Công nghệ xanh

Doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ ở ĐBSCL 'thua trên sân nhà'

Văn Kim Khanh 22/07/2025 08:26

"Để sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông dân trong vùng đang có xu hướng sử dụng phân hữu cơ" - Phó GĐ Sở Nông nghiệp - Môi trường Vĩnh Long cho biết.

bon 5
Ông Trương Văn Hùng trên cánh đồng của HTX ở xã Long Phú - Ảnh: Lương Xuân Cao

Phó GĐ Sở Nông nghiệp - Môi trường Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Đông, cho hay ngoài phân hữu cơ do nông dân tận dụng từ rơm cỏ, chất thải trâu bò, gia súc gia cầm, hay vỏ trái cây… bà con còn sử dụng phân hữu cơ công nghiệp. Tuy nhiên số lượng loại phân bón này vẫn chưa cân bằng với phân bón hóa học.

Cố GS Tiến sĩ Võ Tòng Xuân trước đây khi nói về nông nghiệp xanh, giảm phát thải đề cập nhiều về vai trò của phân hữu cơ trong nông nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ tự tạo, nên tuyên truyền cho dân sử dụng phân hữu cơ từ sản xuất công nghiệp. GS cũng lưu ý từ năm 1968 người dân ĐBSCL dần bỏ giống lúa mùa, canh tác lúa thần nông giống ngắn ngày, từ đó dần xa với phân hữu cơ truyền thống.

Phân hữu cơ công nghiệp là loại phân bón được sản xuất quy mô theo quy trình công nghiệp, từ nhiều nguồn hữu cơ như cây cỏ, vỏ trái cây, phân động vật (gia súc, gia cầm), than bùn… Quy trình sản xuất được thiết kế khoa học, giúp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng so với phân hữu cơ truyền thống.

Quy trình sản xuất phân hữu cơ công nghiệp áp dụng theo sản xuất công nghiệp hiện đại, bao gồm các giai đoạn như xử lý, lên men, phối trộn, có thể bổ sung vi sinh vật có lợi. Nó cung cấp dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cho cây trồng; cải thiện độ màu mỡ, độ tơi xốp và cấu trúc đất theo quy trình bền vững.

Phân hữu cơ công nghiệp có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cây trồng, giúp cây chống chịu sâu bệnh, lại an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Từ đó các nhà khoa học cũng như ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân dùng phân hữu cơ công nghiệp trong canh tác lúa ở ĐBSCL và cây trồng, nhất là cây ăn quả.

Bên cạnh những tính năng tốt, phân hữu cơ công nghiệp cũng có những hạn chế nhất định: Hàm lượng chất hữu cơ thấp hơn so với phân hữu cơ sinh học và hóa học; chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng ngày càng tăng; có mùi khó chịu, nhất là các loại chưa qua xử lý kỹ, như một số loại phân hỗn hợp từ phân động vật như trâu bò, gà, dê...

bón 4
Một HTX ở Mỹ Xuyên, TP.Cần Thơ sử dụng phân hữu cơ trồng lúa cho kết quả tốt - Ảnh: L.X.C

Có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp phân bón hữu cơ công nghiệp tại Việt Nam. Một số công ty lớn có thể kể đến: Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ, Baconco Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần Bioway Hitech... Ngoài ra, còn có các công ty chuyên về phân bón hữu cơ nhập khẩu như SFARM…

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, ở ĐBSCL có 300 cơ sở sản xuất phân bón lớn nhỏ, trong đó gần 100 cơ sở sản xuất phân hữu cơ công nghiệp. Đây cũng là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hữu cơ ở khu vực này vẫn còn thấp, chỉ đạt 392kg/ha, bằng mức trung bình cả nước.

bón 3
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Ân Thịnh Điền ở xã Tân Phước Hưng, TP.Cần Thơ - Ảnh: Tư liệu

Thực tiễn cho thấy nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL khởi nghiệp, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường, chưa “sống khỏe” với sản xuất phân bón hữu cơ.

Tại Vĩnh Long, có một doanh nghiệp đầu tư bài bản đã bước đầu tạo thương hiệu trên thị trường đầy tiềm năng ĐBSCL. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua doanh nghiệp này vẫn ì ạch trên thị trường trọng điểm. Một nhân viên chuyên về phát triển thị trường của công ty cho biết: “Doanh nghiệp phân hữu cơ bên em mấy năm nay khó khăn lắm. Đừng nói hợp tác hay phát triển gì cho mất công, nếu anh "có mối" giới thiệu, bên em sang lại doanh nghiệp để họ tiếp tục kinh doanh. Chủ công ty sẵn sàng sang nhượng lại để rút lui”.

Lý do? Nhân viên cho biết: “Khó khăn về tài chính, về thị trường và nguyên liệu đầu vào... khiến sản xuất kinh doanh không có lời, chưa nói bị lỗ vốn”.

Tại phường Ngã Bảy, TP.Cần Thơ có một doanh nghiệp sản xuất phân bón lá hữu cơ. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp này luôn gặp khó khăn. Giám đốc công ty cho biết: “Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân hữu cơ, phân bón lá ở vùng này là thương hiệu của mình không cạnh tranh nổi với các thương hiệu lớn. Vốn và thị trường là 2 cái khó cố hữu làm cho doanh nghiệp sống lay lắt qua ngày”.

Bên tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tập đoàn Lộc Trời có nhà máy sản xuất phân hữu cơ Ân Thịnh Điền, nhưng hiện sản xuất cầm chừng dù cơ sở khá hoành tráng, bề thế.

bón 2
Những sản phẩm từ Nhà máy phân hữu cơ Vì Nông - Ảnh: Internet

Tại xã Vĩnh Viễn, khu nông nghiệp công nghệ cao TP.Cần Thơ có doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ Vì Nông. Doanh nghiệp này cũng đã vượt sóng để đi lên bằng sản phẩm phân bón hữu cơ với nhiều chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, xã Vĩnh Viễn là một vùng “rất sâu” của tỉnh Hậu Giang cũ, sản phẩm phải cạnh tranh với những đối thủ phân hữu cơ mạnh trên cả nước, trong khi nguồn lực về các mặt có hạn, nhất là tài chính, truyền thông giới thiệu sản phẩm.

Nói về khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ ở ĐBSCL, một giám đốc sở Nông nghiệp - Môi trường trong vùng cho rằng hiện nay xu thế sử dụng phân hữu cơ canh tác lúa và cây trồng tăng lên. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ sản xuất bởi các doanh nghiệp lớn trong nước đã nhiều, lại thêm phân bón hữu cơ nhập khẩu rất đa dạng. Doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ trong vùng luôn bị yếu thế, bởi vốn ít, truyền thông yếu, chưa phát triển và ứng dụng được khoa học công nghệ tiên tiến, ít người biết sản phẩm của họ; nông dân còn nghi ngờ về chất lượng sản phẩm… Đó là những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ tại ĐBSCL.

Văn Kim Khanh