Bí mật Siêu Trí Tuệ: Meta đang âm thầm trở thành ông trùm AI
Meta Platforms dưới sự lãnh đạo của Mark Zuckerberg nổi lên với một chiến lược táo bạo: Thành lập nhóm “Siêu Trí Tuệ” (Meta Superintelligence Labs - MSL).
Thương vụ thâu tóm - hợp tác chiến lược mạnh tay từ Meta
Vụ đầu tư 14,3 tỷ USD để sở hữu 49% cổ phần của Scale AI - một trong những công ty dẫn đầu về gắn nhãn dữ liệu - giúp Meta tăng cường khả năng truy cập vào dữ liệu chất lượng cao và cơ sở hạ tầng đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Quy mô đầu tư này chiếm gần 10% tổng doanh thu dự kiến của Meta năm 2024 - chỉ sau thương vụ mua WhatsApp năm 2014.
Không chỉ có vậy. Sau vụ thâu tóm, CEO Scale AI - Alexandr Wang - được bổ nhiệm làm người đứng đầu MSL và vẫn giữ ghế trong hội đồng quản trị Scale AI.
Đầu tư vào Scale AI giúp Meta cải thiện đáng kể chất lượng dữ liệu gắn nhãn, từ đó giảm lỗi trong quá trình huấn luyện mô hình, nâng cao độ chính xác và hiệu năng của các sản phẩm AI mà Meta phát triển. Đây là bước đi quan trọng để củng cố khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ trong lĩnh vực AI ngày càng phát triển nhanh.
Bên cạnh đó, Meta còn liên tiếp tiếp cận và thương lượng với nhiều công ty AI tiềm năng khác và các nhà lãnh đạo trí tuệ nhân tạo hàng đầu tại Thung lũng Silicon, dù không phải tất cả đều thành công.
Siêu trí tuệ (Superintelligence) được hiểu là dạng trí tuệ nhân tạo có khả năng vượt qua năng lực con người trên hầu hết các lĩnh vực trí tuệ và sáng tạo. Khác với các mô hình học máy hiện tại, siêu trí tuệ có thể tự học, thích nghi và đưa ra quyết định phức tạp một cách độc lập, bao gồm cả sáng tạo và suy luận ở mức cao mà không cần can thiệp của con người.
Chiến dịch tuyển dụng nhân tài chưa từng có trong lịch sử
Thời gian qua, Meta đã thực hiện chiến dịch “săn đầu người” quy mô lớn, thu hút gần hai chục nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ OpenAI, Anthropic, Google DeepMind,... bằng cách đưa ra mức lương cùng những ưu đãi lên tới hàng trăm triệu USD cho mỗi cá nhân xuất sắc, vượt xa chuẩn mực của thị trường.
Những tên tuổi nổi bật dần lộ diện: Alexandr Wang (Scale AI), Nat Friedman (cựu CEO GitHub), các chuyên gia từ Apple và OpenAI… đã gia nhập đội ngũ siêu trí tuệ của Meta.
Thậm chí để bứt tốc tuyển dụng, Meta còn sẵn sàng bỏ qua những quy trình phỏng vấn mang tính truyền thống, trực tiếp mời các nhân tài để đảm bảo cho chiến lược Siêu trí tuệ AI được diễn ra đúng như mong đợi.
Chú trọng đầu tư vào hạ tầng siêu cụm AI
Meta sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD xây dựng các siêu cụm AI với công suất hàng gigawatt (GW). Dự án đầu tiên, Prometheus - một siêu cụm 1GW tại Ohio, dự kiến vận hành năm 2026 theo thông cáo của Meta ngày 5/7/2025, sẽ là cụm lớn nhất ngành hiện nay. Giai đoạn tiếp theo là Hyperion, với công suất lên đến 5GW và trung tâm dữ liệu rộng gần bằng Manhattan, hứa hẹn đột phá hạ tầng AI toàn cầu. Việc xây dựng trung tâm dữ liệu dạng “lều” tương tự mô hình “tent factory” của Tesla giúp rút ngắn thời gian triển khai và tối ưu nguồn lực.
Zuckerberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa tài nguyên tính toán dành cho mỗi nhà nghiên cứu, loại bỏ giới hạn phần cứng truyền thống, tối ưu hóa quá trình huấn luyện các mô hình AI siêu lớn để vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh. Meta áp dụng mô hình hạ tầng hybrid, vừa tự xây dựng vừa thuê ngoài, kết hợp dùng năng lượng tái tạo và khí tự nhiên nhằm đảm bảo hiệu quả và ổn định năng lượng cho siêu cụm.
Tầm nhìn của Siêu Trí Tuệ
Zuckerberg tuyên bố mục tiêu cốt lõi của Meta không chỉ là bắt kịp mà phải dẫn đầu - “đưa siêu trí tuệ đến với mọi người trên thế giới”. Nếu như các đối thủ tập trung vào AI cho doanh nghiệp, Meta hướng tới việc tích hợp AI vào đời sống hằng ngày, truyền thông, giáo dục và các mối quan hệ xã hội.
Zuckerberg tin rằng “siêu trí tuệ” có thể đạt được trong vài năm tới và Meta phải đặt cược nguồn lực, tổ chức lại toàn bộ các phòng ban AI để hướng tới mục tiêu này, thay vì những cải tiến rải rác như trước đây. Công ty cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ tinh nhuệ hơn là đội hình đông đảo; chỉ cần 50–70 kỹ sư AI hàng đầu đã đủ để định hình vận mệnh của toàn bộ dự án AI cốt lõi.
Nước đi này của Meta nếu thành công, sẽ không chỉ phá vỡ sự cân bằng của nhóm “7 kỳ quan công nghệ” mà còn đưa Meta bứt phá trở thành ông trùm dẫn đầu về AI trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, theo phân tích của SemiAnalysis tháng 6/2025 và Tạp chí IEEE Spectrum số 6/2025, chiến lược này cũng khiến Meta gặp phải những rào cản và thách thức lớn.
Trước hết, dễ nhận thấy hàng đầu là rủi ro về tài chính rất lớn. Đầu tư hàng trăm tỷ đô la xây dựng siêu cụm AI và tuyển dụng nhân tài trình độ cao có thể gây sức ép rất lớn lên dòng tiền, đặc biệt nếu kết quả thương mại hóa chậm hoặc không đạt kỳ vọng. Việc Reality Labs liên tục lỗ hơn 17 tỷ USD trong năm 2024 dựa trên báo cáo thường niên của Meta gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) nhấn mạnh rằng, các khoản đầu tư lớn vào công nghệ mới không phải lúc nào cũng đem lại thành quả tức thì, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm mà chưa tạo ra giá trị lợi nhuận bền vững.
Càng có nhu cầu cao về người tài, càng khó tuyển dụng và giữ chân họ. Thị trường AI toàn cầu đang cạnh tranh rất khốc liệt; không phải chỉ có Meta tham gia cuộc chiến "chiêu mộ" mà còn có các đại gia như Google, Microsoft, OpenAI, Anthropic… Các kỹ sư hàng đầu có quyền lựa chọn và nếu thiếu sự gắn kết nội bộ hoặc định hướng rõ ràng, Meta có thể đối diện với làn sóng nghỉ việc hoặc thất bại trong việc xây dựng đội ngũ toàn diện.
Dự án có sự rủi ro kỹ thuật quy mô lớn. Quá trình xây dựng, vận hành và liên kết các siêu cụm dữ liệu AI hàng gigawatt đặt ra bài toán cực kỳ phức tạp về đồng bộ hạ tầng, ổn định năng lượng và bảo mật dữ liệu. Mỗi lỗi kỹ thuật hoặc lựa chọn kiến trúc sai lầm đều có thể khiến Meta tụt lại phía sau trong cuộc đua AI.
Cuối cùng là sự không chắc chắn về triển vọng thương mại hóa. Khái niệm “siêu trí tuệ” hiện chưa có định nghĩa thống nhất trong cộng đồng khoa học. Việc đầu tư lớn nhưng thiếu sản phẩm /ứng dụng cụ thể khiến khả năng tạo dòng tiền trực tiếp không rõ ràng.