Văn hóa - Đời sống

Sách 'Đại địa chấn kinh tế'Kỳ 2: Cả thế giới đối phó với khủng hoảng

Hạ Vĩ 22/07/2025 11:32

Trước quy mô của cuộc khủng hoảng COVID-19, FED đã công bố một loạt biện pháp bổ sung, bao gồm cung cấp thêm 2,3 ngàn tỉ đô-la cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và chính quyền địa phương, đồng thời mở rộng các biện pháp hỗ trợ thị trường nợ doanh nghiệp.

197 quốc gia cùng hành động

Cuối tháng 3 năm 2020, khi nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng lệnh phong tỏa, FED bắt đầu cung cấp thanh khoản bằng đô-la Mỹ cho hệ thống tài chính toàn cầu khi cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đổi chứng khoán Kho bạc Mỹ lấy tiền mặt.

Các ngân hàng trung ương khắp thế giới đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách cắt giảm lãi suất, có đến 39 ngân hàng đã làm như vậy trong một tuần, bắt đầu từ ngày 16.3. Chỉ trong vòng có hơn một tuần, Ngân hàng Anh đã cắt giảm đến hai lần, đưa lãi suất xuống còn 0,1%, thấp hơn cả mức kỷ lục vào năm 2008. Ngoài ra, ngân hàng này cũng khởi động lại chính sách QE và thành lập quỹ thương phiếu, với phần rủi ro được chính phủ bảo lãnh.

z6828828239907_f7fc5cd7f29c9096e447a5885cc45489.jpg

Ngày 17.3, cao trào của “cuộc đua đổi lấy tiền mặt”, khi các nhà đầu tư bán tháo tài sản và rút tiền ra khỏi thị trường, ECB triển khai “Chương trình mua khẩn cấp do đại dịch” trị giá 750 tỉ euro. Bên cạnh cam kết mua 20 tỉ euro trái phiếu mỗi tháng, ECB cũng thông báo kế hoạch mở rộng chương trình QE để mua lượng trái phiếu trị giá 120 tỉ euro tính đến cuối năm 2020. Song song với các biện pháp này, họ còn đưa ra một chương trình cho vay mới với lãi suất thấp để khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch của ECB là Christine Lagarde chỉ mới nhậm chức được vài tháng. Việc bổ nhiệm Lagarde vào tháng 11.2019 khác thường ở chỗ bà là luật sư chứ không phải nhà kinh tế học. Tuy nhiên, bà có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng do từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp trong cuộc khủng hoảng đồng euro, sau đó là người đứng đầu IMF, tổ chức đóng vai trò hỗ trợ cho các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với kinh nghiệm hết sức hữu ích của Lagarde, ECB đã nhanh chóng hành động để đảm bảo dòng tín dụng tiếp tục chảy vào nền kinh tế, giúp thị trường hoạt động bình thường, trấn an các doanh nghiệp và quốc gia thành viên khu vực đồng euro.

Các ngân hàng trung ương đã triển khai nhiều chính sách tiền tệ, nhưng không phải chỉ có thế. Bộ Tài chính của nhiều nước còn cung cấp các biện pháp tài khóa quan trọng. Thông thường, các chính phủ phải mất một thời gian mới có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng nhiều gói kích thích tài khóa lớn đã nhanh chóng được công bố ngay trong tháng 3.2020. Chính phủ của mọi quốc gia trên toàn thế giới đều cung cấp một số hình thức hỗ trợ khác nhau trong giai đoạn khó khăn này. IMF đã theo dõi phản ứng của 197 quốc gia và ghi nhận một loạt chính sách hỗ trợ hướng tới con người, việc làm, các doanh nghiệp có thể trụ được và sự ổn định tài chính.

Ba tấm lưới an toàn

Ngày 27.3, Mỹ ban hành “Đạo luật viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế ứng phó với vi rút corona” (gọi tắt là Đạo luật CARES). Đây là đạo luật có nguồn quỹ lớn nhất trong lịch sử khi sử dụng 2.000 tỉ đô-la của quỹ liên bang để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trung Quốc đã lên kế hoạch chi 3,75 ngàn tỉ nhân dân tệ (574 tỉ đô-la Mỹ) để chiến đấu với COVID-19 và thêm 100 tỉ nhân dân tệ (15 tỉ đô-la Mỹ) để cải thiện cơ sở hạ tầng.

Trái ngược với phương Tây, chính phủ Trung Quốc tập trung hỗ trợ các ngân hàng và chính quyền địa phương thay vì hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Dù vậy, từ tháng 3 đến tháng 6, họ đã tăng gấp đôi khoản trợ cấp tạm thời hằng tháng cho các gia đình có thu nhập thấp để bù đắp cho giá cả tăng cao do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ủy ban châu Âu đã công bố ba tấm lưới an toàn trên toàn EU với tổng số tiền 540 tỉ euro. Đầu tiên là “Chương trình hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong trường hợp khẩn cấp” tài trợ cho các chương trình giảm giờ làm, đảm bảo người lao động vẫn được xem là nhân viên toàn thời gian ngay cả khi giờ làm việc của họ giảm xuống.

Tấm lưới thứ hai là hạn mức tín dụng “Hỗ trợ khủng hoảng do đại dịch” do ESM cung cấp cho các chính phủ EU. ESM vốn là quỹ giải cứu của EU nên gần như cung cấp khoản hỗ trợ tài chính này vô điều kiện. Đây là phần bổ sung cho “Sáng kiến đầu tư ứng phó vi rút corona”, một chương trình đã cung cấp 8 tỉ euro thanh khoản tức thì để tài trợ cho hoạt động ứng phó đại dịch của các quốc gia thành viên.

Tấm lưới an toàn thứ ba là quỹ bảo lãnh toàn châu Âu do EIB quản lý. Quỹ này cung cấp khoản tài trợ 200 tỉ euro cho các doanh nghiệp EU cũng như đảm bảo hỗ trợ các hoạt động kinh doanh khả thi.

z6828828172316_ca7faeb59f8ae2ae75cdf73f96b1bf74.jpg

Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên cũng tiến hành các biện pháp quan trọng. Ngày 22.3, chính phủ Đức tuyên bố chi 122,5 tỉ euro để giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế. Họ cũng thành lập quỹ cứu trợ trị giá 500 tỉ euro để mua cổ phần của các công ty gặp khó khăn.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Vương quốc Anh triển khai một chương trình “tạm nghỉ có hưởng lương” (furlough scheme), cho phép người lao động giữ được công việc ngay cả khi họ không thể làm việc do đại dịch. Đan Mạch đã ban hành một chương trình tương tự, trong khi các nước châu Âu khác cũng chuẩn bị sẵn các chương trình giảm giờ làm.

Các biện pháp điều tiết thị trường lao động quy mô lớn như vậy được thiết kế để giữ người dân gắn bó với công việc, chúng là chìa khóa để ngăn một cú sốc ngắn hạn như COVID-19 gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài. Tuy các chính sách đã giúp ngăn tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, nhưng dữ liệu về sau cho thấy lệnh phong tỏa trong đại dịch vẫn khiến nhiều người rời bỏ lực lượng lao động, đặc biệt là những người lớn tuổi. Dù sao cũng thật nhẹ nhõm khi biết rằng nếu không có các biện pháp này thì tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt ngay từ khi các hoạt động kinh tế bị tạm dừng.

Lược trích từ cuốn sách Đại địa chấn kinh tế (The great crashes: Lessons from global meltdowns and how to prevent them) của Giáo sư Linda Yueh.

(Còn tiếp)

Đọc thêm >>> Kỳ 1: Đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sách 'Đại địa chấn kinh tế' Kỳ 2: Cả thế giới đối phó với khủng hoảng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO