Sách 'Đại địa chấn kinh tế'Kỳ 3: Mở cửa phục hồi
Ngày 4.5.2020, Ý đã mở cửa lại các cơ sở sản xuất và các nước châu Âu khác cũng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế.
Bùng phát - Phong tỏa trở lại
Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã giải phóng nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trước đó, vì thế số liệu GDP hằng tháng cho thấy các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng trở lại. Đến tháng 6, các chính phủ bối rối đã tăng cường hành động để củng cố sự phục hồi kinh tế còn chưa vững chắc, vì mức độ lây nhiễm COVID-19 ở cả châu Âu lẫn châu Mỹ vẫn không thay đổi.
Ngày 23.6, chính phủ Anh nới lỏng các biện pháp phong tỏa và cho phép quán rượu, nhà hàng, tiệm làm tóc và dịch vụ lưu trú mở cửa lại trong điều kiện tuân thủ các quy tắc an toàn về COVID-19. Pháp đã bơm hơn 8 tỉ euro để giải cứu ngành công nghiệp ô tô. Đức cũng đã công bố gói hỗ trợ toàn diện trị giá 130 tỉ euro.
Tháng 7 là thời điểm mang tính bước ngoặt đối với EU. Họ đã quyết định thành lập quỹ phục hồi tạm thời trị giá 750 tỉ euro trong ngân sách 7 năm của EU là 1.074 ngàn tỉ euro. Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ “Bộ tứ tiết kiệm” gồm Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan, thành tố hỗ trợ của quỹ phục hồi đã giảm từ 500 euro xuống còn 390 tỉ euro, tương đương 3% GDP của EU. Nhưng số tiền này được phân bổ cho các quốc gia mà không cần đến các điều kiện nghiêm ngặt như trong cuộc khủng hoảng nợ kéo dài ở Hy Lạp.
Quỹ phục hồi được thành lập đúng lúc cần thiết nhất vì vi rút đã bùng phát trở lại vào tháng Bảy. Các nhà khoa học từ hơn 30 quốc gia đã cung cấp bằng chứng cho thấy vi rút corona có thể lây lan qua không khí.
Lệnh phong tỏa một lần nữa lại được thắt chặt ở nhiều quốc gia. Hậu quả là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng trở lại. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi số liệu GDP quý 2 đã cho thấy mức sụt giảm chưa từng có ở hầu hết các nền kinh tế lớn.
Căng thẳng tài chính do đại dịch gây ra đã khiến vàng đạt đến mức giá cao kỷ lục. Ngày 27.7, giá vàng đạt 1.944 đô-la/ounce, phá vỡ kỷ lục trước đó là 1.921 đô-la vào tháng 9.2011, trong thời kỳ suy thoái mạnh. Đến tháng 8, giá vàng vượt mốc 2.000 đô-la, tương đương mức tăng 32% kể từ đầu năm, biến vàng trở thành một trong những tài sản đầu tư tốt nhất trong năm 2020.
.jpg)
Điều bất thường là cả cổ phiếu và vàng đều đạt mức tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Vàng được coi là một nơi trú ẩn an toàn, vì vậy các nhà đầu tư có xu hướng mua vàng khi họ không chắc chắn về các tài sản khác. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào cả vàng lẫn chứng khoán, có lẽ điều này phản ánh những quan điểm khác nhau về diễn biến của đại dịch. Các nhà đầu tư thận trọng chọn vàng, còn những người đầu tư vào cổ phiếu thì tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá nhờ chính sách bơm tiền của các ngân hàng trung ương.
Có rất nhiều nhà đầu tư chọn cổ phiếu nên chỉ số S&P 500 đã đạt một mức đỉnh mới trong tháng Tám. Tuy vậy, chưa đến 40% công ty trong nhóm S&P 500 có giá cổ phiếu cao hơn mức trước đây khi thị trường đạt đỉnh vào ngày 19.2.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng bùng nổ trong thời kỳ đó. Số lượng các công ty lớn của Mỹ nộp đơn xin phá sản đã tăng với tốc độ chưa từng thấy. Năm 2020, có đến 45 công ty có tài sản trên 1 tỉ đô-la nộp đơn xin phá sản, một biện pháp phổ biến để các công ty gặp khó khăn tự tái cơ cấu. Con số này cao hơn nhiều so với 38 công ty phá sản trong khủng hoảng năm 2008, và cao gấp hơn hai lần con số của năm 2019.
Vắc-xin, những tin tức đáng mừng
Ngày 10.8.2020, Moderna - công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts - đã thỏa thuận cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 thử nghiệm. Một ngày sau, Nga trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận một loại vắc-xin, Sputnik V, dù trước đó nhiều nhà khoa học đã công khai lên án rằng loại vắc-xin này có thể không an toàn.
Đến tháng 9, tại Mỹ, vắc-xin COVID-19 của Moderna đã chứng tỏ độ an toàn ở mức chấp nhận được. Johnson & Johnson cũng đã thông báo về quá trình thử nghiệm vắc-xin COVID-19 giai đoạn cuối. Với những diễn biến đầy hứa hẹn này, WHO cho biết đã có 16 công ty dược phẩm lớn cam kết tăng quy mô sản xuất và đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều có khả năng tiếp cận vắc-xin.
Nhờ phối hợp với các đối tác như Quỹ Bill và Melinda Gates, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới tính theo số lượng là Viện Huyết thanh Ấn Độ đã được cấp phép sản xuất vắc-xin COVID-19, bao gồm cả vắc-xin của Đại học Oxford/AstraZeneca, để cung cấp trên cơ sở phi lợi nhuận trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, họ cũng cam kết tiếp tục cung cấp vắc-xin COVID-19 phi lợi nhuận cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vô thời hạn.
Ngoài tin tức tích cực về vắc-xin, số ca nhiễm COVID-19 cũng đã giảm xuống do thời tiết ấm hơn vào mùa hè và các nền kinh tế lớn bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong quý ba năm 2020. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Trung Quốc trong quý 2 và quý 3 đã tăng lần lượt 3,2% và 4,9%. Nhờ GDP chỉ bị giảm trong một quý đầu năm, Trung Quốc đã tránh được suy thoái kinh tế và thậm chí còn phát hành trái phiếu có lợi suất âm lần đầu tiên, vay kỳ hạn năm năm ở mức -0,45%. Các nền kinh tế lớn khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng. GDP của Nhật Bản đã tăng lên lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020, nhưng nền kinh tế nước này vẫn thu hẹp gần 6% so với năm trước.
Mỹ đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng quý nhanh nhất từ trước đến nay là 33,1%/năm, chứng tỏ mức phục hồi mạnh mẽ sau đợt sụt giảm kỷ lục trước đó. GDP tăng lên 21,2 ngàn tỉ đô-la đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ gần như đã phục hồi về mức trước đại dịch. Tuy vậy, quốc gia này vẫn mất đi 10,7 triệu việc làm, trong đó có 3,8 triệu việc làm thuộc lĩnh vực giải trí và khách sạn.
Khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, Vương quốc Anh cũng chứng kiến GDP tăng đến 16% so với quý trước. Không giống như Mỹ, GDP của quốc gia này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, đợt phục hồi kinh tế này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, vì một làn sóng COVID-19 khác diễn ra vào mùa đông đã sớm đẩy các quốc gia trở lại tình trạng phong tỏa.
Phong tỏa lần hai
Các biến thể COVID-19 mới xuất hiện có khả năng lây lan cao hơn nhưng ít gây chết người hơn so với các biến thể ban đầu. Sự xuất hiện của các biến thể này khiến Argentina trở thành quốc gia thứ năm ghi nhận hơn một triệu ca mắc COVID-19, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga. Vi rút thậm chí đã lan đến Nam Cực khi 36 quân nhân đồn trú tại một căn cứ quân sự của Chile ở khu vực này đã có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngoài ra, các nước châu Âu còn lo ngại về việc vi rút corona lây truyền từ động vật sang người. Ở Đan Mạch, toàn bộ quần thể khoảng 17 triệu con chồn đã bị tiêu hủy sau khi xuất hiện một đột biến COVID-19 lây lan từ chồn sang người. Sau đó, quốc gia này phải đào hàng triệu xác chồn đã bị chôn vùi lên để tránh ô nhiễm nguồn nước.
.jpg)
Tháng 10.2020, Pháp, Đức và các quốc gia khác đã công bố đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai. Ý cũng tái áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn số ca lây nhiễm dự kiến tăng lên trong mùa lễ Giáng sinh. Một lần nữa, chính phủ Anh đã cung cấp khoản trợ cấp tiền mặt từ 2.000 đến 3.000 bảng mỗi tháng cho các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và tăng gấp đôi số tiền trợ cấp cho những cá nhân tự làm chủ.
Mỹ cũng đã hành động khi phê duyệt gói kích thích kinh tế thứ hai trong đại dịch, trị giá 900 tỉ đô-la, nhỏ hơn gói đầu tiên nhưng vẫn đứng thứ hai trong lịch sử. Gói này bao gồm khoản hỗ trợ trực tiếp 600 đô-la cho mỗi người dân Mỹ và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như mở rộng trợ cấp thất nghiệp cho các tiểu bang. Chính sách này được đưa ra sau khi nền kinh tế Mỹ bị mất 140.000 việc làm trong tháng 12, đánh dấu đợt mất việc hằng tháng đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát vào mùa xuân.
Lược trích từ cuốn sách "Đại địa chấn kinh tế" (The great crashes: Lessons from global meltdowns and how to prevent them) của Giáo sư Linda Yueh.
(Còn tiếp)
>>> Kỳ 1:Đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu
>>>Kỳ 2: Cả thế giới đối phó với khủng hoảng