật tiêu hóa TP.HCM phối hợp tổ chức, PGS-TS-BS Lâm Việt Trung – Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết chương trình ERAS góp phần chứng minh được hiệu quả kinh tế rõ rệt, thông qua việc giảm chi phí điều trị, và tối ưu hóa nguồn lực y tế.
Cụ thể, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi áp dụng ERAS trong phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng, chi phí điều trị trung bình giảm gần 20 triệu đồng trên mỗi bệnh nhân - từ 81,97 triệu đồng trước ERAS xuống còn 62,69 triệu đồng. Trong đó, chi phí do bệnh nhân tự chi trả giảm từ 48 triệu đồng xuống còn 40 triệu đồng; chi phí do bảo hiểm y tế chi trả giảm từ 33,54 triệu đồng xuống 28,73 triệu đồng.
Không chỉ vậy, thời gian nằm viện cũng được rút ngắn rõ rệt, từ 11,4 ngày trước ERAS xuống còn 7,1 ngày sau ERAS, góp phần làm giảm chi phí giường bệnh, giảm nhu cầu chăm sóc và tăng khả năng xoay vòng sử dụng giường. Thời gian chờ phẫu thuật cũng giảm từ 4,1 ngày xuống chỉ còn 1,4 ngày.
“Nhờ đó, bệnh viện có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân mới, nâng cao công suất sử dụng giường bệnh, và tăng hiệu suất hoạt động”, bác sĩ Trung cho biết thêm.
Đề cập đến vấn đề dinh dưỡng chu phẫu trong ERAS, TS-BS Lưu Ngân Tâm - Tổng thư ký Hội ERAS Việt Nam nhấn mạnh đến những thay đổi tích cực trong thực hành lâm sàng, như tránh nhịn đói kéo dài trước mổ, cho bệnh nhân uống dung dịch carbohydrate 2 giờ trước mổ, can thiệp dinh dưỡng sớm và hạn chế đặt ống dẫn lưu không cần thiết, khuyến khích vận động sớm… đã mang đến nhiều hiệu quả rõ rệt.
Việc áp dụng và điều chỉnh các bước này trong quá trình điều trị đã giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật như: nhiễm trùng, viêm phổi, rò miệng nối, từ đó giảm chi phí phát sinh không cần thiết và tăng sự hài lòng của người bệnh. Đáng chú ý, việc can thiệp dinh dưỡng trước mổ bằng đường uống (ONS) còn giúp giảm 47% biến chứng hậu phẫu, giảm 63% nguy cơ tử vong.
“Các dữ liệu này phần nào chứng minh, chương trình ERAS không chỉ nâng cao chất lượng điều trị mà còn tối ưu hóa chi phí, nhân lực và thời gian nằm viện – một chiến lược kinh tế hiệu quả trong chăm sóc ngoại khoa hiện đại”, bác sĩ Tâm nói.
TS-BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết Bộ Y tế đang xây dựng một tiêu chuẩn chất lượng mới, hướng tới hội nhập, và sẽ nghiên cứu để đưa ERAS vào việc đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, có thể là trong lĩnh vực ngoại khoa nói riêng, hoặc lồng ghép chung vào quá trình đánh giá chất lượng khám chữa bệnh.
“Đây có thể được xem là một đột phá trong ngành ngoại khoa, phù hợp với xu thế hội nhập và lấy người bệnh làm trung tâm”, ông Đức nhấn mạnh.