Sách 'Đại địa chấn kinh tế'Kỳ 1: Đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ tính riêng trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, cả thế giới có 1,8 triệu người thiệt mạng và khoảng 80 triệu người bị nhiễm bệnh. Đại dịch này đã ảnh hưởng đến mọi lục địa trên Trái đất, kể cả châu Nam Cực.
Khủng hoảng COVID-19 khác với hầu hết các cuộc khủng hoảng thông thường vì nó xuất phát từ việc đóng cửa các hoạt động kinh tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, khi các hoạt động kinh tế đột ngột bị ngừng lại, thị trường chứng khoán đã ghi nhận mức sụt giảm trong một ngày tồi tệ nhất lịch sử. Xét về cả phương diện sụp đổ thị trường chứng khoán lẫn khó khăn kinh tế tổng thể, khủng hoảng COVID-19 là một vụ khủng hoảng nghiêm trọng và hiếm có.
Một phần ba dân số thế giới bị phong tỏa
Ngày 31.12.2019, Trung Quốc cảnh báo WHO về sự lây lan của một loại vi rút corona mới chưa có vắc-xin phòng bệnh. Thành phố Vũ Hán, khu vực đầu tiên bùng phát đại dịch, với 11 triệu dân đã bị chính phủ Trung Quốc phong tỏa. Ngày 30.1.2020, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Loại vi rút mới đã lây lan nhanh chóng từ Trung Quốc sang các khu vực khác ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.
Đến ngày 11.2.2020, WHO đặt tên cho căn bệnh này là “COVID-19”, viết tắt của “căn bệnh do vi rút gây ra vào năm 2019”. Cùng ngày hôm đó, số người chết do COVID-19 được thống kê chính thức trên toàn cầu hơn 1.000, nhanh chóng vượt qua con số 774 ca tử vong trong suốt đợt dịch SARS bùng phát ở châu Á hồi tháng 2.2003.
Trước số ca tử vong và tốc độ lây lan ngày càng tăng, các quốc gia đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế và cấm đi lại để cố kiềm chế căn bệnh chết người này. Trung Quốc đã mở rộng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đối với khoảng 760 triệu người, hơn một nửa dân số nước này. Ngày 25.2.2020, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp. Cuối tháng đó, Thụy Sĩ ban hành lệnh cấm các cuộc tụ tập công cộng trên 1.000 người.
Ngày 6.3.2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo những người trên 60 tuổi nên ở nhà. Cũng trong tháng đó, một số quốc gia đã đóng cửa tất cả các trường phổ thông và đại học, làm gián đoạn việc học tập của khoảng một phần năm học sinh trên toàn cầu.
Ngày 11.3.2020, “ngày mọi thứ thay đổi”, WHO nâng mức cảnh báo lên thành đại dịch toàn cầu. Khi nhận thấy các biện pháp hạn chế vẫn chưa đủ, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới. Ngày 18 tháng Ba, Lebanon ban hành lệnh phong tỏa trên cả nước. Hy Lạp và Vương quốc Anh cũng nối bước ngay trong ngày 22 và 23. Đến ngày 26.3.2020, gần 1/3 dân số thế giới bị phong tỏa.

Thị trường tài chính sụp đổ
Ngày 12.3.2020, một ngày sau khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, thị trường tài chính sụp đổ. Thị trường chứng khoán, vốn đã suy giảm kể từ tháng Hai, lại càng trở nên hỗn loạn. Chỉ số Dow Jones của các cổ phiếu blue-chip giảm 10%, đánh dấu sự kết thúc của thị trường giá lên dài nhất trong lịch sử, bắt đầu vào ngày 11.3.2009 và kết thúc đúng mười một năm sau đó.
Chỉ số S&P 500 tiêu chuẩn của Mỹ rơi vào thị trường giá xuống trong khoảng thời gian nhanh kỷ lục, giảm 20% chỉ trong hai ngày. Từ mức đỉnh trong tháng 2 đến mức đáy vào ngày 23.3, cả hai chỉ số chứng khoán này đều mất hơn 1/3 giá trị. Trong một động thái cực kỳ bất thường, Sở giao dịch chứng khoán New York đã đình chỉ giao dịch nhiều lần để cố gắng ngăn thị trường sụp đổ.
Trong ba tháng đầu năm 2020, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tất cả các chỉ số chủ chốt của Mỹ đều rơi vào vùng thị trường giá xuống (giảm ít nhất 20%) hoặc vùng điều chỉnh (giảm ít nhất 10%).
Tình hình ở châu Âu cũng thảm khốc không kém. Chỉ số Euro Stoxx 600 (chỉ số chứng khoán đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty vốn hóa lớn, vừa và nhỏ ở mười bảy nước châu Âu) giảm hơn 23%. Chỉ số tiêu chuẩn DAX của Đức giảm 25%, CAC 40 của Pháp giảm hơn 26%, MIB của Ý giảm hơn 27% và IBEX của Tây Ban Nha giảm gần 29%. Đặc biệt, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm hơn 25%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987.
Khi các nền kinh tế đóng cửa, không chỉ thị trường chứng khoán mà giá cả hàng hóa cũng lao dốc. Giá dầu giảm hơn một nửa trong tháng 3 do lệnh phong tỏa làm giảm nhu cầu. Vào tháng 1.2020, chuẩn mực chính cho giá dầu toàn cầu là dầu thô Brent còn được giao dịch ở mức trên 65 đô-la/thùng; nhưng chỉ vài tháng sau đó, giá giảm còn 15,98 đô-la/thùng, thấp nhất kể từ năm 1999.
Hơn 90 quốc gia tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF
Tính đến tháng Tư năm 2020, tỷ lệ công ty Mỹ phải ngừng hoạt động đạt mức cao nhất trong lịch sử là hơn 20%. Chỉ trong một tuần, từ ngày 16 - 22.3, hơn ba triệu người Mỹ đã mất việc, vượt xa mức kỷ lục trước đó là 695.000 người, vào tháng Mười năm 1982 trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ba tuần kế tiếp, hơn 16 triệu người bị sa thải, nhiều hơn tổng số 8,6 triệu người mất việc làm trong toàn bộ giai đoạn suy thoái trầm trọng năm 2009.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Trong bảy tuần đầu tiên Mỹ thực thi các biện pháp phong tỏa, hơn 33 triệu người dân nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Hồi tháng Hai, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ còn đạt mức thấp nhất trong gần năm mươi năm là 3,5%, nhưng sang tháng Tư, tỷ lệ đó đã lên tới 14,7%. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nhiều người rời bỏ lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của tháng Tư đã giảm xuống còn 60,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1973.
Ngày 29.4, Mỹ báo cáo GDP trong ba tháng đầu năm đã giảm 4,8%, nhưng con số này chưa phản ánh hết tác động của đại dịch, vì COVID-19 mới chỉ bắt đầu thật sự ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ kể từ tháng Ba. Doanh số bán lẻ trong tháng Tư của quốc gia này giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử là 16,4%. Từ tháng 1 - 4.2020, mức chi tiêu trung bình của các hộ gia đình Mỹ đã giảm 1.000 đô-la mỗi tháng, tương đương tỷ lệ sụt giảm lên đến 31%.
Một ngày sau báo cáo của Mỹ, khu vực đồng euro công bố mức giảm GDP hằng quý tồi tệ nhất từng được ghi lại: 3,8%. Trong số các quốc gia sử dụng đồng euro, Pháp giảm đến 5,8% GDP - con số lớn nhất kể từ khi Pháp bắt đầu theo dõi dữ liệu GDP vào năm 1949 - và rơi vào tình trạng suy thoái.
Vào đầu tháng 4, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm, tình trạng suy thoái sẽ bao trùm các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi. Thời điểm đó, IMF ước tính thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm ở 170/189 quốc gia thành viên.
Trong 2/2020, hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 14,3%, đánh dấu mức giảm theo quý lớn nhất từng được ghi nhận. Điều này gây tác động đáng lo ngại đến các nền kinh tế mới nổi, vốn phụ thuộc vào thị trường quốc tế để tăng trưởng và thu hút đầu tư.

Trong tháng 3 và 4 năm đó, các nền kinh tế mới nổi này đã chứng kiến dòng rút vốn tài chính với quy mô chưa từng thấy. Khoảng 100 tỉ đô-la đã bị nhà đầu tư rút khỏi các quốc gia này trong tháng 3, để chuyển sang các khoản đầu tư ít rủi ro hơn. Đến giữa tháng Tư, các nhà đầu tư đã rút thêm 96 tỉ đô-la cổ phiếu và trái phiếu khỏi các thị trường mới nổi, lớn hơn rất nhiều so với những dòng rút vốn trước đó. Khi dòng tiền chảy ra ngoài, các loại tiền tệ của thị trường mới nổi như đồng real Brazil, đồng peso Mexico và đồng rand Nam Phi đều giảm gần một phần tư giá trị so với đô-la Mỹ.
Ngay cả khi phải đối mặt với khủng hoảng tài chính do Covid gây ra, hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn phải thanh toán số nợ tổng cộng 130 tỷ đô-la trong năm 2020. Nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã cố gắng hỗ trợ bằng cách áp dụng lệnh hoãn nợ, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản nợ chính phủ, trong khi khoảng một nửa số nợ lại thuộc về các chủ nợ tư nhân. Đúng như dự đoán, đầu năm 2020, hơn 90 quốc gia đã tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF.
Lược trích từ cuốn sách "Đại địa chấn kinh tế" (The great crashes: Lessons from global meltdowns and how to prevent them) của Giáo sư Linda Yueh.
Kỳ tới: Đại địa chấn kinh tế Kỳ 2: Cả thế giới đối phó với cuộc khủng hoảng