Thông tin Y học

Thuốc chữa bệnh giả: Những điều cần biết

Hồ Quang (thực hiện) 10/07/2025 09:15

Thuốc giả là những sản phẩm được làm ra giả mạo thuốc thật về hình thức, bao bì, nhãn mác hoặc thậm chí thành phần dược chất. Những loại "thuốc" này không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả và chất lượng điều trị.

Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM trong khoảng từ đầu năm 2024 đến giữa năm 2025 đã ghi nhận 178 vụ vi phạm liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng giả, thu giữ hơn 262.000 sản phẩm trị giá khoảng 15,4 tỉ đồng (gần 600.000 USD), xử phạt hành chính hơn 2,2 tỉ đồng và chuyển 4 vụ sang điều tra hình sự.

co-cach-nao-de-phan-biet-duoc-thuoc-thay-va-thuoc-gia-hinh-anh 5
TS Nguyễn Thanh Hà - Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (đứng) kiểm tra hồ sơ kiểm nghiệm thuốc tại đơn vị - Ảnh: PV

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" tại Công ty TNHH một thành viên Mỹ phẩm Thanh Thúy và Công ty TNHH Mỹ phẩm Mỹ Trinh (đều tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cũ).

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về điều này, TS Nguyễn Thanh Hà - Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết hiện nay các đối tượng sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để làm giả bao bì, nhãn mác, tem chống giả, khiến người tiêu dùng và cả nhân viên y tế khó phân biệt. Điều này dẫn đến việc thuốc giả được tiêu thụ rộng rãi, gây nguy cơ lớn cho người bệnh.

- Với tư cách là một nhà chuyên môn, người công tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm thuốc, bà đánh giá thế nào về thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả hiện nay?

- TS Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay với sự tham gia quyết liệt của Chính phủ, hệ thống cơ quan quản lý, công an, đơn vị chuyên môn, cả loạt sản phẩm hàng hóa giả đang lưu thông, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng, đã được phát hiện. Có những đối tượng sản xuất sản phẩm thuộc chức năng quản lý của ngành y tế, lưu hành chính thức hoặc không chính thức một thời gian dài mới bị phát hiện. Điều này đặt ra công tác quản lý cần có cơ chế duy trì, cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị cũng như rà soát bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

co-cach-nao-de-phan-biet-duoc-thuoc-thay-va-thuoc-gia-hinh-anh 4
Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc giả

- Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tràn lan, ngay cả những thuốc có “thương hiệu” cũng bị giả. Giờ đây những người mua và sử dụng thuốc khá hoang mang, không biết phải mua thuốc như thế nào để đúng thuốc thật, nhằm tránh “tiền mất tật mang”, thưa bà?

- TS Nguyễn Thanh Hà: Hệ thống quản lý chất lượng thuốc của Việt Nam vẫn đang hoạt động có hiệu quả và chặt chẽ theo Luật Dược, theo những hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới để đảm bảo chất lượng thuốc sản xuất và lưu hành trong nước.

Hệ thống cơ quan quản lý liên tục cập nhật thông tin về những trường hợp thuốc giả trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, các sở y tế và những phương tiện thông tin đại chúng. Khi nghi ngờ, người dân có thể liên hệ đến đường dây nóng của các cơ quan quản lý để có thông tin, hoặc gửi mẫu đến cơ quan kiểm nghiệm nhà nước ở địa phương và trung ương để yêu cầu phân tích kiểm tra chất lượng.

- Thuốc kém chất lượng, không đạt tiêu chí theo quy định cũng đang là vấn đề khiến người dân lo lắng. Hiện nay, thuốc kém chất lượng thường xảy ra ở những khâu nào, không đạt ở những tiêu chí nào, thưa bà?

- TS Nguyễn Thanh Hà: Quá trình để thuốc được lưu hành trên thị trường đảm bảo chất lượng trải qua rất nhiều giai đoạn, có yêu cầu kiểm soát chất lượng và dữ liệu chứng minh. Trách nhiệm của nhà sản xuất, của cơ quản lý được quy định cụ thể trong Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, cập nhật bổ sung và ban hành có hiệu lực trong tháng 7.2025 này sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian vừa qua.

Lực lượng chức năng phát hiện v
Tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả đang diễn biến phức tạp

- Hiện có tình trạng thuốc gia truyền, thuốc y học cổ truyền trộn thêm tân dược để người bệnh thấy có tác dụng nhanh chóng và đắt hàng... Đây có phải là thuốc giả không, và nó có tác hại như thế nào?

- TS Nguyễn Thanh Hà: Tại Luật Dược 105/2016/QH13; khoản 33 điều 2 đã nêu rõ thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp: không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Như vậy, thuốc gia truyền, thuốc y học cổ truyền trộn thêm tân dược là trái phép; các thành phần này không được công bố trên nhãn, có thể xem là thuốc giả theo điểm b (lưu ý thuốc là hàng hóa đặc biệt, phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và chỉ được lưu hành khi có giấy phép lưu hành do Bộ Y tế cấp)

Về tác hại khi sử dụng thuốc y học cổ truyền trộn thêm tân dược người bệnh cảm thấy thuốc có tác dụng nhanh chóng, thực chất là do tác dụng của thành phần tân dược nhưng sẽ gây ra rất nhiều tác hại. Một trong những tác hại nguy hiểm là việc có tác dụng nhanh chóng ban đầu của tân dược, có thể che lấp triệu chứng thật của bệnh, khiến người bệnh lầm tưởng thuốc gia truyền "hiệu nghiệm", và trì hoãn việc khám chữa bệnh đúng cách, bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh nền nghiêm trọng.

Chẳng hạn một số thuốc y học cổ truyền được quảng cáo chữa xương khớp có trộn corticoid. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh thấy giảm đau nhanh nhưng không biết nguyên nhân gây đau đang tiến triển, dẫn đến bệnh nặng hơn, và phải chịu hậu quả lâu dài do phản ứng có hại của corticoid. Ngoài ra, nó có thể gây ra tình trạng quá liều, thiếu liều, tác dụng không mong muốn, ngộ độc…

- Bà có lời khuyên gì đối với người dân khi mua thuốc, để tránh sử dụng phải thuốc giả?

- TS Nguyễn Thanh Hà: Mọi người cần cập nhật những thông tin được Bộ Y tế, các sở y tế đăng rộng rãi, nhất là về những loại thuốc giả đã được phát hiện, cũng như thông tin cảnh báo từ các quốc gia trong khu vực để nhận biết và tránh mua, sử dụng phải thuốc giả.

- Cảm ơn bà!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thuốc chữa bệnh giả: Những điều cần biết
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO