'Hô biến' nước thải máy lạnh thành giải pháp xanh cho nông nghiệp tuần hoàn, sinh viên miền Tây khiến nước bạn 'trầm trồ'
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn sử dụng nước ngưng tụ từ điều hòa của bạn Huỳnh Thị Hồng Xuyến, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh (TVU) đã gây ấn tượng tại một trường đại học ở Hà Lan, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp bền vững và giải quyết vấn đề khan hiếm nước.
Tái sử dụng nước – Giải pháp xanh từ nguồn tài nguyên bị bỏ quên

Chuyên đề đầy ấn tượng này từng được bạn Huỳnh Thị Hồng Xuyến, sinh viên ngành Môi trường TVU chia sẻ trước hơn 40 giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion (SaxionU), Hà Lan, vào cuối tháng 3.2025, mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật và nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và châu Âu. Buổi chia sẻ tập trung vào các mô hình nông nghiệp tuần hoàn do chính Hồng Xuyến và nhóm nghiên cứu tại TVU phát triển, trong đó nổi bật là hệ thống Aquaponics (nuôi cá kết hợp trồng rau) và Hydroponics (thủy canh).

Điểm nhấn quan trọng trong nghiên cứu của Hồng Xuyến là việc tận dụng nước ngưng tụ từ hệ thống điều hòa không khí – nguồn tài nguyên sạch nhưng thường bị bỏ phí trong sinh hoạt đô thị để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một giải pháp thiết thực trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và biến đổi khí hậu gia tăng.
Hệ thống Aquaponics hoạt động theo cơ chế tuần hoàn nước giữa bể cá và bồn trồng rau. Chất thải cá được chuyển hóa bởi vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cho cây, trong khi rễ cây và hệ thống lọc sinh học giúp làm sạch nước quay trở lại bể nuôi. Hệ thống này có thể tiết kiệm đến 90% lượng nước so với phương pháp truyền thống. Trong khi đó, mô hình Hydroponics cho phép trồng cây không cần đất, sử dụng dung dịch dinh dưỡng đưa trực tiếp vào rễ cây thông qua hệ thống ống và bơm tuần hoàn, phù hợp với các khu vực đô thị thiếu diện tích canh tác. “Mô hình này hướng tới xây dựng một hệ sinh thái canh tác khép kín, tiết kiệm nước và năng lượng, thân thiện môi trường và phù hợp triển khai tại hộ gia đình, trường học hoặc cộng đồng nông thôn – đô thị”, Hồng Xuyến cho biết.

Buổi chia sẻ đã thu hút sự quan tâm sâu sắc từ phía giảng viên Hà Lan, đặc biệt, giải pháp tái sử dụng nước ngưng tụ từ máy lạnh đã thu hút sự chú ý lớn từ giảng viên Hà Lan bởi tính thực tiễn và khả năng nhân rộng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiếu hụt nguồn nước sạch đang ngày càng trầm trọng ở nhiều quốc gia. Đồng thời mở ra các cuộc thảo luận về khả năng nhân rộng mô hình tại châu Âu trong bối cảnh nhiều đô thị đang tìm kiếm các giải pháp nông nghiệp xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Tận dụng nguồn nước thay thế là hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện đại. Chúng tôi rất ấn tượng với cách các bạn sinh viên Việt Nam tích hợp công nghệ và tư duy bền vững vào nghiên cứu,” một giảng viên Trường Saxion đánh giá.
Lan tỏa những sáng kiến xanh đến cộng đồng quốc tế

TS. Trần Thị Ngọc Bích - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường TVU người trực tiếp hướng dẫn và đồng hành cùng Hồng Xuyến trong hành trình nghiên cứu, chia sẻ: “Hồng Xuyến là một sinh viên có tư duy độc lập, khả năng tự nghiên cứu tốt và luôn kiên trì theo đuổi các giải pháp bền vững gắn với thực tiễn địa phương. Việc em tận dụng nước ngưng tụ từ điều hòa – một nguồn nước tưởng chừng vô dụng để phục vụ canh tác tuần hoàn là một hướng đi sáng tạo và đầy tiềm năng”.
Theo TS Bích, chuyến thực tập 5 tháng tại Hà Lan không chỉ giúp Hồng Xuyến tiếp cận với công nghệ tiên tiến và phương pháp nghiên cứu quốc tế, mà còn là cơ hội để em kết nối, trao đổi và mang các sáng kiến của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Hơn nữa, những trải nghiệm này sẽ là nền tảng vững chắc để em phát triển trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp bền vững”.
Các mô hình được sinh viên thiết kế với tiêu chí chi phí thấp, dễ vận hành và linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu tác động nặng nề bởi hạn mặn và suy giảm nguồn nước ngầm. “Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong hành trình học thuật của sinh viên Việt Nam, mà còn thể hiện năng lực nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên Việt Nam, góp phần mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp bền vững. Qua đó, cũng góp phần lan tỏa những sáng kiến xanh đến cộng đồng quốc tế, từ chính những người trẻ tại Việt Nam”, TS Ngọc Bích nhấn mạnh.