Việt Nam cần làm gì để thành điểm hút vốn đầu tư fintech ở Đông Nam Á?
Theo các báo cáo về tài trợ Fintech tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm fintech không thể tranh cãi của khu vực, thu hút phần lớn vốn đầu tư. Ông Nguyễn Khắc Việt Bách - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase - chia sẻ Việt Nam cần làm gì để thành công như Singapore?

Trong nửa đầu năm 2025, Singapore chiếm tới 88% trong tổng số 776 triệu USD vốn đầu tư vào Fintech của Đông Nam Á. Dù các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia cũng có những bước tiến trong lĩnh vực, Singapore vẫn duy trì vị thế dẫn đầu vượt trội trong việc thu hút vốn đầu tư.
Có nhiều yếu tố giúp Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư fintech, nổi bật là cơ sở hạ tầng tài chính phát triển với hệ thống hiện đại, vững chắc và được quản lý tốt. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ và khung pháp lý thuận lợi. Chính phủ Singapore và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) rất chủ động trong việc tạo ra một môi trường pháp lý tiến bộ và khuyến khích cho sự đổi mới fintech.
Singapore còn có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, tập trung nhiều tài năng, các vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ lớn, tạo thành hệ sinh thái mạnh mẽ.
Một điều quan trọng là vị trí địa lý chiến lược của đảo quốc Sư tử, là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á, giúp các công ty Fintech dễ dàng mở rộng sang các thị trường lân cận.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể làm gì để nâng tầm trong việc thu hút dòng vốn đầu tư fintech. Dù chưa thể thành công như Singapore nhưng Việt Nam cần có nhiều phần hơn trong "miếng bánh" fintech. Phóng viên Một Thế Giới đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Khắc Việt Bách (Jack Nguyễn) - Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase.
- PV: Thưa ông, những số liệu mới cho thấy Singapore chiếm tới 88% lượng vốn rót vào fintech khu vực. Con số này so với Việt Nam thì thấy chúng ta còn khiêm tốn nhiều so với Singapore?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Đúng vậy, theo báo cáo Global State of Fintech 2024 của Robocash và Tracxn, Singapore chiếm đến 88% lượng vốn fintech đổ vào Đông Nam Á năm 2024, nhờ hệ sinh thái sở hữu ba lợi thế cốt lõi: khung pháp lý rõ ràng, cơ sở hạ tầng tài chính số hiện đại, và mạng lưới nhà đầu tư dày đặc với khả năng triển khai vốn nhanh chóng.
Trong khi đó, Việt Nam - dù có lợi thế dân số gần 100 triệu người, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mức độ số hóa tài chính đang tăng mạnh - chỉ thu hút khoảng 120 triệu USD vốn công nghệ (bao gồm fintech) trong năm 2024, giảm gần 38% so với năm 2023. Đây không chỉ là con số khiêm tốn so với Singapore, mà còn là tín hiệu cảnh báo rằng Việt Nam chưa thực sự “mở khóa” được tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực fintech.
- Theo ông, Việt Nam có cơ hội nào để cải thiện tình hình thu hút vốn?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Tôi cho rằng Việt Nam vẫn có dư địa để cải thiện vị thế thu hút vốn, nếu triển khai được ba nhóm hành động chiến lược sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý một cách chủ động và linh hoạt. Mô hình sandbox tài chính hiện tại chỉ bó hẹp ở P2P lending và Open API, trong khi tài sản số, AI tín dụng, blockchain ứng dụng trong định danh và thanh toán… vẫn chưa có lối vào rõ ràng. Việt Nam cần học hỏi từ mô hình Innovation Corridor của Singapore - nơi pháp luật không chỉ “cho phép thử”, mà còn khuyến khích thử nghiệm, kiểm soát rủi ro có chủ đích thay vì dập tắt đổi mới từ đầu.
Thứ hai, phát triển các trung tâm tài chính số theo mô hình IFC (International Financial Centre). Việc thành lập các “đặc khu tài chính số” ở TP.HCM hoặc Đà Nẵng - với chính sách sandbox linh hoạt, ưu đãi thuế và hành lang pháp lý riêng - sẽ tạo thành cực hút vốn đầu tư. Báo cáo Fintech in ASEAN 2024 của PwC khuyến nghị: các quốc gia muốn giữ chân nhà đầu tư nên định hướng xây dựng cụm trung tâm tài chính số liên kết chặt chẽ giữa startup - quỹ đầu tư - ngân hàng - chính phủ.
Thứ ba, nâng cao năng lực startup nội địa để sẵn sàng gọi vốn quốc tế.

- Các số liệu cho thấy tại ASEAN, nguồn vốn đổ chủ yếu vào các vòng gọi vốn giai đoạn cuối, trong khi vòng hạt giống và series A lại sụt giảm. Điều này nói lên xu hướng gì trong "khẩu vị" đầu tư hiện nay?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, xu hướng đầu tư vào các vòng gọi vốn giai đoạn cuối, tức các startup đã có doanh thu hoặc lộ trình lợi nhuận rõ ràng, đang ngày càng chiếm ưu thế. Ngược lại, các vòng đầu như seed hay series A đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh, đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Theo báo cáo Fintech in ASEAN 2024 của PwC, trong tổng số hơn 3,7 tỉ USD vốn fintech rót vào khu vực Đông Nam Á, phần lớn vẫn ưu tiên cho các startup giai đoạn giữa đến cuối. Dù các vòng early-stage (gồm seed và series A/B) chiếm hơn 60% về số thương vụ, nhưng giá trị vốn đã giảm đáng kể: seed-stage giảm 6%, early-stage giảm 16% so với năm 2023. Trong khi đó, các thương vụ lớn (late-stage deals trên 50 triệu USD) chỉ chiếm khoảng 8% số deal nhưng lại hút tới 45% tổng vốn trong khu vực.
- Các vòng gọi vốn ở nước ta thì sao?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự lệch pha trong cấu trúc vốn. Trong năm 2024, theo báo cáo Vietnam Tech Annual Funding Report của Tracxn, tổng vốn seed chỉ đạt 11,7 triệu USD, giảm gần 82% so với năm 2022. Series A cũng sụt 47% so với cùng kỳ. Đây là một cú trượt sâu, đáng quan ngại, vì nó đe dọa chuỗi tăng trưởng liên tục của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Thưa ông, điều này có ý nghĩa gì?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Từ quan điểm của nhà đầu tư, sự dịch chuyển khẩu vị này phản ánh ít nhất ba xu hướng lớn:
Thứ nhất, tâm lý “flight to safety” ngày càng chi phối. Khi thị trường tài chính biến động, lãi suất duy trì ở mức cao và khả năng exit khó dự đoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm - đặc biệt là quỹ lớn - sẽ chọn những “con bài chắc tay” hơn: startup đã qua kiểm chứng, có dòng tiền tích cực hoặc mô hình scale-up rõ ràng. Việc đầu tư vào giai đoạn sớm trở nên rủi ro hơn, không chỉ về mặt tài chính mà còn cả pháp lý, đặc biệt tại những thị trường chưa có sandbox linh hoạt.
Thứ hai, các quỹ thiên về chiến lược phòng thủ - mở rộng danh mục theo chiều sâu. Thay vì đặt cược vào số lượng lớn startup non trẻ (và hy vọng một vài thành công lớn), nhà đầu tư hiện đang tập trung “double down” vào những công ty trong danh mục đã chứng minh được năng lực, cả về thị trường, công nghệ và đội ngũ. Điều này giúp họ giảm chi phí vận hành danh mục và tăng khả năng hiện thực hóa lợi nhuận trong giai đoạn exit kéo dài.
Thứ ba, việc thiếu hụt các nguồn vốn "bắc cầu" ở Việt Nam khiến các vòng seed dễ bị "chết yểu". Ở các thị trường phát triển, giữa seed và series A thường tồn tại các chương trình vốn bắc cầu (bridge funding) hoặc trái phiếu chuyển đổi (convertible note) từ các quỹ hạt giống (seed fund), chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) hoặc cả ngân hàng. Trong khi đó, tại Việt Nam, khoảng trống này chưa có ai lấp đầy, khiến startup rơi vào cảnh "vừa quá lớn để gọi angel, vừa quá non để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm".
Hệ quả là một vòng luẩn quẩn: startup không đủ vốn để chứng minh mô hình, quỹ không dám rót vì chưa thấy dấu hiệu tăng trưởng, và toàn bộ hệ sinh thái mất đi lớp kế cận tiềm năng.
- Theo ông, chúng ta cần giải pháp gì để giải quyết bài toán trên?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Việt Nam cần thiết kế lại cấu trúc vốn cho startup. Một số hướng đi khả thi bao gồm: Thiết lập các quỹ đồng đầu tư (co-investment funds) giữa nhà nước và tư nhân, đặc biệt cho các vòng pre-seed và seed; ưu đãi thuế cho angel investor và quỹ early-stage, tương tự mô hình EIS tại Anh; khuyến khích các định chế tài chính nội địa (ngân hàng, công ty chứng khoán) thiết lập nhánh venture arm để đầu tư vào đổi mới sáng tạo - như Shinhan Future's Lab ở Hàn Quốc hay SCB 10X của Thái Lan.
Tóm lại, xu hướng dịch chuyển về phía late-stage đầu tư là dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại. Nhưng nếu hệ sinh thái chỉ ưu ái startup “sắp IPO” mà bỏ rơi lớp “mầm non đổi mới” thì đổi mới sáng tạo sẽ bị gián đoạn. Để duy trì nhịp tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần có chính sách giữ nhiệt cho các vòng sớm - vì đây là nơi gieo hạt cho những unicorn tương lai.
Điểm nghẽn lớn nhất nằm ở chỗ: sandbox hiện nay đang được triển khai như một cơ chế “cho phép đặc biệt”, chứ chưa trở thành một công cụ “mặc định khuyến khích” đổi mới. Nói cách khác, tinh thần “thử - sai - sửa” vốn là cốt lõi của đổi mới sáng tạo vẫn còn bị ràng buộc bởi tư duy “kiểm soát trước - chấp thuận sau”.
- Chúng ta có thể học hỏi gì từ quốc tế?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: So sánh với mô hình quốc tế sẽ thấy rõ khác biệt. Tại Singapore, cơ quan MAS triển khai cơ chế Fintech Regulatory Sandbox+, trong đó doanh nghiệp có thể lựa chọn “sandbox nhanh” (fast-track) cho các sản phẩm đã có mô hình tương đương trên thị trường quốc tế. Tại Anh, FCA còn có mô hình sandbox mở - nơi cả startup lẫn nhà đầu tư, luật sư và cơ quan quản lý cùng tham gia mô phỏng và điều chỉnh chính sách ngay từ đầu.
Về tài sản số, Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý chính thức thừa nhận, phân loại hoặc cho phép thử nghiệm sản phẩm token hóa. Điều này khiến các mô hình như giao dịch tài sản số, đầu tư tiền mã hóa theo hình thức ủy thác, hoặc ứng dụng blockchain trong phát hành trái phiếu số… không có hành lang pháp lý thử nghiệm hợp pháp - dù nhu cầu từ thị trường và nhà đầu tư là có thật.
- Ông có muốn gửi gắm gì cho các nhà hoạch định chính sách?
- Ông Nguyễn Khắc Việt Bách: Để chính sách thực sự trở thành đòn bẩy cho startup fintech nội địa, Việt Nam cần đi xa hơn những gì đang có.
Cụ thể: Mở rộng phạm vi sandbox sang các lĩnh vực frontier: tài sản số, insurtech, AI, token hóa và blockchain trong giao dịch tài chính; chuyển đổi mô hình triển khai sandbox từ “xin - cho” sang “mặc định thử nghiệm có kiểm soát”, với quy trình nhanh, minh bạch, và có giới hạn rủi ro rõ ràng; xây dựng cơ chế đối thoại ba bên – nơi startup, nhà đầu tư và cơ quan quản lý cùng tham gia đóng góp và điều chỉnh sandbox theo thời gian thực.
Khi đó, luật pháp không chỉ là “rào chắn mềm” mà còn trở thành “đường băng” cho đổi mới sáng tạo tài chính tại Việt Nam cất cánh.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Khắc Việt Bách (Jack Nguyễn) là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Blockbase - quỹ đầu tư chuyên về công nghệ mới nổi. Ông là chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực đầu tư công nghệ, tư vấn M&A, quản lý danh mục và phát triển bất động sản.
Trước đó, ông phụ trách quản lý đầu tư tại Aspire Group, thuộc hệ sinh thái Crane Capital và Washington State Investment Board. Ông cũng từng đảm nhiệm các vị trí chuyên viên tại Corecam Family Office (Thụy Sĩ), Auxesia Holdings, BDA Partners và công ty chứng khoán Thiên Việt.