Windows 11 hiện đã chính thức vượt qua Windows 10 để trở thành hệ điều hành máy tính để bàn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, chỉ vài tháng trước khi Microsoft chấm dứt hỗ trợ cho phiên bản tiền nhiệm.
Thế giới số

Windows 11 chính thức vượt Windows 10 về độ phổ quát

Anh Tú 20:57 07/07/2025

Windows 11 hiện đã chính thức vượt qua Windows 10 để trở thành hệ điều hành máy tính để bàn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, chỉ vài tháng trước khi Microsoft chấm dứt hỗ trợ cho phiên bản tiền nhiệm.

11.jpeg
Nhiều người đã chuyển sang dùng Windows 11

Theo dữ liệu mới nhất từ StatCounter, được Windows Central dẫn lại, Windows 11 hiện chiếm 52% thị phần toàn cầu, vượt qua Windows 10 với 44,59%. Đây là một cột mốc đáng kể cho Microsoft, gần bốn năm sau khi ra mắt Windows 11.

Khởi đầu chậm chạp, nhưng leo dốc đều đặn

Mặc dù Windows 11 đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong giới game thủ từ tháng 9 năm 2023, phần lớn người dùng vẫn trung thành với Windows 10 cho đến nay. Microsoft giới thiệu Windows 11 vào cuối năm 2021, nhưng tốc độ tiếp nhận lại chậm hơn dự kiến.

Vào tháng 10.2023, dữ liệu bị rò rỉ cho thấy có hơn 400 triệu thiết bị đang chạy Windows 11. Con số này nghe có vẻ ấn tượng nhưng không là gì khi bạn so sánh với Windows 10. Cần nhớ, Windows 10 đạt được mốc này chỉ trong vòng một năm, trong khi Windows 11 phải mất hai năm mới làm được điều tương tự.

Một lý do khiến quá trình triển khai chậm là vì hạn chế phần cứng. Dù Microsoft cung cấp lộ trình nâng cấp miễn phí từ Windows 10, nhưng nhiều PC đời cũ không đáp ứng được các yêu cầu phần cứng nghiêm ngặt hơn. Windows 11 yêu cầu CPU hiện đại hơn và các tính năng bảo mật cụ thể, khiến nhiều người dùng bị bỏ lại nếu không nâng cấp thiết bị.

Microsoft đã cố gắng thúc đẩy người dùng bằng các thông báo nâng cấp toàn màn hình, nhắc nhở rằng thời gian dành cho Windows 10 không còn nhiều. Với ngày kết thúc hỗ trợ là 14 tháng 10 đang đến gần, áp lực ngày càng gia tăng.

Cập nhật bảo mật sẽ không còn miễn phí

Microsoft gần đây thông báo rằng sau khi chấm dứt hỗ trợ cho Windows 10, người dùng sẽ phải trả tiền để tiếp tục nhận cập nhật bảo mật. Tuy nhiên, có một lựa chọn miễn phí — bạn sẽ không phải trả phí năm đầu tiên nếu đồng ý kích hoạt Windows Backup và đồng bộ thư mục Documents lên OneDrive.

Nếu không muốn đưa dữ liệu cá nhân lên đám mây, bạn sẽ phải trả 30 USD cho một năm cập nhật bảo mật. Ngoài ra, bạn cũng có thể đổi bằng 1.000 điểm Microsoft Rewards nếu bạn đã tích lũy đủ.

Với nhiều người dùng vẫn gắn bó với các máy tính cũ, thay đổi này buộc họ phải lựa chọn: nâng cấp thiết bị, chấp nhận các điều khoản dựa trên đám mây của Microsoft (cũng tốn phí) hoặc trả tiền để giữ cho máy được bảo mật.

Khi Microsoft tiếp tục thúc đẩy hệ điều hành mới nhất của mình và Windows 10 chuẩn bị về hưu, các con số cho thấy người dùng cuối cùng cũng đang chuyển đổi. Dù là tự nguyện hay bắt buộc, Windows 11 giờ đã trở thành hệ điều hành máy tính để bàn dẫn đầu và xu thế này không thể đảo ngược.

Nhìn lại những lần chuyển đổi trước đây

Từ Windows XP đến Windows 7

Windows XP, ra mắt năm 2001, là một "huyền thoại" thực sự của Microsoft. Với giao diện thân thiện, màu xanh đặc trưng và hiệu suất ổn định, XP đã thống trị thị trường PC trong nhiều năm và là hệ điều hành đầu tiên mà nhiều người dùng PC mới làm quen. Nó gắn liền với kỷ niệm về những quán net, những trò chơi điện tử đầu tiên và sự bùng nổ của internet.

Tuy nhiên, sau hơn một thập niên, XP bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là về bảo mật và khả năng tương thích với phần cứng/phần mềm mới. Khi Microsoft tuyên bố ngừng hỗ trợ Windows XP vào tháng 4 năm 2014, người dùng đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng và không nhận được các bản vá lỗi quan trọng.

Đây là lúc Windows 7 (ra mắt năm 2009) trở thành lựa chọn hấp dẫn nhất với nhiều lý do. Trong đó, bảo mật là yếu tố hàng đầu. Việc XP không còn được hỗ trợ khiến người dùng lo ngại về virus, mã độc.

Ngoài ra, Windows 7 mang đến giao diện Aero đẹp mắt, hiệu ứng trong suốt, Taskbar được cải tiến. Nó chạy mượt mà hơn XP trên phần cứng hiện đại và tận dụng tốt hơn RAM, CPU đa lõi. Nhà nhà dần chuyển sang Windows 7 do các phần mềm và thiết bị mới dần không còn hỗ trợ XP.

Windows 7 nhanh chóng trở thành một hệ điều hành được yêu thích, được xem là "người kế nhiệm xứng đáng" của XP nhờ sự ổn định và thân thiện.

Từ Windows 7 đến Windows 10

Windows 7 tiếp tục được yêu thích trong nhiều năm, nhưng Microsoft đã có một kế hoạch lớn hơn: tạo ra một hệ điều hành thống nhất trên nhiều thiết bị và đẩy mạnh dịch vụ đám mây. Sau sự ra mắt không mấy thành công của Windows 8/8.1 với giao diện Metro gây tranh cãi, Windows 10 (ra mắt năm 2015) được kỳ vọng sẽ lấy lại lòng tin của người dùng.

Điểm đặc biệt nhất là Microsoft đã cung cấp nâng cấp miễn phí từ Windows 7 và Windows 8/8.1 lên Windows 10 trong năm đầu tiên ra mắt. Đây là động lực lớn nhất. Người dùng không muốn bỏ lỡ cơ hội có một hệ điều hành mới mà không tốn chi phí.

Tương tự như XP, Windows 7 cũng đến lúc kết thúc hỗ trợ chính thức vào tháng 1 năm 2020 (dù có thể mua thêm gói ESU). Điều này lại một lần nữa thúc đẩy người dùng chuyển đổi để đảm bảo bảo mật.

Trong khi đó, Windows 10 giới thiệu trình duyệt Edge, trợ lý ảo Cortana, Action Center, desktop ảo và đặc biệt là sự trở lại của Start Menu kết hợp với các Live Tiles của Windows 8, được nhiều người dùng đón nhận. Hệ sinh thái dịch vụ: Microsoft bắt đầu tích hợp sâu hơn các dịch vụ đám mây và ứng dụng Universal Windows Platform (UWP).

Bài liên quan
Lộ tin Microsoft rút khỏi Pakistan và giá trị của sự ổn định
Sau khi cắt giảm nhân sự và hoạt động xuống mức tối thiểu, Microsoft đã chính thức rút hoàn toàn khỏi Pakistan sau 25 năm có mặt tại quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
5 luật đột phá về KHCN góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường
31 phút trước Khoa học - công nghệ
Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết 5 luật mới được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Windows 11 chính thức vượt Windows 10 về độ phổ quát