‘Cha đẻ’ internet tại Việt Nam Mai Liêm Trực Kỳ 2: Việt Nam sẽ có sản phẩm AI mang thương hiệu toàn cầu
Trong cuộc trò chuyện với Một Thế Giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực bộc bạch nhiều trăn trở về thể chế, về nạn tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn.



- Sau rất nhiều cống hiến cho sự phát triển khoa học công nghệ, đến lúc này nền khoa học công nghệ nước ta còn điều gì khiến ông trăn trở, suy nghĩ?
- Ông Mai Liêm Trực: Điều tôi trăn trở là Việt Nam với dân số 100 triệu dân, đất nước ta tài nguyên còn nhiều, điều kiện thiên nhiên thuận lợi; trước đây nghèo khổ vì thuộc địa, chiến tranh, sau gần 40 năm đổi mới đã có cải thiện đáng kể; nhưng ngành khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa tạo được sản phẩm gì mang thương hiệu quốc tế.
Gần đây, Việt Nam có những doanh nghiệp như Viettel, tạo được thương hiệu ở 11 thị trường nước ngoài, nhưng cũng chỉ ở trong khuôn khổ chục nước đó thôi.
FPT cũng đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD về xuất khẩu phần mềm, cũng là tiến bộ, nhưng so với các doanh nghiệp lớn trên thế giới thì còn khoảng cách quá xa.
Có lẽ thương hiệu Việt nổi tiếng bậc nhất thế giới chỉ có phở. Còn những sản phẩm đặc hiệu Việt Nam chưa có.
Tôi hy vọng trong khoảng 5 - 10 năm tới trong cuộc chuyển mình này, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới, có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Không chỉ khoa học công nghệ, mà cả trong những ngành nông nghiệp, giống gì của Việt Nam vươn ra thành giống của thế giới; sản phẩm gì của Việt Nam là sản phẩm đặc hiệu trên toàn cầu, mà nói đến nó là nói đến Việt Nam. Đất nước ta xứng đáng có những thương hiệu như vậy.

- Ông mong muốn sản phẩm nào sẽ mang thương hiệu Việt Nam trên thế giới?
- Ông Mai Liêm Trực: Đây là câu hỏi khó! Nhưng tôi nghĩ là về AI, Việt Nam có thể có trong 5 - 10 năm nữa. Bởi lẽ đi vào công nghệ phần cứng truyền thống như trước đây, Việt Nam gần như không có. Không có công nghiệp cơ khí hiện đại, công nghiệp hỗ trợ còn yếu, nhưng công nghệ phần mềm, công nghiệp trí tuệ mình làm tốt, bắt đầu có thứ hạng trên thế giới, mà AI dựa rất nhiều công nghệ phần mềm.
Có thể Việt Nam sẽ là trung tâm của khu vực về AI. Tôi đã chia sẻ quan điểm này với một số nhà khoa học, một số doanh nghiệp và họ cũng có ước mơ đó.
- Đúng là lúc này, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được nhắc tới rất nhiều. Có người bảo “AI không thay thế con người nhưng nếu con người không biết AI thì sẽ bị thay thế”. Ông nhìn nhận ra sao về việc đưa AI vào dạy học trong nhà trường, từ cấp tiểu học?
- Ông Mai Liêm Trực: Sức mạnh của AI, tác động mạnh của AI trong đời sống xã hội là không còn phải bàn cãi và nhiều nước đã đưa AI vào dạy trong các cấp học ở nhà trường. Người ta bảo “AI không thay thế con người nhưng nếu con người không biết AI thì sẽ bị thay thế” là hoàn toàn đúng.
Về mặt ứng dụng công nghệ thông tin, thời xưa đi làm việc phải có cây bút, thời kỳ đầu của internet đi làm việc phải biết sử dụng vi tính, thì bây giờ, ở giai đoạn 2 phát triển internet, đi làm việc phải có AI. AI làm trợ lý cho con người rất tốt, nó trở thành một công cụ tốt giống như cây bút, máy tính trước đây.
Theo một số liệu thống kê, 70% người dùng internet của Việt Nam hiện nay, khi vào chỗ làm việc, người ta đã phải sử dụng AI, không biết là không được!
AI khác những công nghệ khác là ở chỗ nó phát triển tư duy. Các công nghệ khác chủ yếu là thay đổi lao động chân tay của con người; còn AI thay đổi một phần lao động trí óc của con người. AI không thay được toàn bộ con người vì nó không có cảm giác, không có cảm xúc. Trong làm ăn, giao tiếp khách hàng, khách hàng vẫn muốn giao tiếp với con người trực tiếp. Bệnh nhân cũng cần những lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ chứ không phải nói chuyện với cái máy…
Vậy nên, cho học sinh học AI từ cấp tiểu học là một điều cần thiết, giúp phát triển tư duy từ nhỏ, tạo ra đam mê, điều đó rất quan trọng. Với đam mê kiến thức, trí tuệ, cùng tư duy phát triển, các em khi trưởng thành sẽ là con người thành đạt, con người nắm được tương lai. Tôi rất ủng hộ, khuyến khích đưa AI vào trường học.

- Cùng với việc tiếp cận công nghệ rất sớm, một bộ phận không nhỏ các em lại bị cuốn vào các nội dung giải trí vô bổ, thậm chí độc hại. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của nhà quản lý và cộng đồng trong việc định hướng, “dẫn đường” cho thế hệ trẻ?
- Ông Mai Liêm Trực: Khi đưa internet vào Việt Nam, chúng tôi đã phải báo cáo giải trình với Bộ Chính trị những giải pháp ngăn chặn thông tin độc hại, bảo vệ bí mật quốc gia. Không những Việt Nam và các nước trên thế giới đều phải đối mặt với điều này và mỗi nước có một cách quản lý và hạn chế tiêu cực.
Đặc biệt lúc này cùng với internet, AI cũng rất dễ bị lạm dụng, lừa đảo. Và các khung pháp lý, khung đạo đức và các hướng dẫn trong giáo dục đào tạo con người là vô cùng quan trọng.
Những giải pháp kỹ thuật là có, AI cũng tạo nên được giải pháp ngăn chặn lừa đảo từ chính AI. Theo tôi, vẫn là 3 giải pháp. Thứ nhất là các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để hạn chế lạm dụng như trong internet có chống hacker, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ mạng, bức tường lửa. Thứ hai là những hành lang pháp lý, quy chế tiếp cận. Mỗi nước có một cách tiếp cận khác nhau, có khung pháp lý, khung đạo đức khác nhau. Ở Việt Nam, rất tiếc là chưa có khung pháp lý, khung đạo đức chung về AI. Thứ ba là tuyên truyền giáo dục, đào tạo, hướng dẫn. Internet lúc đầu vào Việt Nam tôi cũng lo lắm, nhiều em nằm ngủ ở quán net để chat, chơi game, nhiều gia đình lao đao.
Nhưng dần dần, cùng với sự phát triển, các bạn trẻ có chơi game suốt ngày đâu và lúc này vào mạng để xem Tiktok, Youtube. Ở góc độ khác, tôi thấy chơi game cũng có cái tốt, nhiều cháu trưởng thành nhờ chơi game đó!
.jpg)

- Trong một cuộc họp sơ kết việc triển khai Nghị quyết 57 gần đây, người ta tổng kết rằng trong số 600 việc phải làm thì các cấp, các ngành mới làm được 103 việc. Còn lại gần 500 việc đang bị nghẽn, mà các mục tiêu đặt ra đều cao và phải làm thật nhanh. Theo ông phải gỡ những điểm nghẽn này như thế nào cho nhanh nhất?
- Ông Mai Liêm Trực: Thứ nhất, điểm nghẽn này là do sức mạnh nội tại của các đơn vị làm việc trực tiếp, kể cả Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông trước đây, hay các ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. Nhưng cái quan trọng hơn là nếu thể chế chưa thay đổi thì chưa thể làm được.
Cải cách tinh gọn bộ máy như là tạo dựng được một chiếc xe tốt, hiện đại, đầy đủ tính năng. Nhưng xe muốn chạy nhanh không gây tai nạn thì đường sá phải thông thoáng, luật lệ giao thông phải rõ ràng, và lái xe phải vững tay, tay nghề phải giỏi.
Thể chế, các luật chơi công khai, minh bạch, thuận lợi, hành lang pháp lý thông thoáng thì “xe” mới chạy nhanh được. Chứ nhiều ổ gà quá, “xe” không chạy nổi.
Đứng về phía các doanh nghiệp tư nhân, tôi biết họ có khát vọng rất lớn. Thế hệ trẻ của mình giỏi lắm! Nhưng thể chế của mình chưa minh bạch nên người ta rất ngại.
Tôi thấy các nghị quyết thời gian qua rất đúng, tạo điều kiện cho sự phát triển. Cùng với Nghị quyết 57 là Nghị quyết 66 thay đổi về thể chế, Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, Nghị quyết 18 tinh gọn sắp xếp lại bộ máy. Công việc này đáng lý chúng ta cần làm từ năm 2016 khi công nghệ cách mạng lần thứ 4 vào Việt Nam. Đến nay chúng ta mới chuyển mình là hơi chậm, lỡ mất 8 - 9 năm, vậy nên “vừa chạy vừa phải xếp hàng”.
Tôi cho rằng 5 năm sắp tới, từ 2026 đến 2030 có ý nghĩa quyết định. Nếu chúng ta không có những bước chuyển cơ bản, không tạo đủ đà thì không thể đạt được mục tiêu năm 2045.

- Các nhà khoa học có tiền mà không tiêu được vì những thủ tục pháp lý quá rườm rà cũng là một điểm nghẽn. Nguyên là một nhà khoa học và cũng là một nhà quản lý, ông đề xuất gì để các nhà khoa học có thể tiêu tiền cho khoa học?
- Ông Mai Liêm Trực: Đây là điểm nghẽn về cơ chế, cụ thể chính là luật ngân sách nhà nước. Tiền chi cho khoa học công nghệ theo luật ngân sách. Tôi đề xuất là chuyển sang hình thức quỹ - Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Lúc đó thủ tục sẽ khác. Thay đổi cách thức quản lý nguồn ngân sách ấy thì mới có thể thuận lợi giải ngân được.
Tiếp theo là phải chấp nhận rủi ro. Nếu yêu cầu theo luật ngân sách là chi cho từng công trình, từng đề tài phải có hiệu quả kinh tế, không có hiệu quả coi như thất thoát. Vậy thì ai dám làm?
Một điểm nữa là phân bổ ngân sách, phân bổ quỹ này phải hợp lý hơn. Lâu nay phân rải cho các địa phương, các bộ ngành chủ yếu theo đề tài, không có hiệu quả. Bây giờ quản lý quỹ phải theo các dự án và có sự tập trung nhất định.
Ví dụ về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thì phải thấy lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân, nhà nước không phải đầu tư vào đó nhiều.
Nhà nước đầu tư phòng thí nghiệm cho các trường đại học. Các trường đại học lâu nay học chay nhiều, nghiên cứu ít; trong khi các viện lại chới với lo đề tài. Chúng ta cần kết hợp lại, giúp các trường thành các trung tâm nghiên cứu chứ không chỉ có dạy học. Các chính sách phải thay đổi thì mới tiêu được tiền của quỹ.

- Nghị quyết 57 cũng kêu gọi và cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp mạnh dạn tham gia vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Với kinh nghiệm của ông, một tổ chức như Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam có thể tham gia vào sự nghiệp này như thế nào để đạt được hiệu quả?
- Ông Mai Liêm Trực: Đứng về quản trị quốc gia thì các tổ chức, hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong quản lý xã hội, gánh đỡ một phần cho quản lý nhà nước. Trong trường hợp cụ thể là Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (VASTI) - nơi tập hợp được ý kiến các nhà khoa học với nguồn dữ liệu thông tin rất lớn - có thể tham mưu về chính sách, đóng góp nhiều ý kiến, thậm chí là phản biện cho các nghị quyết như Nghị quyết 57.
Nhà nước, ngoài việc phân cấp phân quyền từ trên xuống dưới, nên chuyển một số vai trò cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nói cách khác là giao việc nhiều hơn cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Điều này tốt, huy động được sức dân.
Tôi ví dụ như trong bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang làm tốt chứ! VFF không lấy ngân sách nhà nước mà toàn huy động từ xã hội. Hồi trước cứ đưa quan chức vào làm Chủ tịch VFF và tôi cũng từng làm. Bây giờ cứ để cho những người làm bóng đá thực sự, họ làm rất tốt.

- Nếu cần gửi một thông điệp đến thế hệ trẻ đang học tập và làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở Việt Nam, ông sẽ nói gì?
- Ông Mai Liêm Trực: Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của chiến tranh, bao cấp, sau này may mắn tiếp cận vào thời kỳ đổi mới. Với sự dấn thân, ham học hỏi mà mình có đóng góp nhất định, cả trong chiến tranh và thời bình.
Đóng góp chủ yếu của thế hệ chúng tôi là nỗ lực đưa những cái gì hay, hiện đại nhất của thế giới về Việt Nam. Từ công nghệ, dịch vụ, thông tin vệ tinh, di động, internet… Tôi nghĩ đó là sứ mệnh, nhờ dấn thân, ham học hỏi nên cũng đã tham gia vào quá trình đổi mới của đất nước. Nhưng điều đó chỉ giúp Việt Nam thoát nghèo và phát triển ở mức trung bình. Bởi dù gì đó cũng là đi mang của thế giới về.
Trong cuộc chuyển mình của đất nước lần này, tôi hy vọng và tin tưởng thế hệ trẻ Việt Nam không những đưa được cái hay của thế giới về nước, mà còn kiến tạo nên những giá trị của Việt Nam, những sản phẩm, dịch vụ, công trình khoa học công nghệ, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Chỉ khi đó, Việt Nam mới gọi là “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Lúc đó đất nước mới giàu mạnh, văn minh.
- Muốn đáp ứng được kỳ vọng của thế hệ đi trước, giới trẻ Việt Nam phải trau dồi thêm những điều gì, thưa ông?
- Ông Mai Liêm Trực: Tôi được học trong trường học sinh miền Nam, ở tập thể nội trú suốt 8 - 9 năm. Hồi đó, Bác Hồ đến thăm nhiều lần, được các thầy cô dạy: Thứ nhất là tính trung thực, thứ hai là lòng biết ơn, thứ ba là ý thức tập thể và thứ tư là tinh thần dấn thân trong công việc. Đó là những phẩm chất mà tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ hiện nay cần được chú trọng đào tạo và rèn luyện. Cùng với đó, thông thạo ngoại ngữ cũng rất quan trọng.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn. Xin chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ Việt Nam.