Văn hóa - Đời sống

Startup công nghệ âm nhạc GenAI: Miếng bánh béo bở nhưng khó nuốt

Nhật Hạ 20/07/2025 23:42

Ngành công nghệ âm nhạc (music-tech) đang trong thời kỳ bùng nổ, khi làn sóng AI tạo sinh (GenAI) phủ khắp mọi lĩnh vực sáng tạo. Tuy nhiên, “cuộc chơi startup nhạc số” không hề dễ dàng dù nhìn bên ngoài rất hào nhoáng.

Định giá hấp dẫn nhưng đầy cạm bẫy

Theo Musically, báo cáo mới từ Outpost Partners - công ty đầu tư và chiến lược chuyên phân tích các startup công nghệ âm nhạc - cho thấy các startup trong giai đoạn đầu được định giá trung bình 7 - 8 triệu USD. Mỗi vòng gọi vốn thu về khoảng 2 triệu USD, nhưng trung bình thực tế chỉ thu được tầm 1 triệu USD.

Có startup gọi vốn cao nhất lên đến 5 - 7 triệu USD, kéo mức trung bình lên cao hơn con số thực tế. Tuy nhiên, phần lớn startup âm nhạc vẫn gặp khó khăn để vượt qua giai đoạn đầu (seed stage). Nhiều startup chỉ đủ sống, khó đạt được đà tăng trưởng cần thiết để vươn lên các vòng series A, B.

Trong hai năm qua, Outpost Partners đã theo dõi hơn 600 startup công nghệ âm nhạc, bao gồm phân tích bản thuyết trình gọi vốn và demo sản phẩm của hơn 130 startup trong số này, đồng thời đầu tư vào 15 startup thông qua Fairway Partners Capital.

Ảnh màn hình 2025-07-20 lúc 20.48.16
GenAI tạo nhạc của Adobe - Ảnh minh họa

Địa bàn “nóng” nhất: châu Âu và Bắc Mỹ

Châu Âu chiếm 55% tổng thương vụ toàn cầu; Bắc Mỹ chiếm 42,5%, chủ yếu tập trung ở Mỹ và Canada. Tại châu Âu, Boomy - startup GenAI âm nhạc cho phép người dùng tạo nhạc chỉ trong vài giây - đã gọi vốn thành công 7 triệu USD vào năm 2023 và mở rộng sang thị trường Bắc Mỹ trong năm nay. Endel - startup AI âm thanh từ Đức chuyên tạo nhạc nền cá nhân hóa giúp người nghe tập trung và ngủ ngon - đã gọi được 20 triệu USD năm 2022 và đạt hơn 1 triệu người dùng trả phí năm 2024.

GenAI - chìa khóa vàng cho các starup

Outpost Partners nhấn mạnh tạo nhạc bằng GenAI đang là xu hướng "hot" nhất trong ngành công nghệ âm nhạc năm 2025. Số startup tập trung vào “sáng tạo âm nhạc” tăng mạnh, từ 12,1% năm ngoái lên 23,8% trong năm nay.

Nguyên nhân được lý giải: AI tạo sinh đã thay đổi cách tạo nhạc, giúp cả người không có kỹ năng nhạc lý vẫn có thể làm "nhà sản xuất nghiệp dư".

Universal Music Group và YouTube gần đây cũng đã công bố thỏa thuận tạo nhạc bằng AI, mở đường cho mô hình music-tech kết hợp với các ông lớn trong ngành công nghệ.

Nếu như âm nhạc do AI sáng tạo đang bùng nổ thì ngược lại, startup mảng tương tác người hâm mộ (fan engagement) giảm mạnh, từ 29,3% xuống còn 16,7%. Nguyên nhân chính được cho là startup ứng dụng crypto và NFT music (*) gần như biến mất sau khủng hoảng crypto toàn cầu 2022 - 2023.

Audius, một trong những nền tảng blockchain music lớn nhất, dù từng đạt giá trị vốn hóa hơn 1 tỉ USD năm 2021, nhưng token AUDIO đã giảm hơn 90% giá trị, kéo theo sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư.

"Cái bẫy series A" - nỗi ám ảnh của các startup

Báo cáo của Outpost Partners chỉ ra nhiều startup bị kẹt ở vòng gọi vốn series A, vì mức độ tăng trưởng không đủ hấp dẫn với quỹ lớn; founder nhầm lẫn giữa “thị trường ngách” và “thị trường tiềm năng lớn”.

Ví dụ: Nhiều app tạo nhạc bằng AI chỉ thu hút các user vài tuần đầu, nhưng sau đó tỷ lệ này giảm đến 70 - 80%, khiến nhà đầu tư lo ngại về tính bền vững.

Outpost Partners cảnh báo dù ngành công nghệ âm nhạc nghe có vẻ rất “ngon ăn”, nhưng việc mở rộng sang lĩnh vực khác như trò chơi điện tử, điện ảnh hay livestream không hề dễ. Âm nhạc là ngành sáng tạo đặc thù, người dùng trung thành thấp, khó mở rộng sang các mảng khác nếu không có hệ sinh thái đủ mạnh.

Ngay cả các tập đoàn lớn như Spotify cũng đang gặp thách thức trong việc triển khai GenAI để tạo lợi nhuận.

Startup công nghệ âm nhạc - cuộc chơi đam mê hay canh bạc?

Theo Musically, ngành công nghệ âm nhạc vẫn là mảnh đất màu mỡ để starup, đặc biệt ở mảng GenAI âm nhạc. Tuy nhiên, “miếng bánh béo bở” này không dễ nuốt, nếu founder không đủ tầm nhìn chiến lược, vốn và sự hiểu biết thị trường.

Mặc dù vậy, Outpost Partners dự báo GenAI music-tech sẽ tiếp tục hot đến năm 2026. Tuy nhiên, các startup cần kết hợp AI với nền tảng bản quyền (rights management) sẽ dễ gọi vốn hơn vì giải được bài toán "hợp pháp" - mối lo lớn nhất của ngành.

Startup công nghệ âm nhạc là các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để phát triển, phân phối, hoặc trải nghiệm âm nhạc. Các startup này có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực: sản xuất, phân phối, truyền thông, giải trí, hoặc giáo dục âm nhạc.

Các startup này ứng dụng AI để tạo ra âm nhạc và tập trung vào việc cá nhân hóa trải nghiệm âm nhạc cho người dùng.

Một số startup công nghệ âm nhạc nổi tiếng tại Việt Nam như:

Amanotes - được biết đến với các ứng dụng trò chơi âm nhạc tương tác như Magic Tiles 3 và Tiles Hop. Amanotes đạt được thành công lớn với hàng trăm triệu lượt tải xuống trên toàn cầu, và tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái âm nhạc tương tác.

Diijam - một startup công nghệ thuần Việt, tập trung vào việc xây dựng nền tảng nghe nhạc điện tử, kết nối các DJs và producers với khán giả, và thúc đẩy sự phát triển của dòng nhạc điện tử tại Việt Nam.

Artlist - một nền tảng cấp phép âm nhạc và hiệu ứng âm thanh miễn phí, được nhiều nhà sáng tạo nội dung, nhà làm phim, và các nhà sản xuất video sử dụng. Nền tảng này cung cấp một thư viện âm nhạc và hiệu ứng âm thanh đa dạng, chất lượng cao, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả các dự án thương mại.

* Startup crypto music là startup kết hợp âm nhạc + công nghệ blockchain + tiền mã hóa (crypto). Một số startup trong lĩnh vực này gồm: Audius - nền tảng streaming phi tập trung dựa trên blockchain, không cần hãng đĩa, nghệ sĩ nhận tiền trực tiếp từ người nghe qua token AUDIO; Opulous - cho phép nghệ sĩ bán một phần bản quyền bài hát dưới dạng NFT, người mua nhận tiền bản quyền khi bài hát được nghe hoặc sử dụng cho thương mại; Royal: Startup của DJ 3LAU, bán quyền sở hữu bài hát dưới dạng NFT cho người hâm mộ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Startup công nghệ âm nhạc GenAI: Miếng bánh béo bở nhưng khó nuốt
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO