Từng bị hoài nghi, AI nay trở thành 'hơi thở' hằng ngày
Thông tin này được GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (USSH) nêu ra tại cuộc tọa đàm "Khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên”, do USSH phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức ngày 23.7.
AI đang trở thành “hơi thở hằng ngày”
GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (USSH) cho rằng sự trỗi dậy của AI đang định hình lại cách còn người làm việc, học tập và đổi mới sáng tạo.
“Nếu như cách đây vài năm, câu chuyện AI vẫn còn có những tò mò, dè dặt hoặc hoài nghi, thì khoảng 1 năm trở lại đây, AI đang trở thành “hơi thở hằng ngày”. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục phải chủ động trang bị cho người học năng lực sử dụng và đồng sáng tạo AI một cách có trách nhiệm, hiệu quả và đạo đức".

Ông Tuấn cho biết USSH phối hợp cùng Tập đoàn Meta xây dựng khung năng lực AI dành cho sinh viên trên cơ sở tham vấn các chuyên gia, giảng viên, sinh viên, đồng thời tham chiếu các khung năng lực số và AI quốc tế đang được sử dụng rộng rãi.
“Các sinh viên nói với nhau rằng “sinh viên nhân văn - hiện đại không lăn tăn”. Việc tích hợp các mục tiêu học tập về AI vào chương trình giáo dục giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận AI một cách an toàn, có ý nghĩa và sẵn sàng thích ứng với một xã hội đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Những cơ sở giáo dục không đáp ứng yêu cầu này sẽ khó duy trì được tính phù hợp và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới”, ông Tuấn nói.
Chung quan điểm, TS Trần Văn Tùng, Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN cho rằng AI đang là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học… trong công việc chuyên môn. Do đó, việc xây dựng khung năng lực AI cho các sinh viên là rất thiết thực.

Theo ông Tùng, trong thực tế không ít lĩnh vực nhân sự giỏi chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng về công nghệ. Dẫn ví dụ ở nhiều ngân hàng, ông Tùng cho hay nhóm chuyên môn chỉ giỏi chuyên môn, nhóm công nghệ chỉ giỏi công nghệ và giữa họ không có nhiều sự “giao thoa”, mà tồn tại như 2 “ốc đảo”. Do đó, việc bồi dưỡng kiến thức công nghệ cho nhóm chuyên môn rất quan trọng.
“Điều này cũng tương tự việc đào tạo trong các cơ sở giáo dục. Ngoài việc đào tạo chuyên môn thì các sinh viên cũng rất cần được trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ, nhất là AI”, ông Tùng nói.
Theo ông Đặng Văn Huấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo, AI là một trong những từ khóa được nhắc đến rất nhiều thời gian qua và bộ cũng đã sử dụng AI trong hoạt động xây dựng chính sách.

Tuy nhiên, theo ông Huấn, việc ứng dụng AI trong hoạt động đào tạo và quản trị hiện đang đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn làm thế nào để thẩm định, kiểm chứng số liệu và thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch của những nội dung do AI tạo ra, vai trò của người dạy và người học cũng như vấn đề về đạo đức trong ứng dụng AI…
6 miền năng lực và 4 cấp độ
Khung năng lực AI do USSH và Meta xây dựng gồm 6 miền năng lực.
Thứ nhất, hiểu biết về AI và dữ liệu (hiểu cách hệ thống AI vận hành, các nguyên tắc về thu thập và diễn giải dữ liệu, ý nghĩa kết quả do AI tạo ra).
Thứ nhì, tư duy phản biện và đánh giá AI (nhận diện thiên kiến và áp dụng lập luận logic khi sử dụng AI ra quyết định, xác minh nguồn, nhận diện thông tin sai lệch).

Thứ ba, đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI (hiểu các nguyên tắc như công bằng, quyền riêng tư và cách để đảm bảo AI được sử dụng có trách nhiệm).
Thứ tư, lấy con người làm trung tâm, trí tuệ cảm xúc và sự sáng tạo (tầm quan trọng của các kỹ năng con người trong một thế giới do AI chi phối, gồm thấu cảm, thích ứng, giao tiếp sáng tạo…).
Thú năm, ứng dụng AI cho chuyên môn (áp dụng AI trong bối cảnh cụ thể).
Thứ sáu, thiết kế và phát triển hệ thống (có thể tạo ra hệ thống AI như thế nào).
Trong đó, mỗi miền năng lực được thiết lập theo 4 cấp độ: thành thạo, thông thạo, chuyên sâu và làm chủ.
PGS-TS Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện (của USSH) cho rằng tư duy phản biện được xác định là năng lực cốt lõi xuyên suốt toàn bộ khung năng lực.
Điều này giúp người học có khả năng đánh giá, phân tích và đặt câu hỏi một cách có hệ thống trước các sản phẩm và tác động của AI. Năng lực này giúp sinh viên không rơi vào tình trạng lệ thuộc vào công cụ, mà biết vận dụng AI một cách hiệu quả, có kiểm chứng và có chọn lọc.

Tiếp theo, khung năng lực nhấn mạnh việc sử dụng AI để tăng cường năng lực tư duy, sáng tạo và giá trị đạo đức của người học thay vì thay thế con người.
“AI trong giáo dục cần được triển khai theo hướng hỗ trợ, bổ sung, và thúc đẩy tiềm năng cá nhân, đảm bảo tính nhân văn và không làm lu mờ vai trò chủ thể của người học trong quá trình học tập và ra quyết định”, ông Hùng nói và nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi là đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng theo cách tôn trọng và bảo vệ quyền con người.