Thị trường carbon - Nguồn lực tăng trưởng xanh, định hình chiến lược khí hậu
Việt Nam đang từng bước phát triển thị trường carbon để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.
Nguồn lực tăng trưởng xanh, định hình chiến lược khí hậu
Theo Quyết định số 232 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Sự phát triển của thị trường carbon giúp Việt Nam kiểm soát lượng phát thải và mở ra cơ hội tài chính mới thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp thích nghi với xu hướng phát triển bền vững của thế giới.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Mạnh Hải đánh giá thị trường tín chỉ carbon là công cụ quan trọng giúp thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã được thông qua tại các chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Thông qua việc phát hành và giao dịch tín chỉ carbon, các tổ chức, doanh nghiệp có thể giảm chi phí tuân thủ các quy định về phát thải, đồng thời tạo động lực cho việc đầu tư vào công nghệ sạch và các dự án giảm phát thải. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon còn giúp Việt Nam hội nhập với thị trường carbon toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và thu hút đầu tư từ các nước trên thế giới.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh và thị trường tín chỉ carbon phản ánh lý thuyết về kinh tế môi trường, trong đó cho rằng việc tích hợp các yếu tố môi trường vào quá trình sản xuất và tiêu dùng sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Thị trường tín chỉ carbon còn là công cụ giúp định giá các tác động môi trường, tạo động lực cho các hành động giảm phát thải và khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch. Mối quan hệ này cũng liên quan đến lý thuyết về phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tạo ra cơ hội kinh tế mới cho cộng đồng và doanh nghiệp.
TS Nguyễn Mạnh Hải cho rằng Việt Nam có một số thuận lợi và khó khăn nhất định khi phát triển thị trường tín chỉ carbon. Về thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon do có diện tích rừng lớn, đặc biệt là rừng trồng, có khả năng hấp thụ và lưu trữ lượng lớn carbon. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon từ rừng sẽ giúp giảm phát thải, tạo nguồn thu cho các chủ rừng và cộng đồng.
Việt Nam đã tham gia các cơ chế quốc tế như Cơ chế phát triển sạch (CDM) và đã chuyển nhượng thành công tín chỉ carbon cho Ngân hàng Thế giới, tạo nền tảng cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước....
Về khó khăn, ông Hải cho rằng khung pháp lý chưa hoàn thiện: Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định liên quan đã tạo nền tảng pháp lý, nhưng việc ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê, thẩm định và báo cáo vẫn còn thiếu, gây khó khăn trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu chuyên gia và nhân lực chất lượng cao. Các tổ chức, doanh nghiệp, và một số cơ quan quản lý còn thiếu kiến thức chuyên sâu về thị trường carbon, dẫn đến khó triển khai các dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thiếu động lực và thông tin tham gia thị trường cũng là yếu tố then chốt. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ lợi ích kinh tế từ việc giảm phát thải và tham gia thị trường carbon. Chi phí ban đầu để đầu tư vào công nghệ giảm phát thải cao, trong khi lợi nhuận từ tín chỉ carbon chưa rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ không có thông tin đầy đủ về quy trình phát triển dự án carbon, bán tín chỉ hay tham gia các cơ chế cụ thể của thị trường carbon.
Định hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam
Theo số liệu của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến tháng 10.2024, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký, nhưng chỉ 150 chương trình được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và phải mất trung bình bốn năm, hai dự án mới bán được tín chỉ carbon rừng của Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới (WB) và hai tổ chức quốc tế LEAF và Emergent mới có thể hoàn thành, mặc dù thị trường trao đổi tín chỉ carbon theo cơ chế tự nguyện ở Việt Nam đã phát triển manh nha từ rất sớm.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc phát triển thị trường carbon là công cụ hiệu quả để huy động nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải chi phí thấp nhất.
Theo đó, TS Nguyễn Mạnh Hải cho rằng định hướng chính phát triển thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam chính là việc khắc phục những khó khăn, trở ngại còn tồn tại hiện nay.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, bao gồm: Xây dựng các quy định pháp luật về thị trường carbon (quy chế đấu giá, giao dịch, chứng nhận tín chỉ carbon,...) đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả; ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến đo lường, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV); thiết lập quy định kiểm tra, giám sát và chế tài.
Phát triển hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và thị trường carbon như: Thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính nội địa; xác định các ngành/lĩnh vực thí điểm; xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Thứ hai là kết nối với thị trường quốc tế: Tham gia vào cơ chế tín chỉ quốc tế; thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương mua - bán tín chỉ carbon xuyên biên giới.
Thứ ba là tăng cường năng lực và nhận thức thông qua các khóa đào tạo về kiểm kê phát thải, quản lý tín chỉ carbon và giao dịch trên thị trường.
Cuối cùng, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để doanh nghiệp tham gia; khuyến khích đầu tư công nghệ sạch bằng ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp; áp dụng cơ chế tín dụng carbon tự nguyện (VCM) cho các doanh nghiệp tiên phong...
Thị trường carbon là một cơ chế kinh tế được thiết kế nhằm kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính (GHG), thông qua việc định lượng và định giá phát thải dưới dạng tín chỉ có thể giao dịch. Cơ chế này ra đời từ sự can thiệp của nhà nước nhằm khắc phục "thất bại thị trường" trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, khi các doanh nghiệp không tự nguyện đầu tư giảm phát thải do chi phí cao và thiếu động lực kinh tế.
Trong thị trường carbon, các chủ thể phát thải được cấp hoặc mua hạn ngạch phát thải, và có thể giao dịch quyền phát thải dư thừa hoặc cần thiết thông qua sàn giao dịch chuyên biệt. Nhờ đó, những chủ thể giảm phát thải hiệu quả có thể bán lại phần dư thừa cho những đơn vị phát thải vượt quá giới hạn, tạo ra động lực tài chính cho việc giảm phát thải.