Thời sự

Nguyên nhân ban đầu vụ rơi máy bay ở Nga khiến gần 50 người thiệt mạng

Hoàng Vũ 24/07/2025 18:10

Ngày 24.7, một chiếc máy bay chở khách Antonov An-24 của Nga, thuộc hãng hàng không khu vực Angara, đã gặp nạn khi đang bay từ thành phố Blagoveshchensk đến thị trấn Tynda.

Theo Reuters, máy bay mất liên lạc vào khoảng 13h giờ địa phương (tức 11h giờ Việt Nam) khi đang thực hiện chuyến bay từ Blagoveshchensk đến Tynda, một thị trấn nằm gần biên giới Trung Quốc và là điểm giao quan trọng trên tuyến đường sắt xuyên Siberia.

hien-truong-tai-nan-may-bay(1).png
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Nga - Ảnh: Reuters

Theo thông tin từ Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, chiếc An-24 biến mất khỏi radar trong lúc đang hạ cánh xuống sân bay Tynda. Trước đó, phi công đã cố gắng hạ cánh hai lần nhưng không thành công, và trong nỗ lực lần thứ hai, máy bay được cho là đã va vào sườn đồi trong điều kiện thời tiết xấu, cùng tầm nhìn hạn chế.

Một trực thăng cứu hộ Mi-8 đã phát hiện phần thân An-24 bị cháy giữa khu rừng rậm, cách sân bay Tynda khoảng 15km, trong khu vực đồi núi hiểm trở. Các đoạn video ghi từ trên không cho thấy khói trắng bốc lên từ khu vực rơi. Trung tâm Phòng vệ Dân sự và Phòng chống Cháy nổ tỉnh Amur xác nhận máy bay bốc cháy khi va chạm, trong khi đại diện sân bay Tynda cho biết đoàn cứu nạn không phát hiện người sống sót tại hiện trường.

Thông tin về số người trên khoang có sự chênh lệch nhỏ giữa các cơ quan chức năng. Theo Tỉnh trưởng Amur, ông Vasily Orlov, có 43 hành khách (trong đó 5 trẻ em) và 6 thành viên tổ bay. Trong khi đó, dữ liệu từ cơ quan khẩn cấp Nga lại ghi nhận tổng cộng 46 người, bao gồm 40 hành khách và 6 phi hành đoàn. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp cận hiện trường, gặp khó khăn do địa hình đồi núi và lửa lan rộng.

Nguồn tin từ Interfax cho hay phi công đã cố gắng tiếp cận hạ cánh hai lần, nhưng lần đầu không thành công. Trong nỗ lực hạ cánh thứ hai, chiếc An-24 đã rơi và mất liên lạc với kiểm soát không lưu. Ông Orlov, cho biết toàn bộ các nạn nhân trên chuyến bay đều được xác định danh tính, trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tiếp cận hiện trường và kiểm tra kỹ lưỡng.

An-24 reuters
Máy bay An-24 - Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn TASS cho biết, cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ nguyên nhân tai nạn. Nhiều khả năng nhất là phi hành đoàn mắc lỗi trong quá trình hạ cánh, khiến máy bay đâm vào địa hình cao. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn không loại trừ nguyên nhân khác như yếu tố kỹ thuật, môi trường.

Sau vụ việc, chính phủ Nga đã lập ủy ban điều tra đặc biệt do Ủy ban Điều tra Liên bang Nga chủ trì, phối hợp cùng cơ quan công tố để làm rõ liệu có dấu hiệu vi phạm quy định an toàn hàng không hay không. Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn vẫn đang được lực lượng cứu hộ phong tỏa nghiêm ngặt. Do địa hình hiểm trở và nguy cơ cháy lan, trực thăng cứu hộ chưa thể tiếp cận trực tiếp, công tác điều tra ban đầu dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tuần, chờ giải mã hộp đen và phân tích dữ liệu bay để xác định nguyên nhân chính xác của thảm kịch hàng không này.

Antonov An-24 là dòng máy bay chở khách và vận tải cánh quạt tầm ngắn, trung bình, được sản xuất từ thập niên 1960 tại Liên Xô. Máy bay dài hơn 23m, sải cánh 29m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 21 tấn, có cấu hình hai hàng ghế với một lối đi giữa và sức chứa tối đa khoảng 50 hành khách.

Ưu điểm lớn của An-24 là khả năng hoạt động tại sân bay dã chiến hoặc đường băng không trải nhựa, rất phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở Siberia và vùng Viễn Đông. Chính điều này giúp loại máy bay này tiếp tục được khai thác dù tuổi đời đã vượt mốc nửa thế kỷ.

Chiếc An-24 gặp nạn được sản xuất năm 1976, từng do hãng Aeroflot vận hành trước khi chuyển giao cho các hãng hàng không khu vực sau khi Liên Xô tan rã. Hiện Angara Airlines, có trụ sở tại Irkutsk (Siberia), vẫn đang khai thác khoảng 10 chiếc An-24, tất cả đều được sản xuất trong giai đoạn 1972 - 1976.

Trong ngành hàng không Nga, An-24 nổi tiếng với sự bền bỉ, dễ sửa chữa và khả năng hoạt động linh hoạt. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cho biết chi phí bảo trì các máy bay cũ như An-24 đang ngày càng tăng cao, đặc biệt sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt về công nghệ và thiết bị hàng không sau cuộc chiến tại Ukraine.

Do thiếu phương án thay thế khả thi trong ngắn hạn, nhiều hãng bay khu vực, trong đó có Angara, đã đề xuất chính phủ kéo dài thời gian khai thác An-24. Mẫu máy bay Ladoga, được kỳ vọng là thế hệ kế nhiệm trong cùng phân khúc, hiện vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa thể sản xuất đại trà trước năm 2027.

Ảnh màn hình 2025-07-24 lúc 17.12.21
Khói bốc lên từ hiện trường rơi máy bay Nga An-24 - Ảnh: AFP

Vụ tai nạn khiến gần 50 người thiệt mạng đã làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các dòng máy bay cũ, đặc biệt là tại những khu vực hẻo lánh, nơi vẫn phụ thuộc vào phi đội An-24 để duy trì kết nối hàng không cơ bản. Một số phi công và kỹ sư cho rằng An-24 vẫn có thể hoạt động an toàn nếu được bảo dưỡng đúng chuẩn và kiểm tra định kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc thiếu hụt linh kiện thay thế và chi phí vận hành tăng đã khiến rủi ro tai nạn trở nên khó kiểm soát hơn.

Hoàng Vũ