Thứ trưởng Bộ KH-CN: Thợ hàn đã dịch chuyển kỹ năng của họ thành kỹ năng của robot
"Thăm tập đoàn Trường Hải, tôi thấy toàn bộ thợ hàn đứng đằng sau máy tính. Họ được đào tạo kỹ năng lập trình và điều khiển các cánh tay robot" - Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy chia sẻ.

Tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ. Câu chuyện thứ nhất là năm 2007, chúng tôi đến thăm một nhà máy thép lớn ở Nhật Bản, khi đến thăm bộ phận công nghệ thông tin của nhà máy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi được giới thiệu đây là bộ phận đông cán bộ nhất. Tại bộ phận này thì tất cả các vấn đề kĩ thuật đều được giải quyết bằng công nghệ thông tin. Sau đó họ mới đưa đi thăm bộ phận sản xuất của nhà máy. Phần sản xuất không có nhân viên, họ giải thích thép vào cán như thế nào, độ dày mỏng bao nhiêu, tất cả đều được giải quyết bằng đội ngũ phần mềm.
Chúng tôi bắt đầu hiểu ra nhân lực của nhà máy theo được dịch chuyển thành nhân lực công nghệ thông tin chứ không phải bằng những kỹ sư công nghệ thông tin nữa.
Câu chuyện thứ hai là gần chục năm trước chúng tôi đi thăm tập đoàn Trường Hải, toàn bộ thợ hàn đứng đằng sau máy tính. Họ chuyển dịch sang dùng robot, họ được đào tạo kỹ năng lập trình và điều khiển các cánh tay robot. Họ chuyển các kỹ năng của họ thành kỹ năng của các con robot. Đây là sự chuyển dịch nhân lực lao động rất rõ rệt và trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thấy tất cả các ngành mọi công việc đều chuyển dịch.
Câu chuyện thứ ba: tôi thường xuyên xem chương trình học Đại học của một số cháu học về ngành Business (Kinh doanh) ở Hà Lan, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng toàn bộ chương trình học Business có hơn 50% là lập trình. Toàn bộ chương trình từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, trên 50% đều là nội hàm của công nghệ thông tin. Qua đây tôi thấy là sự dịch chuyển vô cùng lớn, tất cả các môn học và các ngành nghề đều phải tích hợp kỹ năng số, kỹ năng phân tích dữ liệu, kể cả kỹ năng lập trình.
Toàn bộ công việc của chúng ta bây giờ đều thay đổi hoàn toàn, thay vì chăm sóc khách hàng trước đây trực tiếp thì bây giờ nghề chăm sóc khách hàng sẽ cần tư vấn về phần mềm, về hệ thống app lỗi như thế nào, sử dụng như thế nào. Rõ ràng đây là kỹ năng mới của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các nhân viên giao dịch bình thường trước xử lý về các kỹ năng nghiệp vụ thì bây giờ phải xử lý sự cố về phần mềm, sự cố khi chuyển nhầm tiền, bị lừa đảo.
Để đảm bảo về việc này thì sinh viên trong tương lai mà muốn vào ngân hàng thì phải hoàn thiện kỹ năng, nếu không hiểu về hệ thống số, về an ninh bảo mật thì không tư vấn được cho khách hàng. Khi nhu cầu nhân lực yêu cầu những kỹ năng đó mà các trường Đại học không thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo thì sẽ không có người đến học.
Đặc biệt là nhóm an ninh bảo mật, chúng ta thường suy nghĩ trước đây là về kỹ thuật, nhưng an ninh bảo mật ngày nay hiện hữu ngay trong câu chuyện sử dụng của chúng ta hằng ngày. Password, token, các kỹ năng nhận biết một cái sms, gửi mã OTP qua sms đều là đối tượng có thể bị tấn công bằng các công nghệ mới như các trạm phát sóng giả lập trung gian.
Trong xu thế công nghệ mới, Việt Nam bắt buộc phải phát triển công nghệ liên quan đến Fintech, tài sản số, blockchain, trí tuệ nhân tạo, phải đưa vào danh sách công nghệ chiến lược. Luật công nghệ số chính thức quy định các tài sản số.
Tôi đoán khối nghiệp vụ về tài chính kinh doanh cơ bản sẽ thay đổi kĩ năng bằng trí tuệ nhân tạo. Càng những người có nhiều tri thức sẽ càng dễ dàng bị thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nhóm nhân viên IT trong các ngân hàng thì bây giờ phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo.
Đó mới chỉ là những công nghệ chúng ta nhìn thấy trước mắt. Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời , chúng tôi dự báo là đến cuối năm thì đời công nghệ tiếp theo là Agentic AI, các sản phẩm sẽ được tung ra hàng loạt. Các hệ thống tiếp theo của AI sẽ là hệ thống chủ động, nó như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra sẽ còn xu thế máy tính lượng tử, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục.