Các công trình giao thông trọng điểm gặp khó do thiếu vật liệu xây dựng
Hiện nay vật liệu xây dựng, nhất là đá các loại, tại tỉnh Đồng Tháp và nhiều địa phương đang khan hiếm, sốt giá. Có những ý kiến cho rằng sốt vật liệu do quy định hạn chế khai thác đá để bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Có thể nói, lúc này tình trạng khan hiếm vật liệu đá nóng nhất, khi các công trình, dự án xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn tăng tốc sau khi sáp nhập tỉnh, ổn định bộ máy cấp xã, phường. Không chỉ khan hiếm, mà giá đá cũng tăng mạnh. Thời điểm này, các nhà thầu phải mua đá 0 x 4 do các doanh nghiệp chở từ miền Đông Nam Bộ về bán với giá trên dưới 570 nghìn đồng/m³, đá 1 x 2 giá gần 600 nghìn đồng/m³. Nếu so với bảng giá quy định khi dự thầu, thì giá đá hiện tại cao hơn rất nhiều. Dù biết thi công sẽ lỗ vốn, nhưng các doanh nghiệp buộc phải tìm mua vật liệu để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng với chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Thiên Phước tại xã Hội Cư, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Vật liệu đá bây giờ gần như tê liệt hết, đá 1 x 2 mà giá lên đến 600 nghìn đồng/m³; đá 0 x 4 tăng thêm hơn 300 nghìn đồng/m³. Hàng mua thì có nhưng rất chậm, phải nằm chờ tàu mười mấy ngày mới có. Nguồn cát vàng thì không bị ảnh hưởng nhiều, quan trọng là vật liệu đá thôi. Các đơn vị thi công giờ rất khó, phải chạy đôn chạy đáo mà chẳng biết chạy đâu. Phía cơ quan nhà nước thì tính trọn gói, trong khi giá đá cứ tăng. Ví dụ đá 1 x 2 đầu năm 2025 giá chỉ 320 - 350 nghìn đồng/m³ mà giờ lên gần 600 nghìn đồng, một khối đá tăng hơn 200 nghìn đồng. Theo giá cố định, nên nhà thầu năm nay thua lỗ, hết đường sống”.

- Còn ông Nguyễn Hữu Lợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Triệu Cang tại xã Long Hưng, tỉnh Đồng Tháp than thở: “Bây giờ mua vàng còn dễ hơn mua đá 0 x 4,lý do là đá khan hiếm, công trình chờ đợi lâu quá. Đá thì lên hằng ngày, có ngày lên 2 giá, lên 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng/khối liên tục, nếu so với tháng rồi giá đá lên từ 40 - 50 nghìn đồng/khối mà cũng không có. Công trình sẽ chậm tiến độ, việc này có thể chính phủ phải vào cuộc. Hôm trước, doanh nghiệp trúng thầu giá đá 320 nghìn đồng/khối, từ khi tôi khởi công đến nay gần 2 tháng, giá đá lên 480 nghìn đồng, tôi phải bù tiền.

- Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp, việc tìm được nguồn đá để cung cấp cho khách hàng cũng vô cùng khó khăn. Nhiều chuyến sà lan đến tận miền Đông Nam Bộ phải chờ gần 20 ngày mới có chút đá “nhỏ giọt” chở về, chỉ bán trong vài giờ đã cạn nguồn.
- Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện nhiều dự án xây dựng quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực giao thông trọng điểm do tỉnh làm chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, đang gặp khó khăn do thiếu đá, như: Dự án đường tỉnh 864, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, sắp tới là dự án nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, cùng nhiều công trình giao thông, dân dụng khác...
- Ông Trần Trí Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, hỗ trợ cung cấp nguồn vật liệu đá cho Đồng Tháp thực hiện các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn từ tháng 8 năm nay đến hết năm 2026, khoảng 321.000 mét khối đá các loại, nhằm chia sẻ khó khăn với các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

- Những khó khăn về vật liệu đá phục vụ ngành xây dựng tại tỉnh Đồng Tháp đang rất cấp thiết. Nhiều tỉnh có mỏ đá hạn chế khai thác do quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường (trước kia) và Bộ Nông nghiệp - Môi trường (nay) để bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hạn chế được sự khai thác tài nguyên, bảo vệ được môi trường, nhưng các công trình xây dựng, các địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án, nhất là các công trình giao thông quốc gia, lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chưa có lối thoát.