Tăng sức cạnh tranh, nâng giá trị cua Cà Mau
Cua biển vốn là thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, với địa thế thuận lợi của mình, địa phương đang phấn đấu phát triển nuôi cua trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cua Cà Mau.
Cà Mau là tỉnh ven biển, lại là vùng đất phù sa nên rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được xem là thế mạnh của tỉnh, trong đó, có cua biển, tôm sú… Hằng năm, địa phương cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm hàng hoá thuỷ sản. Hiện nay, Cà Mau có nhiều mô hình nuôi thuỷ sản kết hợp rất hiệu quả, trong đó phải kể đến nuôi tôm – cua vốn được xem là mô hình kinh tế hiệu quả cả bà con nông dân.

Chỉ với 5 công đất (0,5ha) nuôi trồng thuỷ sản, ông Trần Văn Hoàng, ngụ phường Lý Văn Lâm áp dụng mô hình nuôi tôm – cua kết hợp. Để đảm bảo vụ nuôi được thu hoạch liên tục, hằng tháng, ông Hoàng đều thả giống. Bằng cách nuôi này, mỗi tháng cho ông Hoàng khoản thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng. “Nuôi tôm – cua kết hợp rất hiệu quả, cách nuôi này giúp cho thuỷ sản nuôi trong ao cân bằng hệ sinh thái, ổn định môi trường. Môi trường vuông nuôi sinh sản nhiều cá rô phi, loài cá này ăn rong rêu rồi thải ra làm thức ăn cho tôm, bản thân cá rô phi thì làm mồi cho cua. Với việc nuôi tôm – cua quảng canh, hằng ngày cho tôi khoản thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng. Ngoài việc bán tôm, cua, tôi còn bán cá rô phi tăng thu nhập cho gia đình”, ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, với những hộ nhiều đất canh tác thì khoản thu nhập cao hơn. “Cua là thương hiệu nổi tiếng của Cà Mau, không có nơi nào có được. Thịt cua Cà Mau săn chắc, ngọt nên rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, cua gạch được thương lái thu mua với giá 400.000 đồng/kg, thời điểm hút hàng tăng lên 800.000 – 900.000 đồng. Nuôi quảng canh, chi phí đầu tư rất ít, hằng tháng tôi bỏ ra vài tram nghìn thả giống mà thu vào cả chục triệu đồng, thu nhập vậy ai mà không khoái”, ông Hoàng nói.

Anh Tô Trí Dũng, ngụ xã Phan Ngọc Hiển chia sẻ: “Tôi ở vùng ven biển nên cua ở đây được xem là ngon bậc nhất của tỉnh Cà Mau. Vùng đất Năm Căn, Ngọc Hiển là nơi có lượng phù sa màu mỡ nên rất thuận lợi cho việc nuôi thuỷ sản. Gia đình tôi có hơn 2ha nuôi cua tôm dưới tán rừng, mỗi đợt vào nước xổ (mỗi tháng có 2 con nước) là tôi thu hoạch nhiều tôm cua, được thương lái đến tận nhà thu mua. Thời công nghệ số phát triển, thương lái, nông dân đều có điện thoại thông minh, nên việc mua bán diễn ra rất nhanh gọn”.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế địa phương, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau phấn đấu đạt tổng sản lượng cua thương phẩm đạt khoảng 41.834 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp đạt khoảng 418.340ha, năng suất bình quân đạt 0,1 tấn/ha/năm.
Tận dụng lợi thế vùng rừng ven biển giàu phù sa, Cà Mau đặt mục tiêu phát triển khoảng 200ha diện tích nuôi cua bán thâm canh, với năng suất bình quân đạt 0,5 tấn/ha/vụ, cho sản lượng khoảng 100 tấn. Bên cạnh đó, để từng bước hiện đại hoá nghề nuôi cua, địa phương triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cua trong hộp với quy mô khoảng 3.000 hộp, kỳ vọng mang lại sản lượng khoảng 7 tấn/năm.

“Thành lập ít nhất 12 hợp tác xã (HTX) mới với mỗi HTX có tổng diện tích nuôi cua trên 100ha. Đồng thời, xây dựng 12 chuỗi liên kết và hợp tác với 2 hệ thống siêu thị, đưa ngành hàng cua Cà Mau gia tăng giá trị, cạnh tranh thị trường”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay.
Theo ông Sử, để mở rộng và phát triển ngành hàng cua theo hướng bền vững, Cà Mau triển khai xây dựng các mô hình nuôi cua đạt chuẩn trên tổng diện tích 62ha. Cụ thể gồm: mô hình nuôi cua kết hợp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (10ha); mô hình xây dựng vùng nguyên liệu cua an toàn thực phẩm có liên kết tiêu thụ (40ha); và mô hình “lớp học hiện trường” ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi cua kết hợp với tôm sú quảng canh cải tiến (12 ha).
“Phát triển nuôi cua trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cua Cà Mau. Đồng thời, phát triển nuôi cua thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần tăng trưởng GRDP đạt 8,5% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng “hai con số” của tỉnh giai đoạn 2026-2030”, ông Sử nêu rõ mục tiêu của tỉnh Cà Mau.