Kinh tế 4.0

Đổi mới tư duy đào tạo sẽ giải quyết được cơn khát nhân lực fintech

Tuyết Nhung 16/07/2025 18:40

Một trong những chiến lược giải "cơn khát" nguồn nhân lực chất lượng cao ngành ngân hàng là đổi mới trong tư duy đào tạo từ trên ghế nhà trường.

PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng, để cùng lắng nghe những chia sẻ tâm huyết và chiến lược phát triển dài hạn cho một trong những trụ cột quan trọng nhất của ngành Ngân hàng: Nguồn nhân lực chất lượng cao.

cc6caf49-9c26-46d6-b6d8-805a9a0040ed.jpeg
PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng

- Học viện Ngân hàng, với vai trò là một trong những trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngân hàng, có những thay đổi gì trong công tác tuyển sinh và đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới trước làn sóng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, thưa bà?

- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh: Học viện Ngân hàng là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Học viện Ngân hàng là trường đào tạo về kinh tế tài chính hàng đầu Việt Nam. Trước làn sóng công nghệ diễn ra mạnh mẽ trong các ngành nghề của nền kinh tế, là đơn vị đào tạo, Học viện Ngân hàng đã đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyển sinh và đào tạo để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội cũng như là cho ngành ngân hàng. Tôi ví dụ những nội dung liên quan đến đổi mới cụ thể là:

Chúng tôi đã xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng chuyên ngành và đa ngành. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào một ngành thì giờ là liên ngành, đa ngành kết nối rất lớn, như chương trình đào tạo về ngân hàng số, chương trình đào tạo về fintech, chương trình đào tạo về dữ liệu khoa học trong kinh tế, thương mại điện tử,...

Thứ nhất chúng tôi thực hiện chuyển đổi về các chương trình đào tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ vào các môn học, đồng thời chuẩn đầu ra của sinh viên ngân hàng hiện nay phải phù hợp với tiêu chuẩn của bối cảnh mới. Ví dụ chúng tôi chuẩn đầu ra về năng lực số ứng dụng.

Thứ hai là bên cạnh đào tạo về kiến thức lý thuyết thì chúng tôi tăng cường thực hành ứng dụng công nghệ vào liên ngành, đa ngành. Các bạn sinh viên sẽ được thực hành giả lập các mô hình ở trên lớp, ngoài ra thì các chuyên gia cũng đến trao đổi trực tiếp với sinh viên. Như vậy phương thức đào tạo, nội dung đào tạo, cách thức triển khai để đáp ứng theo tiêu chuẩn và nhu cầu đầu ra.

Với chương trình đào tạo thạc sĩ thì Học viện Ngân hàng là một trong những trường đầu tiên đưa ra chương trình đào tạo MBA trong lĩnh vực fintech. Đây là sự gắn kết giữa chuyên môn và công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Học viện Ngân hàng cũng rất chủ động đổi mới trong khung chương trình đào tạo. Chúng tôi đổi mới về môn học, nội dung môn học và thậm chí là đổi mới về chuẩn đầu ra, học viện đã áp dụng chuẩn đầu ra về năng lực số và năng lực số ứng dụng cho toàn bộ sinh viên bậc đại học và bắt đầu chương trình đào tạo từ năm 2021.

Với chuẩn đầu ra về năng lực số và năng lực số ứng dụng sẽ được xây dựng trên 4 trụ cột, đó là có thể ứng dụng được dịch vụ phần mềm về công nghệ thông tin có thể quản lý và phân phối các dữ liệu, có thể giao tiếp công tác trên môi trường số cũng như sử dụng năng lực số trong chuyên môn.

- Bà đánh giá thế nào về vai trò đào tạo chuyên sâu kỹ năng số và kiến thức fintech trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay? Học Viện Ngân hàng đang đào tạo mảng này thế nào?

- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh: Một trong những ngành cốt lõi được đào tạo ở Học viện Ngân hàng chính là công nghệ tài chính (fintech). Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành ngân hàng chịu tác động rất là lớn trong quá trình chuyển đổi này. Chính vì thế ngành ngân hàng có thể được coi là ngành đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số các nghiệp vụ chuyên môn, truyền thống của ngành ngân hàng.

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao thì chúng tôi đã áp dụng chuẩn đầu ra về ngân hàng số. Các môn học sẽ được gắn với thực hành công nghệ như môn ngân hàng số, ngân hàng thương mại, tín dụng ngân hàng. Trong đó, đều có một phương thức mới, ví dụ là digital bank là gì?, ngân hàng số là gì, tín dụng số là gì?...

Với fintech, hiện ngân hàng đang có chương trình đào tạo cử nhân về fintech, đào tạo thạc sĩ về fintech. Khi chúng tôi thực hiện đào tạo sẽ theo chuẩn quốc tế.

Việc đổi mới tư duy trong đào tạo ở nhà trường có thể mang lại thay đổi lớn về chất lượng nhân sự đầu ra, giúp giải cơn khát nhân lực chất lượng cao cho ngành fintech.

- Theo bà, nhân sự tại các ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu và yếu lĩnh vực nào nhất?

- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh: Trong thời gian vừa qua, các cơ sở đào tạo nhân lực đã có những bước chuyển đổi sao cho phù hơp với bối cảnh công nghệ mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng khối lượng nhân sự ngành ngân hàng rất lớn, nhiều người đã có kinh nghiệm hàng chục năm ở mảng mình làm nhưng ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh lại rất yếu.

Do vậy, thời gian tới tôi cho rằng việc tái đào tạo nhân sự ngành ngân hàng để sao cho có thể giúp nhân sự thích nghi được với bối cảnh mới là điều rất cần thiết.

- Học viện Ngân hàng cần làm gì để khắc phục những vấn đề trên, thưa bà?

- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh: Việc tái đào tạo là rất cần thiết. Học viện Ngân hàng không chỉ đào tạo năng lực số cho sinh viên mà ngay bản thân giảng viên cũng cần được đào tạo. Bản thân các giảng viên cũng được tập huấn các khóa đào tạo ứng dụng AI trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học.

- Bà đánh giá thế nào về Diễn đàn nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ hôm nay?

- PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh: Tôi cho rằng đây là chủ đề rất là hay vì trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang nói nhiều về tăng trưởng kinh tế, kỷ nguyên mới, làm thế nào để Việt Nam có thể bứt phá được trong tương lai... ở đó có nhiều yếu tố quan trọng nhưng theo tôi con người vẫn là yếu tố xuyên suốt và là trụ cột trong tất cả các giai đoạn phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.

- Xin cảm ơn bà.

Tuyết Nhung