AI & Blockchain

Sàn giao dịch carbon: Cần làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm

Lam Thanh 18/07/2025 12:34

EuroCham cho rằng, quy định tại dự thảo nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước chỉ xác định chung các hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa quy định rõ ràng các công cụ giám sát cụ thể để đảm bảo thực thi hiệu quả.

Góp ý dự thảo nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng quy định hiện tại chỉ xác định chung các hành vi bị nghiêm cấm mà chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về các công cụ giám sát cụ thể (ví dụ giới hạn vị thế lớn, ngắt mạch thị trường, hoặc nghĩa vụ báo cáo giao dịch theo thời gian thực). Để đảm bảo hiệu lực thực thi, cần bổ sung các quy định chi tiết hơn.

EuroCham đề xuất sửa như sau: Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm thông đồng, thao túng thị trường, báo cáo sai lệch và giao dịch nội gián. Bộ Tài chính và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm thiết lập giới hạn vị thế minh bạch, cơ chế báo cáo giao dịch theo thời gian thực và cơ chế ngắt mạch thị trường nhằm ngăn ngừa đầu cơ quá mức và duy trì điều kiện thị trường ổn định. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại nghị định này và các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thị trường tài chính.

Ngoài ra, EuroCham cũng cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 6 chưa làm rõ nguyên tắc bổ sung, cũng như cơ chế phòng ngừa việc tính trùng lặp tín chỉ carbon, đặc biệt trong trường hợp tín chỉ quốc tế trùng lặp với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

“Việc thiếu rõ ràng này gây rủi ro làm sai lệch thực tế mức giảm phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả thực chất”, EuroCham nêu.

Ảnh màn hình 2025-07-18 lúc 10.57.41
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan về dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước

Tổ chức này đề nghị sửa như sau: Các hàng hóa quy định tại khoản 1 và khoản 2 trong điều khoản này phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch carbon. Các tín chỉ carbon trong nước và quốc tế được giao dịch trên thị trường carbon, với điều kiện phải đảm bảo tính thực tế, vĩnh viễn, bổ sung và được xác minh.

Đối với tín chỉ quốc tế, hoạt động dự án phải đảm bảo không bị tính trùng lặp với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đủ điều kiện, quy trình công nhận và cơ chế phòng ngừa tính trùng lặp.

Cũng góp ý cho dự thảo, Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam, dự thảo cần làm rõ được nguyên tắc giao dịch trên sàn giao dịch carbon là dễ hiểu, công bằng, công khai, minh bạch; các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường có trách nhiệm tìm hiểu quy định pháp luật, thông tin về hàng hóa và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua, bán của mình.

Dự thảo cần nêu rõ, giao dịch trên thị trường giao dịch carbon được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trên hệ thống giao dịch carbon, theo nguyên tắc các bên tự thỏa thuận, thống nhất các nội dung giao dịch.

Giao dịch được xác lập khi bên mua hoặc bên bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống giao dịch carbon, và bên đối ứng xác nhận lệnh giao dịch này.

Ngoài ra, cần bổ sung và làm rõ quy định: các giao dịch carbon được thanh toán qua hệ thống thanh toán giao dịch carbon theo phương thức thanh toán tức thời từng giao dịch, không áp dụng theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

Thành viên lưu ký phải mở tài khoản tiền gửi đứng tên thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon. Ngân hàng thanh toán có trách nhiệm quản lý chi tiết thông tin số dư tiền gửi thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ cácbon của chủ thể tham gia giao dịch.

Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam góp ý: “Bản chất của thị trường carbon là bên bán -bên mua, nên cần tthiết kế cơ chế thị trường sao cho thuận tiện nhất, đặc biệt với tín chỉ carbon rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng, hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước…). Hiện nay, các chủ rừng (lâm trường, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân) là bên sở hữu tín chỉ carbon rừng. Vì vậy, cơ chế vận hành thị trường phải được thiết kế để các chủ thể này được tiếp cận”.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trách nhiệm của các bên trong trường hợp tín chỉ carbon đã được bán cho người mua nhưng không còn hiệu lực, ví dụ tín chỉ carbon từ rừng nhưng rừng bị cháy, hoặc kho lưu trữ bị rò rỉ carbon ra ngoài môi trường.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sàn giao dịch carbon: Cần làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO