Ngân hàng số: Cần chiến lược đầu tư khôn ngoan để tránh 'bẫy chi phí công nghệ'
Ông Nguyễn Nhật Minh (Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng) cho rằng việc đầu tư công nghệ hiện đại đòi hỏi chi phí cao về mua sắm lẫn đào tạo nhân sự và duy trì hệ thống. Đây có thể trở thành gánh nặng lớn cho các ngân hàng nếu không có những chiến lược đúng đắn.
Chuyển đổi số ngân hàng - xu thế không thể đảo ngược
Những năm gần đây, làn sóng số hóa đã thay đổi sâu sắc ngành ngân hàng Việt Nam và công nghệ đang trở thành lợi thế cạnh tranh lớn trong lĩnh vực tài chính.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán VPbank, nếu như trước đây, chuyển đổi số trong ngân hàng chủ yếu xoay quanh việc đưa các giao dịch truyền thống lên nền tảng trực tuyến, thì giờ đây, các ngân hàng hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện. Ở đây, khách hàng không chỉ thực hiện giao dịch mà còn có thể quản lý tài sản, đầu tư và tiếp cận các dịch vụ cá nhân hóa ngay trên ứng dụng ngân hàng số.
Còn theo nghiên cứu của McKinsey, trong vài năm qua, chi tiêu công nghệ toàn cầu trong lĩnh vực ngân hàng đã tăng trung bình 9% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng doanh thu chỉ khoảng 4%.

McKinsey cho hay đầu tư cho công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng có thể chia làm 3 hạng mục chính:
Thứ nhất, đầu tư cho việc duy trì hoạt động ngân hàng, bao gồm các khoản chi cho việc vận hành hệ thống ngân hàng lõi, mạng, ứng dụng, bảo mật mạng… và cập nhật hệ thống định kỳ (khoảng 50 - 60%).
Thứ hai là đầu tư cho việc tuân thủ, là các khoản đầu tư công nghệ cần thiết để tuân thủ quy định pháp luật, giải quyết mối đe dọa an ninh, hoặc thay thế hệ thống lỗi thời để duy trì sự ổn định hoạt động (khoảng 10 - 15%).
Thứ ba là đầu tư công nghệ chiến lược, có thể kể đến như các sáng kiến chiến lược, định hướng tăng trưởng, được thực hiện để thúc đẩy đổi mới, cải thiện trải nghiệm khách hàng, hoặc nâng cao vị thế cạnh tranh (khoảng 25 - 35%).
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Nhật Minh, Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ công nghệ là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược trong ngành ngân hàng.
Theo ông Minh, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng có mục tiêu quan trọng nhất là kết nối hiệu quả giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với nhà nước, giữa ngân hàng với người dân và các đối tác xã hội.
Đó là nền tảng để góp phần phát triển chính phủ số, xã hội số, công dân số, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng là một trong những ngành, lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và chủ thể của sự phát triển.

Ông Minh đánh giá công nghệ đã giúp nâng cao hiệu quả vận hành thông qua tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian, từ đó tối ưu hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Ngoài ra, công nghệ số cũng mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi các chi nhánh truyền thống khó triển khai, từ đó giúp thực thi hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
“Công nghệ còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường bảo mật, với các giải pháp như xác thực sinh trắc học và mã hóa dữ liệu, giúp bảo vệ thông tin khách hàng và giảm thiểu rủi ro gian lận”, ông Minh nói.
TS Nguyễn Đình Dũng (Học viện Tài chính) đề cập đến 2 xu hướng phát triển chính của ngành ngân hàng. Đó là chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng truyền thống thông qua phát triển ngân hàng số (Digital banking) và kết nối chia sẻ dữ liệu qua sáng kiến ngân hàng mở (Open banking); sự tham gia của các công ty fintech, bigtech vào một phần hoạt động ngân hàng - tài chính.
“Trước đây, khách hàng phải mất thời gian đến tận chi nhánh ngân hàng để thực hiện, thì với ngân hàng số, khách hàng chỉ cần điện thoại thông minh, ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được rất nhiều dịch vụ”, ông Dũng nêu.
Thách thức lớn từ chi phí đầu tư và an ninh mạng
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, các chuyên gia cũng cho rằng ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ.

Theo ông Nguyễn Nhật Minh, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề an ninh mạng. Sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng, bao gồm lừa đảo trực tuyến và đánh cắp dữ liệu, đã đặt ra áp lực lớn đối với các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn thông tin.
Thách thức tiếp theo là việc thay đổi tư duy và văn hóa tổ chức để thích nghi với môi trường số hóa cũng là một rào cản, đặc biệt khi một bộ phận nhân sự còn thiếu kỹ năng số cần thiết để vận hành các công nghệ mới.
Cuối cùng, ông Minh cho rằng chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ, đặc biệt đối với các ngân hàng vừa và nhỏ, vốn có nguồn lực tài chính hạn chế.
“Việc triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại đòi hỏi không chỉ chi phí mua sắm phần mềm, phần cứng mà còn chi phí đào tạo nhân sự và duy trì hệ thống. Đây có thể trở thành gánh nặng lớn cho các ngân hàng nếu không có những chiến lược đúng đắn, kịp thời và hiệu quả”, ông Minh nêu.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư cho công nghệ, ông Minh cho rằng các ngân hàng nên tích cực nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các sáng kiến chiến lược, định hướng tăng trưởng, các công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tính cạnh tranh của ngân hàng (lên mức 35 - 45%); tối ưu hóa chi phí vận hành và từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư cho các công nghệ chỉ duy trì hoạt động ngân hàng.
“Cần xây dựng một khung quản trị rủi ro toàn diện, thành lập riêng các bộ phận chuyên quản trị rủi ro công nghệ, tích hợp các công cụ phân tích dữ liệu tiên tiến nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn”, ông Minh nói.
Ngoài ra, ông Minh cũng nhấn mạnh cần nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, đầu tư vào hạ tầng công nghệ an toàn. Lý do, với tốc độ chuyển đổi số ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay, ngày càng nhiều các nghiệp vụ của ngân hàng sẽ được tự động hóa trên quy mô lớn, và nếu rủi ro phát sinh trong quá trình vận hành các công nghệ này, hậu quả có thể lan truyền trong toàn hệ thống.