Trung Quốc trình diễn sức mạnh pháo binh công nghệ cao ở vùng núi
Quân đội Trung Quốc gần đây đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật trên vùng núi cao với hệ thống lựu pháo tự hành bánh lốp PCL-181 cỡ nòng 155mm, do một trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh quân khu Tân Cương vận hành.
Theo Army Recognition, diễn ra trong điều kiện địa hình hiểm trở, không khí loãng và thời tiết lạnh giá, cuộc diễn tập đã thể hiện rõ khả năng bắn chính xác, cơ động cao và phản ứng nhanh của hệ thống pháo binh thế hệ mới này trong môi trường khắc nghiệt.
Cuộc tập trận cũng là minh chứng cho định hướng hiện đại hóa lực lượng pháo binh của quân đội Trung Quốc (PLA), tập trung vào các hệ thống cơ động, kỹ thuật số và có khả năng triển khai nhanh tại các khu vực biên giới nhạy cảm, đặc biệt là vùng núi cao có tranh chấp.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của PCL-181 là khả năng cơ động vượt trội. Được thiết kế trên khung gầm bánh lốp, pháo có thể đạt tốc độ di chuyển hơn 90km/giờ và có tầm hoạt động lên tới 600km, cho phép nhanh chóng triển khai qua đường bộ mà không cần sự hỗ trợ hậu cần phức tạp như các hệ thống pháo bánh xích nặng hơn.
PCL-181 mang theo 27 viên đạn và có tốc độ bắn từ 4 - 6 viên/phút nhờ cơ chế nạp đạn bán tự động, giúp giảm áp lực cho kíp pháo thủ và tăng tốc độ khai hỏa. Hệ thống này đặc biệt phù hợp với chiến thuật “bắn rồi di chuyển”, tối ưu hóa khả năng sống sót trên chiến trường trước các cuộc phản pháo của đối phương.
Trong cuộc tập trận gần đây, PCL-181 đã thực hiện tấn công các mục tiêu ở nhiều độ cao và khoảng cách khác nhau. Các thông số bắn được tính toán dựa trên dữ liệu kỹ thuật số thời gian thực từ các thiết bị trinh sát và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp ngay trên xe. Mặc dù tác chiến ở độ cao lớn, với nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và độ dốc phức tạp, hệ thống vẫn duy trì độ chính xác và ổn định cao, chứng minh khả năng hoạt động hiệu quả trong điều kiện mà các hệ thống pháo truyền thống thường mất hiệu năng.
Việc triển khai PCL-181 tại khu vực Tân Cương không chỉ là hoạt động huấn luyện kỹ thuật mà còn phản ánh chiến lược quân sự rõ ràng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng vẫn âm ỉ ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) với Ấn Độ.
Sự kiện đụng độ tại thung lũng Galwan vào năm 2020 đã bộc lộ điểm yếu trong khả năng triển khai hỏa lực cơ động của Trung Quốc tại khu vực biên giới núi cao. Chính vì vậy, PCL-181 được xem là giải pháp lý tưởng để lấp đầy khoảng trống đó: khung gầm bánh lốp giúp dễ dàng di chuyển đến các đồn biên phòng hẻo lánh hoặc khu vực có địa hình khó tiếp cận, điều mà các loại pháo kéo hoặc xe bánh xích gặp nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang củng cố lực lượng tại dãy Himalaya bằng các hệ thống pháo, phòng không và giám sát tầm xa, việc PLA đưa PCL-181 vào biên chế thể hiện nỗ lực rõ ràng nhằm nâng cao ưu thế chiến thuật và chiến lược tại những khu vực nhạy cảm.
Việc tích hợp hệ thống này vào kiến trúc tác chiến lấy mạng làm trung tâm cho thấy PLA đang chuyển hướng sang mô hình chiến đấu liên hợp hiện đại, nơi pháo binh không còn hoạt động đơn lẻ mà liên kết chặt chẽ với UAV, cảm biến từ xa và hệ thống điều khiển kỹ thuật số. Thậm chí, PCL-181 có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự Y-20, giúp triển khai nhanh đến các vùng khủng hoảng hoặc tiếp viện khẩn cấp.
Với khả năng tác chiến trên cao nguyên, cơ động linh hoạt, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và độ chính xác cao, PCL-181 không chỉ là một khẩu pháo thông thường mà đang trở thành nòng cốt trong tư duy pháo binh mới của PLA.