AI & Blockchain

TS Phan Phương Nam: ‘Ý tưởng đánh thuế tài sản số khá hay, nhưng còn rất nhiều nút thắt cần gỡ’

Lam Thanh 22/07/2025 15:57

Bộ Tài chính đề xuất các giao dịch tài sản số sẽ phải chịu thuế suất 0,1% trên trị giá chuyển nhượng của từng lần giao dịch.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong dự thảo, bộ đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế.

Điều kiện áp dụng là việc mua bán tài sản số được thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.

Theo đó, các giao dịch tài sản số sẽ phải chịu thuế suất 0,1% trên trị giá chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự cơ chế đánh thuế chứng khoán hiện nay.

Theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tài sản số có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường.

bitcoin-nft.jpg
Bộ Tài chính đề xuất các giao dịch tài sản số sẽ phải chịu thuế suất 0,1% trên trị giá chuyển nhượng của từng lần giao dịch

Nhóm nghiên cứu của BIDV cũng cho rằng chính sách thuế đối với giao dịch tài sản số nói chung và tiền mã hóa nói riêng vừa là biện pháp quản lý, vừa giúp tăng thu ngân sách. Các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore đã áp dụng các mô hình thuế đối với tiền mã hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này để vừa tận dụng tiềm năng kinh tế, vừa thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng cho rằng ý tưởng đánh thuế tài sản mã hóa khá hay và tạo sự công bằng.

“Đầu tư tiền số cũng là đầu tư, tại sao đầu tư lĩnh vực khác thì phải chịu thuế, còn lĩnh vực này thì không?”, ông Nam nói, nhưng cũng cho rằng để chính sách khả thi trong cuộc sống, còn rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ.

Theo ông Nam, thay vì cố định một phương pháp đánh thuế 0,1% trên trị giá chuyển nhượng, thì cần tính toán một phương pháp khác là đánh thuế trên lợi nhuận thu được của nhà đầu tư.

“Hiện tại, chúng ta đánh thuế 0,1% có thể ổn, tuy nhiên sau này, chúng ta nên đánh thuế trên phần lợi nhuận của họ thay vì trên giá bán. Ví dụ họ đang mua 1 bitcoin với giá 100.000 USD, nhưng khi giá giảm xuống 50.000 USD, họ cần tiền phải bán lỗ mà vẫn bị đánh thuế thì không ổn”, ông Nam nói và khuyến nghị có thể đánh thuế tài sản mã hóa tương tự với chứng khoán.

Ngoài ra, ông Nam cũng băn khoăn rằng giao dịch tiền số là không biên giới, được thực hiện với các nền tảng giao dịch ở nước ngoài. “Liệu chúng ta có thể quản lý được hay không? Nếu họ không chuyển về thì chúng ta sẽ chế tài thế nào? Đây là vấn đề khó và trước khi đánh thuế, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ và đưa ra phương án”, ông Nam nêu.

Theo TS Nam, Việt Nam đang triển khai thành lập trung tâm tài chính quốc tế, cho thí điểm sàn giao dịch tài sản số và yêu cầu những nhà đầu tư tiền số Việt Nam phải chuyển về sàn giao dịch của Việt Nam. Theo đó, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tài sản số, ví dụ khi chuyển về sàn giao dịch trong nước thì có thể được miễn thuế trong một thời gian…

“Nếu chỉ áp dụng thuế đối với các sàn giao dịch trong nước, các nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển sang các nền tảng nước ngoài để né tránh nghĩa vụ thuế”, ông Nam nhận xét.

ck-2.png
TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM)

TS Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng tài sản số có tính ẩn danh và giao dịch phi tập trung, không có trung gian để giám sát. Do đó, Việt Nam sẽ cần các cơ chế mạnh mẽ để liên kết ví tiền số với danh tính thực tế.

Các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) và sàn giao dịch nước ngoài cho phép người dùng Việt Nam thực hiện giao dịch mà không chịu sự kiểm soát trong nước. Điều này làm phức tạp hóa việc theo dõi dòng vốn, gây khó khăn cho công tác thu thuế.

Thêm nữa, theo ông Tuấn, ngay cả khi có luật, việc triển khai thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của giao dịch tiền số. Việc tính toán thuế yêu cầu theo dõi giá mua, giá bán, cũng như các sự kiện như hoán đổi token hay nhận airdrop.

Tại một tọa đàm mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho rằng có căn cứ để thực hiện pháp luật về thuế đối với chủ thể khi tham gia kinh doanh, chuyển nhượng tài sản số nếu Việt Nam xem đó là một loại tài sản. Thực chất hiện nay hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản này.

Theo thống kê được Cổng thanh toán tiền số Tripple-A công bố tháng 6.2024, Việt Nam có 20,9 triệu người sở hữu tiền mã hóa trong năm 2023, đứng thứ 4 trên thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ) về số lượng người sở hữu tiền số, nhưng đứng thứ 2 về tỷ lệ người sở hữu tiền số khi chiếm 21,2% dân số.

tai-san-so.jpeg
Việt Nam có lượng người sở hữu tiền số trong nhóm lớn nhất thế giới

Theo bảng xếp hạng chỉ số chấp nhận tiền số toàn cầu (Global Crypto Adoption Index) năm 2024 của Chainalysis, Việt Nam đứng thứ 5/151 quốc gia về mức độ chấp nhận tiền số. Năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỉ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỉ USD.

Tại Việt Nam cũng đã hình thành hệ sinh thái đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền số, như các dự án blockchain, ví số, nền tảng hỗ trợ huy động vốn từ token/NFT, sàn giao dịch tài sản ảo, game tiền số và cả các quỹ đầu tư vào tiền số. Bên cạnh đó, cũng có sự hiện diện của các sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới như Binance, OKX, BYBIT, MEXC…

    Nổi bật
        Mới nhất
        TS Phan Phương Nam: ‘Ý tưởng đánh thuế tài sản số khá hay, nhưng còn rất nhiều nút thắt cần gỡ’
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO