Công nghệ quân sự

Tiêm kích thế hệ 6 của châu Âu có gì nổi trội?

Hoàng Vũ 27/07/2025 13:42

Khi các cường quốc quân sự bước vào cuộc đua phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 6, châu Âu không đứng ngoài cuộc.

Chương trình Hệ thống chiến đấu trên không trong tương lai (Future Combat Air System - FCAS) là nỗ lực hợp tác của Pháp, Đức và Tây Ban Nha nhằm phát triển một nền tảng tác chiến mới, thay thế dần các máy bay tấn công thế hệ 5 như Rafale, Eurofighter Typhoon và EF-18 Hornet hiện nay.

Theo tạp chí National Interest, dự kiến, mẫu máy bay thế hệ mới sẽ bắt đầu được biên chế từ năm 2040, mang theo kỳ vọng về một hệ sinh thái chiến đấu hiện đại và khả năng tác chiến độc lập của châu Âu.

Đoạn clip giới thiệu ngắn về dự án FCAS - Video: Airbus Defence and Space

Khởi đầu của một chương trình tham vọng

FCAS được chính thức công bố năm 2017 dưới sự khởi xướng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, song ý tưởng hợp tác châu Âu trong lĩnh vực máy bay chiến đấu đã xuất hiện từ đầu những năm 2000. Đến năm 2019, Pháp, Đức và Tây Ban Nha trở thành các đối tác chính thức.

Mục tiêu của FCAS không chỉ dừng lại ở việc chế tạo một tiêm kích mới, mà còn là phát triển một hệ sinh thái chiến đấu hợp nhất, gồm máy bay có người lái, máy bay không người lái (UAV), hệ thống điều khiển chiến thuật và vũ khí thông minh, tất cả được kết nối thông qua mạng lưới tác chiến điện tử “Combat Cloud”.

Combat Cloud là một mạng lưới tác chiến điện tử tích hợp, kết nối các nền tảng quân sự (máy bay, UAV, vệ tinh, hệ thống mặt đất) để chia sẻ dữ liệu thời gian thực. Nó sử dụng AI và công nghệ mạng để tăng cường khả năng chỉ huy, điều khiển, và phối hợp tác chiến.

Combat Cloud hỗ trợ máy bay thế hệ 6, cho phép xử lý thông tin nhanh, ra quyết định tức thời, và tích hợp vũ khí tiên tiến. Mục tiêu là đảm bảo ưu thế chiến thuật và giảm thiểu tác động từ các hệ thống điện tử đối phương.

Dự án FCAS có sự tham gia của các tập đoàn quốc phòng lớn, trong đó Dassault Aviation (Pháp) phụ trách thiết kế máy bay chiến đấu có người lái, Airbus đảm nhiệm phát triển UAV, hệ thống kết nối và nền tảng tác chiến phối hợp. Tập đoàn đa quốc gia châu Âu chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất tên lửa và các hệ thống liên quan MBDA chịu trách nhiệm phát triển hệ thống vũ khí tương thích, bao gồm cả các dòng tên lửa thế hệ mới.

Những tính năng nổi bật của máy bay FCAS

Máy bay chiến đấu thuộc FCAS được xếp vào thế hệ 6, với nhiều công nghệ vượt trội so với F-35 (Mỹ) hay Rafale.

Tàng hình đa hướng: Thiết kế tối ưu để giảm tín hiệu radar, cả trong phạm vi sóng ngắn và sóng dài.

Trí tuệ nhân tạo (AI): Hỗ trợ phi công ra quyết định chiến thuật, đồng thời điều khiển UAV hoạt động đồng hành.

Động cơ chu kỳ thích ứng: Ba luồng khí giúp tối ưu hiệu suất nhiên liệu, tăng tốc nhanh và hoạt động linh hoạt.

Vũ khí năng lượng định hướng: Dự kiến tích hợp laser và vi sóng để đánh chặn tên lửa hoặc UAV ở cự ly gần.

Tác chiến mạng hợp nhất: Nhờ hệ thống “Combat Cloud”, FCAS có thể kết nối dữ liệu từ UAV, vệ tinh, radar mặt đất và tàu chiến theo thời gian thực.

Tổng thể, FCAS không chỉ là một tiêm kích tàng hình, mà là trung tâm chỉ huy trên không, điều phối và triển khai vũ khí trong các môi trường tác chiến hiện đại.

Vai trò chiến lược của FCAS với châu Âu

FCAS không phải là chương trình duy nhất phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6 trên thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia đang triển khai các dự án tương tự nhằm cạnh tranh về công nghệ không chiến tương lai. Trong đó, nổi bật có NGAD của Mỹ, một hệ thống chiến đấu tích hợp gồm máy bay có người lái thế hệ 6, UAV hỗ trợ và vũ khí siêu thanh.

Máy bay thế hệ sáu châu Âu
Hình minh họa cho tiêm kích thế hệ thứ 6 trong chương trình FCAS - Ảnh: Airbus

Dự án GCAP do Anh, Nhật và Ý hợp tác phát triển nhằm thay thế Eurofighter Typhoon và Mitsubishi F-2, tập trung vào khả năng siêu tàng hình, tích hợp cảm biến và chiến đấu theo mô hình mạng trung tâm. Trong khi đó, Trung Quốc dù chưa công bố đầy đủ thông tin nhưng đã hé lộ nguyên mẫu có thiết kế mang đặc trưng máy bay thế hệ 6 tại triển lãm hàng không Chu Hải 2024.

Trong bối cảnh đó, FCAS mang sứ mệnh cung cấp một giải pháp “kiểu châu Âu”, tránh phụ thuộc vào F-35 của Mỹ hay công nghệ quân sự ngoài khối NATO.

Ngoài khía cạnh quân sự, FCAS còn là biểu tượng cho năng lực công nghiệp quốc phòng châu Âu. Việc duy trì và phát triển công nghệ độc lập giúp các nước trong khối không bị phụ thuộc vào xuất khẩu công nghệ quốc phòng từ bên ngoài, đồng thời đảm bảo khả năng phản ứng linh hoạt trước các tình huống an ninh khu vực.

Dự án cũng mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ, tạo việc làm trong ngành hàng không - quốc phòng và tăng cường hợp tác nội khối giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Tiến độ và những thách thức

Theo kế hoạch, nguyên mẫu FCAS đầu tiên sẽ thực hiện chuyến bay thử vào năm 2029, trước khi được sản xuất hàng loạt vào năm 2030 và biên chế chính thức từ năm 2040.

Tuy nhiên, quá trình phân chia công việc không diễn ra suôn sẻ. Dassault đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quyền điều phối kỹ thuật, trong khi Airbus cũng muốn có vai trò ngang bằng. Những bất đồng này từng khiến dự án đình trệ gần hai năm, dù đã ký hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD vào tháng 12.2022 để tiếp tục giai đoạn phát triển.

Về mặt chính trị, quy định xuất khẩu vũ khí của Đức đòi hỏi phải có sự phê chuẩn từ quốc hội, khiến việc thống nhất cấu hình chung giữa các nước tham gia trở nên phức tạp.

Bên cạnh đó, chi phí khổng lồ với tổng ngân sách dự kiến vượt 100 tỉ USD tiếp tục đặt ra bài toán khó về tài chính và sự đồng thuận ở cấp quốc gia. Các đối tác trong dự án FCAS hiện vẫn chưa đạt được tiếng nói chung trong một số hạng mục kỹ thuật, khiến mốc năm 2040 khó đảm bảo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiêm kích thế hệ 6 của châu Âu có gì nổi trội?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO