Blockchain thay đổi diện mạo ngân hàng, giúp tăng lợi nhuận gấp 10 lần
Bài toán kinh tế của các ngân hàng trong thời đại số hiện nay không chỉ là chiến lược kinh doanh, mà việc đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ như AI, blockchain cũng trở thành vấn đề cốt lõi hình thành nên một ngân hàng số.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain đang là hai xu hướng công nghệ đột phá trong thời đại hiện nay. Các lĩnh vực không ngừng đẩy mạnh việc áp dụng hai xu hướng công nghệ này vào quy trình vận hành và sản xuất. Không ngoại lệ, ngành tài chính ngân hàng có sự thay đổi đáng kể và tạo ra nhiều cơ hội mới khi tích hợp AI, blockchain vào mô hình hoạt động và kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Blockchain đang ảnh hưởng lớn với ngành tài chính ngân hàng
- Ông có thể cho biết những xu hướng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam hiện nay?
- Ông Phan Đức Trung: Blockchain đang ảnh hưởng lớn với ngành tài chính ngân hàng. Ở Việt Nam, Luật Công nghệ Công nghệ số lần đầu tiên nói đến tài sản số là một trong những loại tài sản ứng dụng công nghệ blockchain. Trước đó, chúng ta chỉ nhắc đến công nghệ blockchain như một ứng dụng chuyển đổi số trong logistics, xác minh truy xuất nguồn gốc, còn ứng dụng vào ngành nghề chính như tiền ảo, lại là mặt trái.
Tuy nhiên, trên thế giới, blockchain đã là hoạt động nền tảng, như WeBank - một trong những ngân hàng số lớn nhất thế giới hiện nay. Họ ứng dụng nền tảng FISCO BCOS làm hệ thống lõi, cho phép thực hiện khoảng 200.000 giao dịch một giây. WeBank cũng đã tạo ra lợi nhuận trên mỗi nhân viên cao nhất thế giới, đạt 1,2 triệu USD/người so với mức trung bình của một nhân viên ngân hàng: 120.000 USD/người.
Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy blockchain tác động thế nào trong ngành tài chính ngân hàng.
- Blockchain đã thay đổi diện mạo của ngành ngân hàng như thế nào, thưa ông?
- Ông Phan Đức Trung: Tại Việt Nam, tôi nghĩ gần như chúng ta chưa nhìn thấy gì, cái tác động lớn nhất đến ngành tài chính ngân hàng chính là ứng dụng tài sản số. Tuy nhiên, blockchain là một nền tảng kết hợp với AI để tạo ra một sự thay đổi về diện mạo ngành ngân hàng, như trong hội thảo chia sẻ về nguồn nhân lực cho thấy những ngân hàng ứng dụng blockchain có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội gấp 10 lần ngành nghề khác, hoặc họ có thể thay đổi diện mạo, đi từ những cấu trúc là Banking as a Service phát triển toàn cầu mà không cần mở chi nhánh. Đây là xu hướng mà chúng ta thấy rất rõ.
"Ở đâu có internet thì nơi đó có dịch vụ ngân hàng"
- AI, Blockchain... có thực sự là mối đe dọa với nhân sự ngành ngân hàng hiện nay không nếu không có sự chuyển đổi trong việc tái đào tạo nguồn lực trong làn sóng chuyển đổi số hiện nay, thưa ông?
- Ông Phan Đức Trung: Tôi thấy thu nhập trên một nhân viên trung bình của ngành ngân hàng hiện nay đang ở mức thấp, đạt khoảng 39.000 USD/người, tất nhiên những ngân hàng ở phân khúc cao như Techcombank có thể đạt khoảng 80.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp nếu so với mức trung bình của thế giới là 120.000 USD/nguời.
Xu hướng cho thấy ứng dụng công nghệ vào ngành ngân hàng có thể giúp giảm thiểu rủi ro và thu nhập, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể.
Việc mở rộng mạng lưới không chỉ triển khai các chi nhánh vật lý mà có thể triển khai "ở đâu có internet thì nơi đó có dịch vụ ngân hàng".
Theo dự báo, năm 2030 sẽ có 85 triệu nhân viên ngân hàng mất việc và sẽ bổ sung việc làm mới cho khoảng 97 triệu nhân lực công nghệ trong ngành blockchain và AI, công nghệ số... Từ hai con số trên, mọi người có thể xác định được là mình sẽ ở nhóm nào, nhóm bị đào thải hay nhóm tăng cường thêm. Chưa kể, một dự báo nữa là khoảng 60 - 70% nhân lực ngành ngân hàng cần phải được đào tạo lại để nắm bắt quá trình chuyển đổi một ngân hàng số.
- Ông đánh giá thế nào về Diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ" trước bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay?
- Ông Phan Đức Trung: Tôi thấy Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ do Tạp chí Một Thế Giới tổ chức là một chủ đề rất tốt. Lâu nay, chúng ta nhìn nhận ngành tài chính ngân hàng chỉ qua con số lợi nhuận. Tất cả những kỳ vọng của thị trường tập trung vào giá trị vốn hóa, giá cổ phiếu, hoặc một số chỉ tiêu gắn với chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi nhìn một chỉ số lợi nhuận trên mỗi nhân viên, chúng ta sẽ thấy được gốc rễ của vấn đề: đó là làm sao để có thể tạo ra chỉ số đó? Và từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy mối liên hệ giữa nhân lực, công nghệ và sự phát triển của ngành ngân hàng.
- Xin cám ơn ông!