Nghiên cứu

ChatGPT là phao cứu sinh cho nhiều người bị khuyết tật thần kinh: ‘Giọng nói thấu cảm nhất’

Sơn Vân 27/07/2025 07:45

“Không giống con người, chatbot luôn tích cực và không phán xét”, Kate D’hotman chia sẻ với hãng tin Reuters.

Theo nhà làm phim Kate D’hotman sống ở Cape Town (thủ đô Nam Phi), việc cô kết nối với khán giả điện ảnh đến một cách tự nhiên. Thế nhưng, trò chuyện cùng người khác lại là điều đáng sợ hơn nhiều với nữ đạo diễn phim kinh dị 40 tuổi. “Tôi chưa bao giờ hiểu được cảm xúc, ý định hoặc suy nghĩ của người khác nếu họ không nói ra”, Kate D’hotman thổ lộ.

Kate D’hotman mắc chứng tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), khiến việc giao tiếp với người khác trở nên đầy thử thách. Song kể từ cuối năm 2022, Kate D’hotman thường xuyên sử dụng ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) nổi tiếng của OpenAI, để vượt qua các rào cản giao tiếp trong công việc và đời sống cá nhân.

“Tôi biết ChatGPT là một cỗ máy. Nhưng thật lòng mà nói, đôi khi nó là giọng nói thấu cảm nhất trong cuộc đời tôi”, cô nói. Ý của Kate D’hotman là ChatGPT chịu lắng nghe, phản hồi và thể hiện sự cảm thông hơn bất kỳ ai khác cô từng tiếp xúc.

Những ai bị khuyết tật thần kinh, gồm cả người tự kỷ, ADHD, mắc chứng khó đọc và các tình trạng khác, có thể cảm nhận thế giới không giống người bình thường. Việc Kate D’hotman nói chuyện với đồng nghiệp, nhắn tin cho bạn bè, có thể dẫn đến hiểu sai tín hiệu giao tiếp, hiểu lầm giọng điệu và tạo ra những ấn tượng xấu ngoài ý muốn.

Chatbot AI đã nổi lên như bạn đồng hành không ngờ tới, giúp người dùng điều hướng các tình huống xã hội bằng hướng dẫn theo thời gian thực. Dù công nghệ mới này không thiếu rủi ro, đặc biệt là lo ngại về sự lệ thuộc quá mức, nhiều người bị khuyết tật thần kinh nay xem ChatGPT và các chatbot AI khác như chiếc phao cứu sinh.

ChatGPT-la-phao-cuu-sinh-cho-nhieu-nguoi-bi-khuyet-tat-than-kinh (1)
Kate D’hotman: “Là một người đã phải vật lộn với khuyết tật cả đời, tôi cần ChatGPT” - Ảnh: Reuters

"Chatbot AI luôn tích cực, không phán xét"

Với Kate D’hotman, ChatGPT đóng vai trò như một biên tập viên, phiên dịch viên và người tâm sự. Trước khi dùng chatbot của OpenAI, cô gặp khó khăn để giao tiếp với những người bình thường. Kate D’hotman nhớ lại có lần được sếp yêu cầu đưa ra các đề xuất cải thiện công ty và cô đã gửi một danh sách gạch đầu dòng. Thế nhưng, đề xuất mà Kate D’hotman nghĩ là thẳng thắn và đơn giản lại bị xem là quá gay gắt, thậm chí thô lỗ.

Giờ đây, Kate D’hotman thường xuyên nhờ ChatGPT đánh giá các cuộc trò chuyện, yêu cầu chatbot AI này cân nhắc về ngữ điệu và bối cảnh. Đôi khi nữ đạo diễn yêu cầu nó đóng vai nhà tâm lý học hay chuyên gia trị liệu, giúp cô xử lý những tình huống nhạy cảm, chẳng hạn sự hiểu lầm với người bạn thân nhất. Có lần Kate D’hotman tải lên số tin nhắn hằng tháng giữa hai người để ChatGPT giúp nữ đạo diễn nhận ra những chi tiết, tín hiệu hoặc ý nghĩa trong cuộc trò chuyện mà bình thường cô không để ý đến hoặc không hiểu được. Không giống con người, chatbot luôn tích cực và không phán xét, D’hotman nói.

Đó là cảm giác mà nhiều người bị khuyết tật thần kinh khác cũng thấu hiểu, điển hình là Sarah Rickwood, quản lý dự án cấp cao trong ngành đào tạo bán hàng tại hạt Kent (Anh).

Bị ADHD và tự kỷ, Sarah Rickwood nói rằng cô có những ý tưởng tuôn trào và thường làm mất hứng người khác trong các cuộc trò chuyện.

“Tôi không thể làm chủ bản thân mình”, Sarah Rickwood kể và lưu ý rằng ChatGPT “cho phép tôi làm được nhiều hơn với bộ não của mình”. Với sự giúp đỡ của chatbot AI phổ biến nhất thế giới, cô có thể soạn email và các kế hoạch kinh doanh rõ ràng hơn.

Việc sử dụng các ứng dụng AI đang tăng vọt. Một nghiên cứu hồi tháng 1 do Google và công ty khảo sát Ipsos thực hiện cho thấy mức độ sử dụng AI trên toàn cầu đã tăng 48%. Sự hào hứng với lợi ích thực tế của công nghệ này giờ đã vượt qua những lo ngại về tác động tiêu cực. Hồi tháng 2, OpenAI nói với Reuters rằng công ty đã có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hằng tuần, trong đó ít nhất 2 triệu là người doanh nghiệp trả phí. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, gần đây cho biết ChatGPT có hơn 500 triệu người dùng hằng tháng.

Chatbot AI dành riêng cho người bị khuyết tật thần kinh

Với những người bị khuyết tật thần kinh, đây không chỉ là công cụ tiện lợi, mà hiện một số chatbot AI được phát triển riêng dành cho cộng đồng này.

Michael Daniel chia sẻ với Reuters rằng chỉ đến khi con gái bị mắc chứng tự kỷ và doanh nhân này cũng nhận chẩn đoán tương tự thì ông mới nhận ra đã cố che giấu các đặc điểm khuyết tật thần kinh của mình nhiều như thế nào. Michael Daniel là kỹ sư kiêm doanh nhân sống tại khu vực đô thị Newcastle (bang New South Wales, Úc).

Mong muốn giao tiếp rõ ràng hơn với vợ và những người thân yêu bình thường đã truyền cảm hứng để ông xây dựng Neurotranslator. Đó là trợ lý cá nhân AI mà Michael Daniel cho biết đã giúp ông hiểu và xử lý hoàn toàn các tương tác, cũng như tránh được những hiểu lầm.

ChatGPT-la-phao-cuu-sinh-cho-nhieu-nguoi-bi-khuyet-tat-than-kinh (2)
Ảnh chụp màn hình ứng dụng Neurotranslator

“Ồ… đó là một chiếc áo độc đáo thật”, Michael Daniel nhớ lại có lần nói về trang phục của vợ mà không nhận ra lời nhận xét có thể bị hiểu sai. Vợ Michael Daniel đã yêu cầu ông nhập lời nhận xét đó vào Neurotranslator. Công cụ AI này giúp ông nhận ra rằng, nếu không có lời khẳng định tích cực thì nhận xét về vẻ ngoài của ai đó có thể bị xem là chê bai.

“Gánh nặng cảm xúc trong những tình huống như vậy có thể tan biến chỉ trong vài phút”, ông nói về việc sử dụng Neurotranslator.

Từ khi ra mắt vào tháng 9.2024, NeuroTranslator đã thu hút hơn 200 người đăng ký trả phí, theo Michael Daniel. Autistic Translator, một phiên bản web trước đó của NeuroTranslator, từng có 500 người dùng trả phí hằng tháng.

Nguy cơ khi phụ thuộc chatbot AI

Dù chatbot AI là công nghệ mang tính cách mạng, một số chuyên gia cảnh báo về việc trở nên phụ thuộc quá mức vào nó. “Khả năng nhận được kết quả theo yêu cầu có thể rất hấp dẫn”, theo Larissa Suzuki, nhà khoa học máy tính bị khuyết tật thần kinh sống ở London (thủ đô Anh). Cô còn là nhà nghiên cứu thỉnh giảng của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ).

Việc lệ thuộc quá mức có thể gây hại nếu cản trở khả năng tự vận hành của người dùng hoặc nếu chính chatbot trở nên thiếu tin cậy - điều từng xảy ra với nhiều kết quả tìm kiếm bằng AI, theo một nghiên cứu gần đây từ Columbia Journalism Review.

Columbia Journalism Review là tạp chí chuyên về báo chí, truyền thông và đạo đức nghề báo, do Trường Báo chí của Đại học Columbia xuất bản tại thành phố New York (Mỹ).

“Nếu AI bắt đầu làm làm rối tung mọi thứ và đưa ra thông tin sai, nhiều người có thể từ bỏ công nghệ này và cả chính bản thân họ”, Larissa Suzuki bình luận.

Ngay cả Sam Altman cũng cho rằng mọi người không nên lệ thuộc quá mức vào ChatGPT trong việc ra quyết định.

Phát biểu tại một hội nghị ngành ngân hàng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức gần đây, Giám đốc điều hành OpenAI cho biết ông thấy lo ngại về mức độ "quá lệ thuộc cảm xúc" vào ChatGPT, đặc biệt là trong giới trẻ.

"Người ta dựa dẫm vào ChatGPT quá nhiều. Có những bạn trẻ nói những câu như: 'Tôi không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào trong đời nếu không kể hết cho ChatGPT biết. Chatbot này hiểu tôi và bạn bè tôi. Tôi sẽ làm theo bất cứ điều gì nó nói'. Điều đó khiến tôi cảm thấy thật sự tệ", Sam Altman kể.

Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ cho biết việc giới trẻ quá lệ thuộc ChatGPT để đưa ra quyết định là điều "thực sự phổ biến".

Ngày càng có nhiều người trẻ sử dụng chatbot AI và các bạn đồng hành ảo trong cuộc sống hằng ngày.

Sam Altman cảm thấy
Sam Altman lo ngại vì nhiều người trẻ phó mặc cuộc đời cho ChatGPT - Ảnh: Getty Images

Theo một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, 72% thanh thiếu niên từng sử dụng một bạn đồng hành là AI. Một nửa trong số đó cho biết họ "phần nào" tin tưởng lời khuyên của công nghệ này.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng lứa nhỏ tuổi hơn có xu hướng tin tưởng AI nhiều hơn, với 27% người từ 13 - 14 tuổi cho biết phần nào tin vào công nghệ này, so với 20% ở nhóm 15 - 17 tuổi. Trong số những người cho biết tin tưởng vào AI, có 23% nói rằng họ tin "khá nhiều" hoặc "hoàn toàn".

Phát biểu về mối lo ngại trước sự lệ thuộc vào AI, Sam Altman nói rằng OpenAI đang "cố gắng tìm hiểu phải làm gì với điều đó".

"Ngay cả khi ChatGPT đưa ra những lời khuyên tuyệt vời, thậm chí còn tốt hơn cả chuyên gia trị liệu, thì ý tưởng rằng tập thể chúng ta sẽ sống cuộc đời theo lời AI vẫn khiến tôi cảm thấy tồi tệ và nguy hiểm", lãnh đạo OpenAI nhấn mạnh.

Làm suy giảm khả năng tư duy phản biện?

Việc trút bầu tâm sự với chatbot AI cũng mang theo rủi ro, theo Gianluca Mauro - cố vấn về AI và đồng tác giả cuốn sách Zero to AI (Từ 0 đến AI).

“Mục tiêu của các mô hình AI (công nghệ nền tảng cho chatbot) là làm hài lòng người dùng”, ông nói. Điều đó đặt ra câu hỏi về khả năng đưa ra lời khuyên mang tính phản biện (không chỉ đồng tình hay ủng hộ mà còn chỉ ra những điểm chưa hợp lý, thiếu sót, sai lầm – PV). Không như các nhà trị liệu, những công cụ AI này không bị ràng buộc bởi đạo đức nghề nghiệp hay quy định chuyên môn. Nếu AI có khả năng gây nghiện, Gianluca Mauro cho rằng cần có quy định kiểm soát.

Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) và Microsoft (nhà đầu tư chính của OpenAI) cho thấy sự phụ thuộc lâu dài vào các công cụ AI tạo sinh có thể làm suy giảm khả năng tư duy phản biện của người dùng, khiến họ không đủ kỹ năng để xoay xở nếu không có AI.

“Dù có thể cải thiện hiệu quả công việc, AI cũng có khả năng làm giảm khả năng tư duy phản biện, đặc biệt trong các nhiệm vụ lặp đi lặp lại hoặc có mức độ quan trọng thấp, khi mà người dùng đơn giản là dựa hoàn toàn vào công nghệ này”, các nhà nghiên cứu viết.

Dù bác sĩ Melanie Katzman, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về hành vi con người, thừa nhận lợi ích của AI với người khuyết tật thần kinh, song cũng chỉ ra những mặt trái, chẳng hạn tạo ra cái cớ để bệnh nhân không phải tương tác xã hội.

Một nhà trị liệu sẽ thúc đẩy bệnh nhân thử những điều vượt ra ngoài vùng an toàn. “Tôi nghĩ bạn đồng hành AI sẽ khó làm điều đó hơn”, bà nói.

Song với những người dùng đã dựa vào công nghệ này, những lo ngại đó mang tính lý thuyết nhiều hơn.

“Rất nhiều người trong chúng tôi tránh tiếp xúc xã hội”, Kate D’hotman nói, và cho biết cô hầu như không ra khỏi nhà trong năm đầu tiên sau khi nhận chẩn đoán bị tự kỷ vì cảm thấy quá tải. Nếu ngừng sử dụng ChatGPT, nữ đạo diễn phim kinh dị sợ rằng mình sẽ quay lại giai đoạn tự cô lập đầy tổn thương đó.

“Là một người đã phải vật lộn với khuyết tật cả đời, tôi cần ChatGPT”, cô nhấn mạnh.

CEO Nvidia: “Kỹ năng tư duy của tôi thực ra đang phát triển nhờ AI”

Trong chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN gần đây, nhà báo Fareed Zakaria đã dẫn một nghiên cứu từ Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đánh giá tác động của việc dùng các công cụ AI như ChatGPT để viết bài luận, với 54 người tham gia. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng AI "gây ra tổn thất về mặt nhận thức" cho người dùng.

Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, nói với Fareed Zakaria rằng ông chưa xem nghiên cứu đó của Học viện Công nghệ Massachusetts, nhưng ông dùng AI "mỗi ngày, không sót ngày nào" và tin rằng "kỹ năng tư duy của tôi thực ra đang phát triển".

"Tôi không chắc mọi người đang dùng AI để làm gì mà lại khiến họ không phải suy nghĩ, nhưng rõ ràng bạn vẫn phải tư duy", Jensen Huang khẳng định.

"Khi tôi tương tác với AI, đó là một hệ thống hỏi đáp. Bạn phải đặt câu hỏi. Để đặt được câu hỏi hay, bạn cần phải tư duy. Bạn phải phân tích và tự lập luận", tỷ phú 62 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan nói thêm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ChatGPT là phao cứu sinh cho nhiều người bị khuyết tật thần kinh: ‘Giọng nói thấu cảm nhất’
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO