Xác thực truy xuất nguồn gốc:Động lực phát triển bền vững của kinh tế số
Xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế quốc gia.
Ngày 8.7 tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam”.
Đảm bảo minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh
Xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế quốc gia. Bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.
Phát biểu khai mạc, đại tá Phạm Minh Tiến - Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nhấn mạnh vai trò đặc biệt của xác thực và truy xuất nguồn gốc trong nền kinh tế số.
Theo ông Tiến, việc bảo đảm tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ không chỉ phục vụ yêu cầu quản lý trong nước, mà còn là tiêu chuẩn bắt buộc để hội nhập và phát triển thị trường quốc tế.

Ông Tiến cũng cho biết các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như Blockchain, cần được phát triển dựa trên năng lực nội tại của Việt Nam, đồng thời kết nối vào hạ tầng dữ liệu quốc gia.
Đại tá Phạm Minh Tiến khẳng định Trung tâm Dữ liệu quốc gia cam kết đồng hành, hỗ trợ về thể chế, kỹ thuật và bảo mật để các hệ thống truy xuất phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Mọi khâu cần được số hóa và kết nối
Ông Bùi Bá Chính - quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia) cho rằng để thực thi hiệu quả Nghị quyết số 57/NQ-TW về chuyển đổi số, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến phân phối... mọi khâu cần được số hóa và kết nối, nhằm bảo đảm tính minh bạch, nâng cao năng lực kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Chính ví dụ về quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, việc ghi chép bằng phương pháp thủ công không chỉ làm tăng nguy cơ sai sót mà còn dễ bị lợi dụng để làm giả hồ sơ, làm sai lệch thực tế sản xuất. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch và độ tin cậy của sản phẩm.
Ngược lại, nếu ứng dụng công nghệ để ghi chép nhật ký sản xuất điện tử theo thời gian thực, doanh nghiệp có thể quản lý toàn trình chuỗi cung ứng một cách minh bạch, chính xác, góp phần khẳng định chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.

Ông Chính nhận thấy mặc dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng một khi đã triển khai, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ theo quy định các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã ban hành; mọi hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ đều có thể bị coi là hành vi gian dối đối với người tiêu dùng.
Dữ liệu là cấp thiết và quan trọng hàng đầu
Theo ông Nguyễn Huy - Trưởng ban Công nghệ (Hiệp hội Dữ liệu quốc gia), trong bối cảnh cả nước đang chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp.
Ông Huy cho rằng trong việc truy xuất nguồn gốc, dữ liệu là cấp thiết và quan trọng hàng đầu. Nếu không ứng dụng dữ liệu vào sẽ mãi là câu chuyện cũ, giải quyết bài toán cũ mà không thật sự đưa ra được giải pháp toàn diện và hiện đại, tạo ra nền kinh tế mới.
Hiện mỗi doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng, nhiều doanh nghiệp lớn đã có công nghệ, có hệ thống cho sản phẩm của họ và xác thực sản phẩm của họ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những doanh nghiệp này chưa dựa trên tiêu chuẩn đồng nhất cho cả quốc gia cũng như liên thông quốc tế...