Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng dành cho công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều tăng trưởng rất mạnh, gần gấp đôi so với tốc độ chung.
Tài chính và đầu tư

Tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ cao tăng gần gấp đôi so với tốc độ chung

Lam Thanh 04/07/2025 15:03

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng dành cho công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều tăng trưởng rất mạnh, gần gấp đôi so với tốc độ chung.

Tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ cao tăng mạnh

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.7, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho hay NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng.

Các ngân hàng thương mại cũng tích cực giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay. Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình kinh tế. Kết quả đến ngày 26.6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỉ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6.2024), tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

hop-bao-4-1751540634273502376640.jpg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong ngành. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ trọng lớn là khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai ngành có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%.

Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung (lần lượt là 15,69% và 17,59%).

Ông Hà cho hay các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng như lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 - 100.000 tỉ đồng; chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội hoặc chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số…

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng...

Tiến tới xóa bỏ “room” tín dụng

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

“Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.2025”, Thủ tướng nêu.

Thực tế, cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (hạn mức tín dụng hay "zoom" tín dụng) đã được NHNN duy trì suốt chục năm qua. Đây là công cụ để cơ quan này kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.

img6947-1751528978655185020764.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Cơ chế này được áp dụng lần đầu vào năm 1994 với 4 ngân hàng quốc doanh, sau đó áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó 4 năm, công cụ này không còn được sử dụng thường xuyên mà chỉ được sử dụng khi cần thiết. Đến năm 2011, công cụ này mới được sử dụng trở lại, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng, hơn 30%/năm, dòng tiền chủ yếu chảy vào bất động sản và chứng khoán. Năm 2011, lạm phát lên tới 18,85%, mức cao nhất kể từ năm 1995.

Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia, cơ chế room tín dụng cũng bộc lộ nhiều bất cập như mang nặng tính hành chính, “xin-cho”, tạo ra rào cản đối với sự phát triển của các ngân hàng thương mại. Theo đó, việc tiến tới bỏ room tín dụng cũng đã được NHNN tính toán đến.

Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại hồi đầu năm, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ đổi mới phương pháp điều hành và tiến tới giảm dần, xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

NHNN sẽ chỉ kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động, nhưng yêu cầu họ phải cho vay đúng đối tượng và bảo đảm an toàn hệ thống. Năm ngoái, NHNN đã bỏ "room" tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đang rà soát để dần bỏ hạn mức tín dụng với các tổ chức tín dụng khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ cao tăng gần gấp đôi so với tốc độ chung
2 giờ trước Tài chính và đầu tư
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trong các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng dành cho công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều tăng trưởng rất mạnh, gần gấp đôi so với tốc độ chung.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng cho doanh nghiệp công nghệ cao tăng gần gấp đôi so với tốc độ chung