Văn hóa - Đời sống

Dùng AI để viết báo - con dao hai lưỡi treo trên ngòi bút

Tiểu Vũ 18/07/2025 20:10

Khi AI trở thành công cụ hỗ trợ sản xuất nội dung báo chí, tốc độ tăng lên, chi phí giảm đi, nhưng nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ đánh mất đạo đức nghề nghiệp và niềm tin độc giả là rất lớn.

AI đang hỗ trợ ngày càng sâu rộng trong hoạt động báo chí, từ gợi ý tiêu đề, tóm tắt tin, dịch nội dung cho tới phân tích dữ liệu và viết thô bản tin. Trong các tòa soạn hiện đại, AI được xem như một công cụ đắc lực, giúp tiết kiệm thời gian, giảm tải khâu kỹ thuật và mở ra cơ hội tiếp cận thông tin theo những cách mới mẻ. Ở mức độ vừa phải, việc ứng dụng AI có thể nâng cao năng suất, hỗ trợ tìm kiếm, phân tích và thậm chí gợi ý cách tiếp cận đề tài.

capture-20250717-143544.png
ChatGPT là công cụ AI hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực báo chí truyền thông - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, khi AI dần được xem là người viết chính, ranh giới giữa tiện ích và lệ thuộc trở nên mong manh. Chỉ với một cú nhấp chuột, vài dòng gợi ý, hàng ngàn chữ hiện ra với giọng văn trôi chảy, cấu trúc mạch lạc. Cảm giác “viết nhanh như gió” khiến không ít người ngộ nhận rằng có thể thay thế hoàn toàn con người trong quy trình sản xuất tin tức. Nhưng khi ngòi bút không còn được điều khiển bởi trải nghiệm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, điều chúng ta mất không chỉ là nghề viết mà còn là niềm tin.

Bài học rõ ràng nhất đến từ CNET - một trong những trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Tháng 11.2022, trang này triển khai thử nghiệm viết bài bằng AI cho chuyên mục tài chính. Trong số 77 bài được xuất bản, có tới 41 bài chứa lỗi nghiêm trọng: số liệu sai, nội dung chắp vá và nhiều đoạn bị phát hiện sao chép từ nguồn khác. Cụ thể, có bài khuyên người đọc thanh toán nợ tín dụng bằng khoản vay lãi suất cao hơn, có bài đưa ra thông tin sai về mức thu nhập trung bình tại Mỹ, hoặc diễn giải sai về công cụ tài chính cá nhân. Nhiều đoạn văn bị cho là đạo văn khi trích nguyên văn từ các nguồn không dẫn xuất xứ. Sự việc khiến dư luận phản ứng dữ dội. Các phóng viên trong tòa soạn lên tiếng, yêu cầu minh bạch quy trình và khẳng định vai trò không thể thay thế của nhà báo con người. Sau đó, CNET buộc phải dừng chương trình, sửa hàng loạt bài và rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm duyệt. Wikipedia thậm chí đã hạ mức độ tin cậy đối với CNET. Đây là một tổn thất kéo dài về uy tín của trang công nghệ nổi tiếng này.

Một tờ báo lớn khác của Mỹ là Sun Times đã phải gỡ bỏ toàn bộ chuyên đề sách mùa hè do AI biên soạn sau khi phát hiện hàng loạt sai sót nghiêm trọng. Nhiều tên sách và tên tác giả được giới thiệu hoàn toàn không tồn tại, thậm chí có tác phẩm bị gán nhầm cho những tên tuổi nổi tiếng, gây hiểu lầm và phẫn nộ trong giới xuất bản cũng như độc giả. Sau sự cố, tòa soạn buộc phải lên tiếng xin lỗi công khai, rà soát lại toàn bộ quy trình biên tập và tạm dừng sử dụng AI cho các nội dung chuyên đề. Trước đó không lâu, một phóng viên của Cody Enterprise cũng đã phải từ chức sau khi bị phát hiện sử dụng AI để tạo dựng một bài phỏng vấn nhân vật không có thật

screenshot_1641712706.png
AI trở thành trợ lý đắc lực hỗ trợ các nhà báo - Ảnh: Internet

Trước làn sóng ứng dụng AI đang lan rộng trên toàn cầu, báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Trong khoảng hai năm trở lại đây, nhiều tòa soạn bắt đầu triển khai các hình thức ứng dụng AI vào quy trình tác nghiệp. Một số báo sử dụng công cụ dịch tự động để biên dịch tài liệu nước ngoài, có nơi đưa vào hệ thống đọc bài bằng giọng tổng hợp, phát trên các nền tảng số. Nhiều đài truyền hình thử nghiệm MC ảo điều khiển bằng AI, kết hợp cùng trường quay ảo nhằm tối ưu hóa thời lượng sản xuất và phân phối bản tin.

Song song với đó, một số cơ quan báo chí lớn đã chủ động xây dựng hệ thống AI nội bộ, huấn luyện trên dữ liệu riêng thay vì phụ thuộc vào các nền tảng công cộng. Cách làm này giúp kiểm soát tốt hơn các rủi ro về sai sót nội dung, đạo văn và lệch ngữ nghĩa. Quan trọng hơn, nó vẫn giữ vai trò trung tâm của nhà báo trong chuỗi quy trình biên tập.

Chính các đơn vị tiên phong cũng thừa nhận rằng: AI dù mạnh đến đâu vẫn chỉ là công cụ. Chỉ có con người mới đủ năng lực để chọn lọc thông tin, đặt câu hỏi phản biện và diễn đạt nội dung một cách nhân văn, có chiều sâu. AI có thể hỗ trợ làm báo nhanh hơn. Nhưng chỉ nhà báo thật mới có thể làm báo tử tế hơn.

z6723932344226-59795c94f51b9819acbeff69d90869e2.jpg
Thảo luận về sử dụng AI trong các tòa soạn báo Việt Nam tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2025 - Ảnh: N.D

Dù báo chí Việt Nam hiện chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng nào liên quan đến AI, nhưng không thể xem đó là vùng an toàn tuyệt đối. Trong bối cảnh các tòa soạn bắt đầu thử nghiệm công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nội dung, nguy cơ xảy ra sai sót, thậm chí là khủng hoảng niềm tin, là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Những cảnh báo đã được nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra. Trong một hội thảo chuyên đề gần đây, PGS-TS Lưu Văn Quảng – Phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, nhấn mạnh: “Nếu không minh bạch với độc giả vai trò của AI, báo chí đang vận hành một hộp đen, nơi người đọc không thể biết đâu là thông tin do con người viết, đâu là kết quả của thuật toán”.

5688211_cover-mc.jpg
Nhiều tờ báo điện tử của Việt Nam dùng MC ảo trong các bản tin video - Ảnh: Internet

Việc sử dụng AI để hỗ trợ viết báo đang trở thành một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ, giúp tăng tốc độ sản xuất nội dung và mở rộng khả năng khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, khi phó mặc hoàn toàn cho máy móc, câu chuyện không còn đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà đã chạm đến ranh giới đạo đức nghề nghiệp. AI có thể tạo ra những bài viết trôi chảy, nhưng lại hoàn toàn thiếu năng lực chịu trách nhiệm. Vậy nếu một thông tin sai lệch được đăng tải và gây hậu quả, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Nhà báo, lập trình viên hay tòa soạn? Trong khoảng trống đó, người thiệt thòi đầu tiên luôn là bạn đọc, những người vẫn đặt niềm tin vào báo chí như một kênh cung cấp sự thật và chính trực.

TS Bùi Hoàng Thao - giảng viên Trường đại học Kỹ thuật hậu cần công an nhân dân, cảnh báo rằng nếu không có sự giám sát nghiêm ngặt, AI có thể vô tình tái tạo và khuếch đại những định kiến xã hội vốn đã tồn tại. Ông nhấn mạnh: “Thiếu minh bạch trong cách sử dụng AI sẽ khiến bạn đọc không còn khả năng phân biệt đâu là nội dung do con người viết và đâu là kết quả máy móc tự sinh ra”. Điều này đi ngược lại những nguyên tắc cốt lõi của báo chí, bao gồm tính khách quan, trung thực và công bằng.

Từ góc nhìn chiến lược, nhiều chuyên gia trong nước đều thống nhất rằng con người vẫn phải giữ vai trò trung tâm trong toàn bộ hoạt động báo chí. PGS-TS Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí và truyền thông, nhận định AI là một công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách và gắn với chiến lược phát triển bền vững, trong đó “giá trị báo chí là tâm điểm”.

Ông Nguyễn Anh Tú, người sáng lập trang tin tổng hợp Báo Mới, đưa ra quan điểm thực tiễn: "AI có thể hỗ trợ phân tích hành vi đọc và gợi ý nội dung, nhưng không thể thay thế biên tập viên trong việc xác định đâu là thông tin nên đăng và nên đăng như thế nào".

Ở chiều sâu hơn, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời nhắc mang tính triết lý: “Học công nghệ nhưng đừng quên nhân văn. Làm chủ công cụ nhưng không để công cụ làm chủ tư duy”.

Điều rõ ràng là nếu AI trở thành “phóng viên chính” trong tòa soạn, thì rủi ro không còn là điều giả định. Những lỗi sai về số liệu, đạo văn hay hư cấu nhân vật mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Mất mát lớn nhất chính là sự bào mòn niềm tin của công chúng đối với báo chí, tài sản quý giá nhất mà một tòa soạn phải giữ gìn và xây dựng mỗi ngày.

Không thể phủ nhận AI là một công cụ mạnh. Nhưng báo chí không chỉ là sản phẩm ngôn từ, mà còn là sự thẩm định, đạo đức và trách nhiệm xã hội. AI không thể đi họp báo, không thể nghe một nhân vật bật khóc qua điện thoại, không thể ngồi giữa hiện trường để cảm nhận sự phức tạp của không khí và truyền tải nó bằng câu chữ sao cho lay động. Một bài báo không chỉ cần đúng mà còn cần có hồn.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng báo chí cần hướng đến sự minh bạch trong việc sử dụng AI. Nếu công cụ này được đưa vào quy trình sản xuất nội dung, việc ghi chú rõ ràng trong bài viết là cần thiết để giữ lòng tin với độc giả. Ngoài ra, quy trình biên tập nên có cơ chế kiểm tra hai lớp, trong đó con người vẫn đóng vai trò then chốt trong việc xác minh, hiệu chỉnh và đánh giá giá trị thông tin. AI có thể là một trợ lý đắc lực, nhưng chỉ khi người làm báo chủ động làm chủ công nghệ, giữ vững vai trò trung tâm và không để ngòi bút bị cuốn theo lối viết do AI dẫn dắt.

Báo chí là nghề kể chuyện với trách nhiệm rõ ràng và sâu sắc. Trên hành trình chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, hỗ trợ kỹ thuật và rút ngắn quy trình tác nghiệp. Nhưng cây bút vẫn cần được giữ vững trong tay người viết, với trái tim chân thành và niềm tin trọn vẹn vào vai trò của báo chí trong đời sống. Chỉ con người mới có thể viết nên những câu chuyện chạm đến con người.

Tiểu Vũ