Lý do ChatGPT chưa thể 'soán ngôi' Google trong cuộc đua tìm kiếm
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận thế giới số, từ viết nội dung, phân tích dữ liệu đến tìm kiếm thông tin.
Hiện nay, nhiều người tin rằng chúng ta đang dần bỏ công cụ tìm kiếm như Google để chuyển sang dùng chatbot AI, chẳng hạn như ChatGPT khi muốn tìm tin tức, thông tin hay mua sắm. Thỉnh thoảng, nhiều bài báo còn cho rằng chatbot đang “soán ngôi” Google.
Theo Washington Post, tuy chatbot đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng dữ liệu cho thấy Google vẫn là công cụ được người dùng ưu tiên khi cần tìm kiếm tin tức, thông tin và sản phẩm. Mặc dù trí tuệ nhân tạo đang dần xuất hiện nhiều hơn trong thói quen số, Google hiện vẫn giữ vị trí áp đảo và đóng vai trò chính trong việc tra cứu tin tức, thông tin và sản phẩm. Theo số liệu, số lượt dùng Google để tra cứu tin tức và thông tin cao hơn gần 400 lần so với ChatGPT.

Chatbot và tin tức
Theo công ty phân tích dữ liệu Similarweb, ChatGPT đang phát triển rất nhanh và ngày càng được người dùng tại Mỹ sử dụng để tìm kiếm và đọc tin tức trực tuyến.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, có khoảng 25 triệu lượt truy cập vào các trang tin được thực hiện thông qua các liên kết hiển thị trong ChatGPT. Con số này tăng đột biến so với chỉ 1 triệu lượt trong cùng kỳ năm trước, một mức tăng trưởng rất đáng chú ý.
Tuy nhiên, cũng trong 5 tháng đó, người dùng Mỹ đã truy cập vào các trang tin tức tới 9,5 tỉ lần thông qua các công cụ tìm kiếm như Google. Điều này có nghĩa là trung bình cứ một người sử dụng ChatGPT để tra cứu tin tức, thì có tới 379 người làm điều tương tự bằng Google.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là cách người dùng tương tác với chatbot khác hẳn so với công cụ tìm kiếm truyền thống. Khi sử dụng ChatGPT, người dùng thường nhận được bản tóm tắt nội dung nên ít cần nhấp vào liên kết gốc, trong khi với Google, hành vi bấm vào đường dẫn vẫn phổ biến hơn nhiều.
AI Overviews là một tính năng mới của Google Search, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra câu trả lời tổng hợp và đầy đủ cho nội dung người dùng tìm kiếm. Thay vì chỉ đưa ra danh sách các liên kết như trước đây, tính năng này thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và trình bày lại một cách ngắn gọn, dễ hiểu, giúp người dùng nhanh chóng nắm được nội dung chính.
Các chatbot và AI Overviews, thường tóm lược thông tin từ các bài viết, chẳng hạn như tin tức về điện thoại Samsung mới hoặc đánh giá thiết bị gia dụng. Vì đã có câu trả lời sẵn, người dùng thường không cần bấm vào các đường dẫn để đọc thêm, điều này khác với thói quen tìm kiếm truyền thống vốn dựa nhiều vào việc truy cập từng liên kết.
Hành vi đó khiến số liệu từ Similarweb không phản ánh đầy đủ vì khi người dùng chỉ đọc nội dung tóm tắt trong chatbot và không nhấp ra ngoài, hệ thống không ghi nhận lượt truy cập vào website liên quan đến thông tin cần tìm hiểu. Dù diễn giải con số như thế nào, Google hiện vẫn là cửa ngõ chính để tìm đến các trang tin.
Chatbot và tìm kiếm truyền thống
Một báo cáo khác, do công ty phân tích web Datos (thuộc Semrush) kết hợp với công ty phần mềm SparkToro thực hiện, cho thấy cứ mỗi 100 lượt truy cập trang web từ máy tính thì có khoảng 11 lượt đến từ Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác. Trong khi đó, tất cả các chatbot AI cộng lại gồm ChatGPT, Google Gemini, Claude và các nền tảng khác chỉ chiếm chưa đến 1/100 lượt truy cập.
Dù lượt truy cập từ chatbot vào các trang đã tăng mạnh trong năm qua, nhưng người dùng vẫn ghé thăm các công cụ tìm kiếm truyền thống nhiều gấp nhiều lần.
Người phát ngôn của OpenAI cho biết: “Tìm kiếm là một trong những tính năng phổ biến và phát triển nhanh nhất của ChatGPT. Chúng tôi đang đầu tư để tạo ra trải nghiệm tìm kiếm nhanh hơn, thông minh hơn, đồng thời cam kết giúp người dùng tiếp cận thông tin và tin tức chất lượng cao”. Trong khi đó, Google từ chối bình luận về thị phần của mình.

CEO SparkToro, ông Rand Fishkin, đã thực hiện một số phép tính để so sánh mức độ sử dụng giữa ChatGPT và Google. Kết quả cho thấy, so với công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới, chatbot vẫn còn cách rất xa.
Dựa trên các giả định hợp lý, Fishkin ước tính tần suất người dùng sử dụng ChatGPT để tra cứu các loại thông tin thường thấy trên Google – chẳng hạn như tìm hiểu về cầu Cổng Vàng hoặc so sánh các dòng máy điều hòa.
Theo tính toán của ông, mỗi ngày Google xử lý hơn 14 tỉ lượt tìm kiếm, trong khi con số này với ChatGPT chỉ vào khoảng 37,5 triệu lượt ở mức cao nhất. Nói cách khác, Google hiện được sử dụng nhiều hơn ChatGPT khoảng 373 lần.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là một phần của bức tranh tổng thể. Fishkin không tính đến những tác vụ mà người dùng thường thực hiện với chatbot nhưng không dùng đến công cụ tìm kiếm, như tóm tắt tài liệu dài hoặc viết truyện cho trẻ em trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, một phần lượng tìm kiếm trên Google hiện cũng đang diễn ra thông qua các tính năng như AI Overview hay AI Mode, nhưng rất khó để đo lường chính xác mức độ sử dụng của các tính năng này.
Nhiều phân tích khác dù chưa hoàn hảo, vẫn chỉ ra rằng người dùng internet hiện nay vẫn đang tìm kiếm trên Google nhiều hơn, đồng thời sử dụng chatbot cũng đang gia tăng.
Về phía OpenAI, CEO Sam Altman từng tiết lộ vào tháng 4 rằng hàng trăm triệu người đang sử dụng ChatGPT mỗi tuần. Tuy nhiên, dù khó so sánh trực tiếp, Google hiện vẫn đang phục vụ gần 5 tỉ người dùng trên toàn cầu.
Vậy ChatGPT có đang “soán ngôi” Google?
Câu trả lời không đơn giản, cũng giống như thói quen tìm kiếm của người dùng đang ngày càng đa dạng.
Một số quản trị viên website cho Washington Post biết họ đã bắt đầu thay đổi chiến lược nội dung, vì nhận thấy lượng truy cập từ Google đang giảm dần, trong khi chatbot như ChatGPT ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn. Nhiều trang web đang phải thích nghi dù muốn hay không để chuẩn bị cho khả năng chatbot sẽ trở thành nguồn dẫn chính thay vì công cụ tìm kiếm truyền thống.
Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi đánh giá tốc độ mà công nghệ mới thay thế thói quen cũ. Thực tế cho thấy điều đó thường diễn ra chậm hơn chúng ta tưởng. Ví dụ, dù ai cũng nghĩ việc mua sắm đang chuyển hẳn sang online, nhưng thương mại điện tử hiện chỉ chiếm khoảng 16% tổng chi tiêu mua sắm của người Mỹ.
Tương tự, dù các nền tảng phát trực tuyến như Netflix rất phổ biến, người Mỹ vẫn dành nhiều thời gian hơn cho truyền hình cáp hoặc miễn phí, theo số liệu của Nielsen.
Tính đến hiện tại, việc sử dụng ChatGPT để tìm tin tức hay thông tin vẫn còn khá hạn chế. Như chuyên gia Rand Fishkin nhận xét: “Khi ai cũng nói về một công nghệ mới và truyền thông liên tục đưa tin, nó có thể trông to lớn hơn thực tế rất nhiều”.