Văn hóa - Đời sống

Có kỳ quan nào đáng giá bằng mạng sống con người?

Nhật Hạ 22/07/2025 21:05

Những ngày này, vịnh Hạ Long - kỳ quan của du lịch Việt Nam - trở thành tâm điểm của truyền thông Việt Nam và quốc tế, nhưng không phải bởi những bức ảnh đẹp, mà bởi một thảm kịch đau lòng: vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 khiến 38 người thiệt mạng (tính đến thời điểm hiện tại), chỉ 10 người sống sót.

Chuyến tàu định mệnh

12 giờ 55 phút ngày 19.7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến chở 46 du khách và 3 thuyền viên tham quan tuyến 2 vịnh Hạ Long gồm Chó Đá, Đỉnh Hương, Gà Chọi, hang Sửng Sốt, hang Luồn, đảo Ti Tốp… Họ không biết rằng, chỉ sau ít phút sau, mọi thứ sẽ thay đổi và chuyến đi biển trở thành chuyến đi định mệnh.

13h30, khi tàu đến phía đông hang Đầu Gỗ, một cơn giông cực đoan bất ngờ ập tới. Chỉ trong khoảnh khắc, con tàu bị gió quật lật úp, kéo theo 49 con người.

Sau khi nhận được thông tin, tỉnh Quảng Ninh và sau đó là các bộ, ban ngành huy động gần 1.000 người, hơn 100 phương tiện từ biên phòng, cảnh sát biển, doanh nghiệp du lịch đến ngư dân địa phương để cứu hộ cứu nạn. Họ lao ra biển trong mưa gió để tìm kiếm từng mạng người. Nhưng mưa gió to, đêm tối... khiến công tác cứu hộ trở thành cuộc chạy đua với tử thần.

Ngày 22.7, 38 thi thể được tìm thấy, chỉ 10 người sống sót. Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích.

Ảnh màn hình 2025-07-22 lúc 18.44.50
Công tác cứu hộ diễn ra khẩn trương sau vụ lật tàu

Những câu hỏi lớn cần trả lời

Ngày 20.7, trong cuộc họp báo, ông Bùi Hồng Minh - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh - cho biết 100% tàu du lịch ở vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn cao hơn quy chuẩn, trong đó tàu Vịnh Xanh 58 có hệ số an toàn 2,3 (mức tiêu chuẩn chỉ yêu cầu trên 1).

Theo quy định, hành khách đi phà, đò bắt buộc mặc áo phao suốt hành trình. Nhưng với tàu du lịch như Vịnh Xanh 58, áo phao chỉ bắt buộc trong tình huống khẩn cấp. Thực tế, 80% nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng mặc áo phao, cho thấy tàu đã hướng dẫn cẩn thận.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu các quy định an toàn có được thực thi nghiêm túc? Cảnh báo thời tiết - yếu tố sống còn - có thực sự phát huy hiệu lực?

Ngày 19.7, hai bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn lúc 6h30 và 10h thông báo Vịnh Hạ Long có gió cấp 2-3. Đến 13h30, trung tâm có bản tin bổ sung cảnh báo dông lốc. Tuy nhiên, tàu Vịnh Xanh đã xuất bến lúc 12h45, trước khi có cảnh báo này.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng có hơn 20 năm kinh nghiệm, khẳng định dông lốc ngày 19.7 là hiện tượng cực đoan, không thể dự báo trước.

Trên các diễn đàn du lịch, không khó bắt gặp những chia sẻ: “Trời mưa mà tàu vẫn chạy”, “Đã mua vé thì phải đi”. Văn hóa “ngại hủy tour” hay sợ hoàn vé vô tình đẩy du khách vào rủi ro. Hệ thống dự báo thời tiết đã kịp thời và đủ độ tin cậy chưa?

Người điều hành có quyền dừng chuyến để bảo đảm an toàn không? Và liệu những quyết định ấy có bị xem là “làm khó khách”?

“Khoảnh khắc đó, tôi chỉ nghĩ mình sắp chết”

Trong một bài đăng trên VOV ngày 20.7, anh Đặng Anh Tuấn (Hà Nội) - một trong số ít người sống sót - kể lại giây phút cận kề tử thần:

"Khi tàu rời bến khoảng 4km, cơn giông bất ngờ ập tới. Chúng tôi đề nghị quay lại nhưng thuyền trưởng trấn an “sắp đến nơi rồi”. Dông lốc càng lớn, mọi người tiếp tục yêu cầu quay đầu. Tôi thét lên “đưa phao cho tôi” thì họ nói “phao ở dưới bàn”.

Trước khi xuống sức, tôi cố kéo được 4 người ra ngoài, nhưng chỉ 2 người sống, 2 người khác đã tím tái, dù được hô hấp nhân tạo nhưng không tỉnh lại. Phải trên 3 tiếng đồng hồ sau, đợi rất lâu, khi trời gần xẩm tối thì mới thấy lực lượng Biên phòng đến. Thời khắc đó mới tự nhủ là mình sống rồi".

Lời kể của anh Đặng Anh Tuấn trên VOV ngày 20.7 - Ảnh chụp màn hìn
Lời kể của anh Đặng Anh Tuấn trên VOV ngày 20.7 - Ảnh chụp màn hình

Đọc những dòng chữ này, bất cứ người nào cũng không khỏi xót xa và suy ngẫm...

Danh tiếng có thể mất chỉ sau một cơn dông

Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, niềm tự hào của Việt Nam, giờ đây xuất hiện trên các mặt báo quốc tế với dòng tít lạnh lùng: "Tàu du lịch bị lật ở Vịnh Hạ Long, Việt Nam, hàng chục người thiệt mạng" (The Washington Post). Không còn những mỹ từ ca ngợi “vẻ đẹp như tranh vẽ”, chỉ còn lại câu hỏi về sự an toàn.

Đây không phải lần đầu Vịnh Hạ Long xảy ra sự việc như vậy.

Vào tháng 5.2016, tàu Aphrodite, sau hành trình 2 ngày một đêm chở du khách tham quan trên vịnh Hạ Long đã bất ngờ bốc cháy dữ dội, khiến hàng chục du khách nước ngoài hoảng loạn nhảy xuống nước thoát thân. Trong đó, nhiều du khách đến từ các nước Pháp, Thụy Sỹ, Anh, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Năm 2021, tàu Hoàng Phương 16 bị lật khi đang neo đậu tại bến, may mắn không có khách trên tàu lúc này nhưng gây thiệt hại kinh tế.

Cháu bé 14 tuổi sống sót sau vụ lật tàu - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh
Cháu bé 14 tuổi sống sót sau vụ lật tàu - Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh

Du lịch an toàn - nền tảng của du lịch bền vững

Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, nhưng tốc độ này liệu có tỷ lệ thuận với chất lượng quản lý. An toàn không chỉ là áo phao hay phao cứu sinh. Đó là hệ thống cảnh báo thời tiết chuẩn xác; quy trình hủy chuyến rõ ràng; nhân viên được đào tạo có kỹ năng ứng phó khẩn cấp; và điều quan trọng: đặt mạng sống con người/ du khách lên trên hết.

Sức hút của một điểm đến không chỉ nằm ở cảnh quan mà chính là sự an toàn đối với du khách. Số liệu Booking.com (2023) cho thấy 74% du khách quốc tế ưu tiên điểm đến có tiêu chuẩn an toàn rõ ràng và dịch vụ cứu hộ đầy đủ.

Việc vận hành hàng trăm tàu du lịch mỗi ngày tại Vịnh Hạ Long là một áp lực lớn đối với ngành du lịch Quảng Ninh. Nhưng điều đó càng đòi hỏi kỷ luật nghiêm ngặt và sự ưu tiên tuyệt đối cho an toàn của du khách.

Chỉ cần một vụ tai nạn lật tàu như tàu Vịnh Xanh 58 có thể xóa sạch hàng triệu USD đầu tư quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh nói riêng chỉ trong phút chốc. Niềm tin du khách mất đi, ngành du lịch Việt Nam có thể phải mất nhiều năm mới gây dựng lại.

Một người thẫn thờ chờ thông tin người thân của mình trên có mặt trên chuyến tàu định mệnh
Một cô gái trong nỗi đau tột cùng chờ nhận thông tin về mẹ mình trên chuyến tàu định mệnh, trước đó, cô đã gượng lòng nhận thi thể người cha - Ảnh: VTCNews

Có kỳ quan nào đáng giá hơn mạng sống con người?

Vịnh Hạ Long xứng đáng được biết đến không chỉ vì cảnh đẹp, mà còn bởi sự an toàn và ấm áp của con người nơi đây. Tinh thần tương thân tương ái đã được thể hiện khi tỉnh Quảng Ninh bố trí nơi ở, chi trả chi phí ăn nghỉ cho gia đình nạn nhân. Nhiều khách sạn tặng suất ăn, chỗ nghỉ miễn phí cho người thân, người sống sót và nhân viên y tế. Nhưng, những nghĩa cử ấy vẫn không thể bù đắp mất mát của những gia đình nạn nhân, hay xóa đi nỗi ám ảnh trong ký ức những người còn sống sót trên chuyến đi định mệnh.

Đừng để những lời tự hào “người Việt Nam nghĩa tình, hiếu khách” chỉ là khẩu hiệu. Chúng ta thường tự hào về tinh thần đoàn kết dân tộc, về tấm lòng sẻ chia trong khó khăn. Nhưng cách thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào thiết thực nhất, đôi khi chỉ đơn giản là dám dừng tàu khi biển động, dám hoàn vé khi trời mưa dông, dám nói ‘không’ với rủi ro để bảo vệ an toàn cho du khách - những người đã tin tưởng chúng ta.

Sau thảm kịch đau lòng này, có thể thế giới vẫn gọi vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên, là di sản thế giới, điểm-đến-phải-ghé-ít-nhất-một-lần-trong-đời, nhưng chắc chắn sẽ không có kỳ quan nào đáng giá hơn mạng sống con người.

Nhật Hạ