Binance, sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số lớn nhất thế giới, dự định giữ lại hàng trăm nhân viên làm việc từ xa tại Singapore, bất chấp việc quốc gia Đông Nam Á này đang mạnh tay kiểm soát các tổ chức tiền mã hóa không có giấy phép.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) gần đây đã công bố thời hạn chót vào ngày 30.6 buộc các công ty tiền mã hóa được thành lập tại Singapore nhưng cung cấp dịch vụ ra nước ngoài phải chấm dứt hoạt động. Động thái đó khiến các sàn giao dịch nằm trong top 10 như Bitget và Bybit phải cân nhắc chuyển nhân sự ra nước ngoài.
Theo những người am hiểu Binance, các quy định mới dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của sàn này tại Singapore, trang Bloomberg News đưa tin. Những người này tiết lộ hàng trăm nhân viên có trụ sở tại Singapore đang làm việc từ xa cho Binance sẽ không cần phải chuyển địa điểm.
Phân tích của Bloomberg News trên LinkedIn cho thấy có hơn 400 nhân viên Binance tự nhận có trụ sở làm việc tại Singapore.
Binance không đưa ra bình luận nào về hoạt động tại Singapore và cũng không xác nhận liệu họ có văn phòng tại quốc đảo này không khi Bloomberg liên hệ. Trước câu hỏi của Bloomberg, MAS dẫn lại các tuyên bố trước đó về quy định mới.
Các sàn giao dịch tiền mã hóa từ lâu đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý vì mập mờ về những cơ sở hoạt động. Binance chưa từng công bố trụ sở toàn cầu.
Ông Richard Teng, Giám đốc điều hành Binance, là cựu giám đốc tại MAS. Richard Teng từng nói vào năm 2024 rằng Binance đã thảo luận với nhiều khu vực pháp lý về vấn đề này, nhưng đến tháng 1, ông mô tả nhân viên công ty là "được ưu tiên làm việc từ xa".
Trong thông báo làm rõ vào ngày 6.6 với tuyên bố ban đầu của mình, MAS cho biết các công ty tài sản kỹ thuật số cung cấp dịch vụ “chỉ cho khách hàng ngoài nước này” sẽ cần có giấy phép kể từ ngày 30.6 hoặc “phải chấm dứt các hoạt động nằm trong phạm vi bị điều chỉnh bởi luật”. Binance không có giấy phép ở Singapore và đã nằm trong danh sách cảnh báo nhà đầu tư của MAS từ năm 2021, nghĩa là họ không thể thu hút khách hàng từ quốc đảo này.
Tuy nhiên, các nhân viên Binance tại Singapore dường như không bị ảnh hưởng bởi thông báo mới của MAS, vì họ chủ yếu đảm nhận các công việc hậu cần như tuân thủ pháp lý, nhân sự, phân tích dữ liệu và công nghệ, theo các nguồn tin. Làm việc từ xa thay vì tại văn phòng cố định cũng giúp họ tránh bị ảnh hưởng, các nguồn tin cho biết thêm.
Theo tuyên bố ngày 30.5 của MAS, các cá nhân hoặc công ty hợp danh có trụ sở hoạt động ở Singapore hoặc được thành lập tại đây và cung cấp dịch vụ token kỹ thuật số ra nước ngoài sẽ phải tuân theo các quy tắc mới.
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp trong đó có ít nhất hai thành viên là thành viên hợp danh, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ tài chính của công ty, tức là nếu công ty nợ mà không trả được, họ phải dùng tài sản cá nhân để trả nợ.
Tuy nhiên, công việc được thực hiện bởi một cá nhân trong vai trò nhân viên của công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ ra bên ngoài Singapore “sẽ không phải chịu yêu cầu cấp phép" theo Đạo luật Dịch vụ Tài chính và Thị trường (FSMA) năm 2022, MAS cho biết.
“Địa điểm kinh doanh là một vùng xám. Định nghĩa ‘địa điểm kinh doanh’ theo FSMA rất rộng. Dù khái niệm này có giới hạn, tôi không khuyến khích các công ty thuê người cư trú tại Singapore rồi chỉ dựa vào định nghĩa đó để làm việc từ xa và cho rằng điều này nằm ngoài phạm vi của quy định mới”, ông Chris Holland, đối tác tại công ty tư vấn HM (Singapore), nói.
"Vùng xám" là cách nói ẩn dụ chỉ một vấn đề hoặc tình huống không rõ ràng, chưa được quy định cụ thể, hoặc nằm giữa hai thái cực rõ ràng như hợp pháp và bất hợp pháp.
"Có thể đẩy vốn lẫn nhân tài rời đi"
Singapore là một trong những trung tâm tiền mã hóa hàng đầu châu Á, với chế độ cấp phép mà các công ty toàn cầu như Coinbase Global và OKX tận dụng để thiết lập cơ sở ở khu vực. Tuy nhiên, quốc đảo này đã trải qua hàng loạt cú sốc trong giai đoạn thị trường suy thoái năm 2022. Một trong số đó là quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (Singapore) sụp đổ sau một loạt khoản đầu tư sai lầm.
Vị thế của Singapore trong ngành tiền mã hóa đang bị đặt dấu hỏi sau khi công bố thời hạn chót vào ngày 30.6, khiến nhiều người lo ngại về một làn sóng rút khỏi thị trường này.
“Có rất nhiều sự không chắc chắn về lập trường của Singapore với tiền mã hóa”, ông Raagulan Pathy, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp stablecoin Kast, bình luận.
Stablecoin là một dạng tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo với một tài sản cụ thể như đồng USD.
Có trụ sở tại Quần đảo Cayman, Kast đã tuyển 100 nhân viên trong 12 tháng qua và từng có kế hoạch chuyển đội ngũ vận hành nội bộ, giao dịch và các lãnh đạo sang Singapore, đồng thời thuê thêm 30 - 50 người tại đây. Giờ đây, Raagulan Pathy dự định sẽ lập văn phòng toàn cầu tại Dubai (UAE) để thay thế.
“Dù Singapore chỉ đang bịt một lỗ hổng pháp lý, nhưng nhận thức chung là họ đang kiểm soát chặt chẽ tiền mã hóa và điều đó có thể đẩy vốn lẫn nhân tài rời đi”, Raagulan Pathy nhận định.
Đã sống tại Singapore 12 năm, Raagulan Pathy nói ông không có ý định chuyển đi, nhưng buộc phải “đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi đặt văn phòng cho Kast”.