Vận hành chính quyền 2 cấp tại TP.HCM: Đưa robot vào hỗ trợ người dân
Nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số và tiết kiệm nhân lực, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Khánh (TP.HCM) đưa hai robot vào hỗ trợ các thao tác như lấy số thứ tự, quét mã QR, tra cứu thông tin...
Ngày 17.7, Vụ Địa phương 3 - Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức đoàn thực tế ghi nhận vận hành mô hình chính quyền 2 cấp tại 2 phường An Khánh và Cát Lái trên địa bàn TP.HCM.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Khánh (nằm trong trụ sở UBND phường An Khánh, TP.HCM - 171/1 Lương Định Của) lúc 8 giờ 30 sáng cùng ngày đã tấp nập người đến làm các thủ tục hành chính. Ngay cửa ra vào, nhân viên trung tâm đã túc trực mở cửa, niềm nở đón tiếp công dân, nắm bắt nhu cầu để hướng dẫn người dân đến đúng quầy cần giải quyết thủ tục.
Đặc biệt, ngay tại sảnh trung tâm, người dân cảm thấy thú vị khi robot đóng vai trò như một trợ lý hành chính điện tử, hỗ trợ toàn diện từ khi người dân đến lúc hoàn tất thủ tục như phát số thứ tự tự động, tư vấn quy trình bằng giọng nói hoặc màn hình cảm ứng, đặc biệt hỗ trợ đa ngôn ngữ.

Đến thực hiện thủ tục sao y giấy tờ, anh Tuấn Du (phường An Khánh) không khỏi bất ngờ khi được robot hướng dẫn lấy số thứ tự. “Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và chu đáo của các nhân viên, tôi đã sử dụng dễ dàng và thuần thục các thao tác mà không mất nhiều thời gian, việc làm các thủ tục hành chính cũng diễn ra nhanh gọn”, anh nói.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Phó chủ tịch UBND phường An Khánh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Khánh cho biết, hiện nay, việc giải quyết các loại hồ sơ thủ tục hành chính diễn ra rất thuận lợi. Trung tâm giải quyết song song cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Ngoài ra, các cán bộ và nhân viên trung tâm còn đến tận nhà dân để giải quyết hồ sơ khi người dân đặt lịch hẹn.
Để đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ cho người dân, các cán bộ và nhân viên còn làm việc ngoài giờ, ngay cả buổi trưa cũng thay ca để phục vụ người dân. Không những vậy, trung tâm còn trang bị hệ thống máy tính hiện đại, đảm bảo cấu hình cao, cùng hệ thống đường truyền internet, Wifi mạnh,… phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính thuận lợi.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, để tiết kiệm nhân lực, phường đưa hai robot vào hỗ trợ các thao tác như lấy số thứ tự, quét mã QR, tra cứu thông tin... Việc này giúp cán bộ có thêm thời gian xử lý chuyên môn, tạo sự thân thiện, thu hút và thuận tiện cho người dân. Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số, đồng thời giảm áp lực cho cán bộ, viên chức.
Đến UBND phường Cát Lái làm thủ tục hành chính, bà Hà Thị Lan (65 tuổi) tuy lớn tuổi nhưng rất thành thạo nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và chỉ cần đến UBND phường nhận kết quả. “Có dịp đi nhiều nước, tôi thấy dịch vụ công của Việt Nam tiến bộ hơn cả một số nước”, bà Lan chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND phường Cát Lái Võ Tấn Quang, sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền địa phương hai cấp, UBND phường tiếp nhận hơn 1.200 hồ sơ, 22% hồ sơ trực tuyến; số hồ sơ xử lý đúng hạn đạt tỷ lệ 100%. Thẩm quyền mới, trách nhiệm mới và khối lượng công việc mới đòi hỏi trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức nhiệm vụ phải đổi mới. Mỗi cán bộ, công chức phải sâu sát địa bàn hơn, nỗ lực nhiều hơn để thực hiện nhiệm vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Theo Chủ tịch UBND phường Cát Lái Võ Tấn Quan, do quy định Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công (thuộc UBND phường) là Phó chủ tịch UBND phường kiêm nhiệm nên trong quá trình xử lý hồ sơ có dấu hiệu quá tải do phải ký trung bình 100 hồ sơ/ngày. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến thời gian xử lý hồ sơ hành chính.
Để khắc phục, ông Quan kiến nghị trung ương, thành phố cho phép bố trí một nhân sự chuyên trách làm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường, đồng thời có cơ chế phân quyền, giao quyền để trung tâm phục vụ hành chính công giải quyết kịp thời hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất đúng với tinh thần lấy người dân làm trung tâm phục vụ.