Nhịp đập công nghệ

TP.HCM lập trung tâm 'Battery-as-a-Service' và xưởng tái chế pin chuẩn châu Âu

Hồ Quang 21/07/2025 17:07

Ngoài xây mới và mở rộng các trạm biến áp, quy hoạch lắp đặt mái pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ cho việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, TP.HCM còn thành lập trung tâm “Battery-as-a-Service” và xưởng tái chế pin đạt chuẩn châu Âu nhằm tái sử dụng, thu hồi kim loại quý.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa chính thức trình UBND TP đề án “Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng” đối với 400.000 xe trên địa bàn.

Thành lập trung tâm “Battery-as-a-Service” và xưởng tái chế pin

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) - nhấn mạnh việc chuyển đổi 400.000 xe 2 bánh của tài xế công nghệ sang xe điện là một bước đi mang tính chiến lược, tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh như nhân lực, chuỗi cung ứng và hạ tầng đô thị.

tphcm-thanh-lap-trung-tam-battery-as-a-service-va-xuong-tai-che-pin-chuan-chau-au-hinh-anh.png
Xe ôm công nghệ hoạt động trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV

Theo lộ trình chuyển đổi, từ tháng 1.2026, TP bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1.1.2026 vẫn hoạt động bình thường, nhưng cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Từ tháng 1.2027, TP sẽ hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp theo quy định; từ tháng 1.2028 siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định; từ tháng 12.2029 cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Để đảm bảo cho 400.000 xe ôm công nghệ, giao hàng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, cùng với tốc độ tăng trưởng xe điện cá nhân, TP.HCM đưa ra quy hoạch không gian trạm sạc và đổi pin. Cụ thể, TP xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước 12.2028; đảm bảo mỗi điểm sạc, đổi pin cách nhau không quá 800m trong khu vực nội thành và không quá 2km dọc các trục logistics liên tỉnh.

Những điểm sạc, đổi pin này sẽ được mở rộng danh mục địa điểm công như: bãi xe, cây xăng, chợ, UBND phường, công viên, trung tâm thương mại, bãi xe, nhà chờ xe buýt, chợ dân sinh, cây xăng chuyển đổi… Từ đó, cho phép sử dụng các vị trí công cộng để đặt trạm sạc hoặc trạm đổi pin. Đồng thời, ưu tiên xây trạm sạc tại quán cà phê, siêu thị tiện lợi và bãi đậu xe để tối ưu hóa thời gian chờ của tài xế.

Theo đó, TP bố trí các trạm sạc nhanh từ 60kW trở lên tại các bãi dừng nghỉ lớn; trạm đổi pin tốc độ cao (từ 90 giây trở xuống) tại các điểm giao hàng trọng điểm; trạm sạc chậm 3.3kW lắp tại nhà xe chung cư cho tài xế nghỉ ban đêm.

“Mô hình phân lớp này giúp tối ưu chi phí, và đáp ứng 98% nhu cầu nạp năng lượng cho tài xế công nghệ đến năm 2028”, ông Hải nói.

Ông Lê Thanh Hải cũng cho biết từ ngày 1.7.2025, dự án nhà ở có nhiều hơn 500 căn hoặc trung tâm thương mại có diện tích sàn lớn hơn 5.000m² phải bố trí tối thiểu 1 trạm sạc nhanh 40kW và 1 tủ đổi pin 24 ngăn; các dự án nhà ở, căn hộ mới phải thiết kế đồng thời chỗ sạc ô tô điện và xe máy điện (tối thiểu 1 lượng điểm/20 chỗ đậu xe).

Các dự án nhà ở, trung tâm thương mại xây dựng mới phải bố trí tối thiểu 35% không gian đỗ xe tích hợp hạ tầng sạc điện. Chủ đầu tư được giảm 50% tiền sử dụng đất liên quan, nếu hoàn thiện và bàn giao hạ tầng sạc đúng tiến độ.

Các dự án logistics, trung tâm phân phối bắt buộc bố trí hạ tầng sạc chuyên dụng cho xe giao hàng (công suất chuẩn từ 20kW trở lên /xe).

Ngoài ra, TP.HCM cũng đưa phương án đào tạo các kỹ thuật viên EV (xe điện) cũng như tái chế pin nhằm hỗ trợ cho hơn 400.000 xe máy điện trên. Trong đó, TP sẽ thành lập trung tâm “Battery-as-a-Service” và xưởng tái chế pin đạt chuẩn châu Âu giúp tái sử dụng, thu hồi kim loại quý, giảm thiểu rủi ro môi trường và phát triển chuỗi giá trị công nghiệp xanh; đạo kỹ thuật viên EV với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu hậu mãi, tránh điểm nghẽn về nguồn nhân lực.

“Điều này sẽ giúp tạo thêm khoảng 5.000 việc làm xanh mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng nguồn lao động”, ông Hải cho biết.

Tích hợp lưu trữ second-life pin xe buýt và năng lượng mặt trời trên mái trạm sạc

Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm chính là nguồn năng lượng để phục vụ cho một số lượng lớn xe điện trên.

Ông Lê Thanh Hải cho biết TP sẽ xây mới và mở rộng 8 trạm biến áp 110/22kV với tổng công suất 300MVA, tập trung tại các phường trung tâm; nâng cấp lưới điện 300MVA, giảm thủ tục đấu nối, miễn phí đấu nối hạ tầng sạc từ 250 kVA trở lên; áp dụng biểu giá điện ba bậc theo giờ, khuyến khích sạc ban đêm để giảm phụ tải đỉnh; tích hợp lưu trữ second-life pin xe buýt và năng lượng mặt trời trên mái trạm sạc; số hóa lưới điện, dự báo phụ tải theo thời gian thực kết hợp AI giúp tối ưu vận hành.

Song song đó, TP cũng quy hoạch 800 mái pin mặt trời (40 MWp), và tích hợp BESS 100 MWh để tối ưu vận hành và giảm phát thải; áp dụng cơ chế net-metering linh hoạt và dịch vụ phụ trợ lưới giúp tối ưu sử dụng năng lượng.

“Chúng tôi ưu tiên phát triển và sử dụng các trạm sạc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động môi trường”, ông Hải cho biết thêm.

Đồng thời, TP bổ sung “lưới vi mô” (micro-grid) tại 10 khu công nghiệp, kết hợp 20 MWp điện mặt trời mái và 30 MWh pin lưu trữ tái sử dụng từ xe buýt điện, cung cấp 15% điện sạc tại chỗ mà không rút thêm công suất từ lưới quốc gia.

Theo ông Hải, để quá trình chuyển đổi sang xe điện cho tài xế công nghệ tại TP.HCM diễn ra hiệu quả và bền vững, vai trò lãnh đạo của chính quyền TP đóng vai trò then chốt. TP không thể chỉ trông chờ vào cơ chế thị trường tự điều tiết, mà cần chủ động kiến tạo, hoạch định và điều phối chiến lược chuyển đổi ngay từ giai đoạn đầu.

“Kinh nghiệm từ các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy nếu nhà nước không can thiệp mạnh mẽ từ sớm, quá trình điện hóa phương tiện giao thông sẽ diễn ra chậm, rời rạc, và kém hiệu quả. Ngược lại, khi chính quyền hành động một cách quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn, quá trình chuyển đổi có thể diễn ra nhanh chóng và mang lại lợi ích cho cả xã hội”, ông Hải nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        TP.HCM lập trung tâm 'Battery-as-a-Service' và xưởng tái chế pin chuẩn châu Âu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO