Singapore tăng tốc đầu tư AI tham vọng chạy đua với Mỹ và Trung Quốc
Singapore đang thể hiện tham vọng chạy đua với các cường quốc về trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách mở rộng chiến lược phát triển, xây dựng một lực lượng người dùng sớm đa dạng trong nhiều lĩnh vực, nhằm bổ sung cho định hướng hiện tại vốn tập trung vào đào tạo các nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư máy học.
Động thái này là một phần trong kế hoạch tổng thể của chính phủ nhằm củng cố vị thế quốc gia trong cuộc đua AI toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Singapore là một quốc gia nhỏ đang cạnh tranh với các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc.
Khuyến khích ứng dụng AI trên nhiều ngành nghề
Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số và thông tin, bà Josephine Teo đã công bố sáng kiến này tại hội nghị Fortune Brainstorm AI tổ chức ngày 22.7 tại khách sạn The Ritz-Carlton, Millenia Singapore. Trong buổi trò chuyện với chủ đề “Vượt khỏi quy mô: Làm thế nào các quốc gia nhỏ có thể dẫn đầu trong kỷ nguyên AI”, bà Teo cho biết chiến lược của Singapore là nuôi dưỡng những chuyên gia thành thạo AI ngoài lĩnh vực công nghệ.
Bộ trưởng Teo khẳng định: “Chúng tôi đang nói đến những người làm nghề - luật sư, kế toán, bác sĩ - những người sẽ tiên phong trong việc áp dụng AI và từ đó truyền cảm hứng cho đồng nghiệp học theo cách sử dụng AI hiệu quả hơn”. Những người này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chứng minh AI có thể mang lại giá trị như thế nào cho từng ngành nghề.

Với lực lượng lao động khoảng 3,5 triệu người đang hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, y tế và dịch vụ tài chính, Singapore có tiềm năng rất lớn trong việc mở rộng ứng dụng AI. Bà Teo nhấn mạnh rằng trong thời gian tới sẽ có thêm thông tin chi tiết về cách chính phủ sẽ trang bị kỹ năng AI cho lực lượng lao động rộng lớn này.
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên kế hoạch đã công bố trước đó nhằm tăng gấp ba số lượng chuyên gia AI tại Singapore lên 15.000 người, gồm các kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu chịu trách nhiệm phát triển các ứng dụng AI thực tế.
Tìm kiếm cơ hội đổi mới trong các ngách chuyên biệt
Trong phiên chia sẻ, bà Teo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia nhỏ tìm ra những lĩnh vực đổi mới độc đáo, thay vì chỉ cạnh tranh về quy mô. Bà dẫn ví dụ về DeepSeek - một mô hình AI tạo sinh (generative AI) do Trung Quốc phát triển và ra mắt vào tháng 1 năm nay. Mô hình này được huấn luyện với chi phí chỉ khoảng 5,6 triệu USD, thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn công nghệ Mỹ vào các mô hình ngôn ngữ lớn.
Bà Teo nhận định: “Từ góc độ giảm chi phí, những đổi mới như DeepSeek là rất đáng hoan nghênh”. Singapore cũng đang đầu tư vào các đổi mới mang tính ngách. Một ví dụ là dự án Sea-Lion – mô hình ngôn ngữ lớn do AI Singapore phát triển. Mô hình này được huấn luyện trên 13 ngôn ngữ, từ tiếng Java, tiếng Việt đến tiếng Anh, tiếng Trung, với mục tiêu hiểu và phản hồi tốt hơn trong bối cảnh Đông Nam Á.
Bà Teo giải thích: “Chúng tôi biết rằng các mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện chủ yếu trên kho dữ liệu phương Tây… sẽ gặp khó khăn khi được áp dụng trong bối cảnh Đông Nam Á”.
Bà nhấn mạnh rằng các mô hình AI cần được xây dựng trên dữ liệu phù hợp với khu vực để đáp ứng nhu cầu của cả Singapore và các nước láng giềng. Sea-Lion hiện đã được một số doanh nghiệp như Tập đoàn GoTo của Indonesia sử dụng làm nền tảng để phát triển các hệ thống AI của riêng họ.
Bà Teo cho biết không gian đổi mới của Singapore sẽ được mở rộng hơn khi tính đến yếu tố hiệu quả chi phí và khả năng tương thích của mô hình, cho phép quốc gia phát triển các công cụ AI vừa phù hợp với khu vực vừa có tính cạnh tranh cao.
Duy trì sự cân bằng trong căng thẳng AI toàn cầu
Trước câu hỏi về vị thế của Singapore giữa bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, bà Teo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Bà đề cập đến các cuộc thảo luận đang diễn ra với cả hai quốc gia, với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, với Trung Quốc về chính sách số.
Bà Teo cho biết: “Chúng tôi thảo luận về những lĩnh vực mà cả hai bên cho là quan trọng đối với quốc gia của mình, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi cố gắng hiểu rõ hơn những mối quan ngại của nhau và tiếp tục tìm cách tiến lên phía trước”.
Bà cũng đề cập đến nỗ lực của Singapore trong việc hợp tác với các nước ASEAN để thúc đẩy các giá trị chung trong quản trị AI. Dù khu vực có thể chưa sẵn sàng thiết lập các tiêu chuẩn AI chung, bà Teo cho biết vẫn có không gian để thống nhất về những nguyên tắc đạo đức nền tảng.
Với những nỗ lực kết hợp – mở rộng nhân tài, thúc đẩy đổi mới và duy trì cân bằng quan hệ quốc tế, Singapore đang tự mở đường củng cố vai trò là quốc gia tiên phong và tầm nhìn xa trong lĩnh vực AI trên trường quốc tế.