LHQ: Đối phó deepfake là một trong những thách thức lớn nhất, cần các công cụ AI tiên tiến
Các công ty cần sử dụng các công cụ tiên tiến để phát hiện và loại bỏ thông tin sai lệch lẫn nội dung deepfake nhằm đối phó với rủi ro ngày càng gia tăng về can thiệp bầu cử và gian lận tài chính, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi trong một báo cáo công bố hôm 11.7.
Theo ITU, các deepfake như hình ảnh và video do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, cùng với âm thanh bắt chước người thật thuyết phục, đang gây ra những rủi ro ngày càng lớn. Báo cáo này được công bố tại hội nghị AI for Good Summit (AI vì lợi ích nhân loại) được tổ chức ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
ITU kêu gọi thiết lập các tiêu chuẩn mạnh mẽ để chống lại nội dung đa phương tiện bị thao túng và khuyến nghị các nền tảng phân phối nội dung, chẳng hạn mạng xã hội, nên sử dụng công cụ xác minh kỹ thuật số để kiểm chứng hình ảnh và video trước khi chia sẻ.

“Niềm tin vào mạng xã hội đã giảm mạnh vì nhiều người không biết đâu là thật đâu là giả”, ông Bilel Jamoussi, Trưởng bộ phận Nhóm nghiên cứu tại Cục Tiêu chuẩn hóa của ITU, nhận định. Ông cho rằng việc đối phó với deepfake là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay do khả năng tạo ra nội dung chân thực đến mức khó phân biệt của AI tạo sinh.
Ông Leonard Rosenthol, chuyên gia từ Adobe (hãng phần mềm chỉnh sửa kỹ thuật số đi đầu trong việc đối phó với deepfake từ năm 2019), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác minh nguồn gốc nội dung kỹ thuật số nhằm giúp người dùng đánh giá mức độ đáng tin cậy của chúng.
“Chúng ta cần nhiều nền tảng mà người dùng tiếp nhận nội dung phải hiển thị thông tin này… Khi lướt qua các bài đăng, bạn muốn biết: Tôi có thể tin vào hình ảnh, video này không?”, Leonard Rosenthol nói.
“Chưa có cơ quan giám sát quốc tế chuyên phát hiện nội dung bị thao túng”
Tiến sĩ Farzaneh Badiei, người sáng lập công ty nghiên cứu quản trị kỹ thuật số Digital Medusa (Mỹ), nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận toàn cầu với vấn đề này, vì hiện nay chưa có cơ quan giám sát quốc tế nào chuyên về việc phát hiện nội dung bị thao túng.
“Nếu chúng ta chỉ có những tiêu chuẩn và giải pháp rời rạc thì deepfake gây hại sẽ càng dễ phát huy hiệu quả”, bà nói với Reuters.
ITU đang phát triển các tiêu chuẩn cho việc đánh dấu bản quyền video để nhúng dữ liệu về nguồn gốc như danh tính người tạo và dấu thời gian. Video hiện chiếm tới 80% lưu lượng internet.
Ông Tomaz Levak, người sáng lập công ty Umanitek (Thụy Sĩ), kêu gọi khu vực tư nhân chủ động triển khai các biện pháp an toàn và nâng cao nhận thức người dùng.
“AI sẽ chỉ ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn… Chúng ta cần nâng cấp kỹ năng cho người dân để đảm bảo họ không trở thành nạn nhân của các hệ thống này”, ông nói.
BRICS thúc đẩy Liên Hợp Quốc dẫn đầu thiết lập các quy tắc toàn cầu cho AI
Cách đây vài ngày, trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi những biện pháp bảo vệ chống lại việc sử dụng AI trái phép để thu thập dữ liệu quá mức, theo hãng tin Reuters.
Nhiều hãng công nghệ lớn, chủ yếu có trụ sở tại những quốc gia giàu có, đã chống lại các lời kêu gọi trả phí bản quyền cho tài liệu được sử dụng để đào tạo mô hình AI.
BRICS ra đời năm 2009, ban đầu gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi. Tên của nhóm cũng là tên viết tắt theo chữ cái đầu trong tên tiếng Anh các nước trên.
Gần đây, BRICS đã mở rộng thêm, gồm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và UAE.
Việt Nam, Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan là các nước đối tác của BRICS.
Các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua một tuyên bố mới kêu gọi Liên Hợp Quốc dẫn đầu trong việc thiết lập những quy tắc toàn cầu cho AI, lập luận rằng công nghệ phát triển nhanh chóng này không được làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tuyên bố chung mô tả AI là một "cơ hội có một không hai" để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, đổi mới và bền vững nhưng cảnh báo rằng nếu không có cơ chế quản trị công bằng, công nghệ này có thể làm gia tăng thêm khoảng cách kỹ thuật số.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng với những chuyển đổi nhanh chóng do công nghệ mang lại, việc phát triển "các thông số kỹ thuật và giao thức" có sự tham gia của khu vực công và các cơ quan Liên Hợp Quốc là điều bắt buộc để đảm bảo "sự tin cậy, khả năng tương tác, bảo mật và độ tin cậy" trên những nền tảng và ứng dụng được hỗ trợ bởi AI khác nhau.
“Chúng ta phải ngăn chặn việc sử dụng các quy trình thiết lập tiêu chuẩn như rào cản gia nhập thị trường với các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế đang phát triển”, các lãnh đạo BRICS tuyên bố.
Họ cũng đưa ra các hướng dẫn tự nguyện về việc phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm, chỉ trong các lĩnh vực phi quân sự. Các lãnh đạo BRICS yêu cầu tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu, phải có quyền tiếp cận bình đẳng với công nghệ AI, dữ liệu và năng lực nghiên cứu.

Ngoài ra, tuyên bố kêu gọi hợp tác mã nguồn mở, bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số, cạnh tranh công bằng trên thị trường AI và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà không cản trở việc chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo hơn. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của BRICS trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ chuyển đổi kinh tế sang giảm phát thải khí nhà kính.
"Những lợi ích của AI với sự phát triển bền vững phải được liên tục thúc đẩy. Chúng tôi sẽ tập trung vào các sáng kiến nghiên cứu, phát triển và đổi mới nhằm thúc đẩy, củng cố năng lực và khát vọng công nghệ tại địa phương, đồng thời thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các nước phát triển và đang phát triển", theo tuyên bố.
Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva nói riêng rằng tuyên bố này đã được tất cả thành viên chính thức của BRICS nhất trí thông qua. Malaysia, Bolivia và Cuba, những quốc gia đối tác của BRICS, cũng ủng hộ sáng kiến này.
Trước đó, ông Luiz Inacio Lula da Silva gọi văn bản này là một "thông điệp rõ ràng và dứt khoát" về vấn đề AI. Trong một phiên họp về tăng cường hợp tác đa phương, Tổng thống Brazil nói rằng các công nghệ mới như AI phải được quản trị bởi "một mô hình công bằng, toàn diện và bình đẳng".
"Sự phát triển AI không thể trở thành đặc quyền của vài quốc gia hoặc một công cụ thao túng trong tay các tỷ phú, nhưng cũng không thể đạt được tiến bộ nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự", ông nói.
Văn bản mới được đưa ra trong bối cảnh một thỏa thuận rộng lớn hơn về AI có sự tham gia của Mỹ, nhiều đồng minh của nước này và Trung Quốc vẫn bế tắc, ngay cả khi Mỹ đang thúc đẩy các quy tắc riêng về cách quân đội nên sử dụng AI.
Vào tháng 2, các nhà lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia đã tập trung tại Paris (thủ đô Pháp) để thông qua "Tuyên bố về AI toàn diện và bền vững", trong đó kêu gọi phát triển AI phải cởi mở, minh bạch, an toàn cho con người và hành tinh.
Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu và sự hậu thuẫn từ Trung Quốc lẫn Ấn Độ, nhưng Mỹ và Anh đã từ chối ký. Mỹ cùng Anh cho rằng văn bản này không giải quyết được những vấn đề an ninh quốc gia quan trọng và có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới bằng các quy định nặng nề.
Hội nghị ở Paris tiếp nối một sáng kiến trước đó do Mỹ dẫn đầu nhằm mục đích cụ thể là hạn chế việc sử dụng AI trong các hoạt động quân sự. Công bố tại The Hague (Hà Lan) vào năm 2023 và được hàng chục đồng minh với Mỹ ủng hộ, "Tuyên bố chính trị về sử dụng AI có trách nhiệm trong quân sự" đã đặt ra các hướng dẫn tự nguyện về cách các quốc gia phát triển và triển khai những hệ thống AI tự hành động trong chiến tranh.
Trung Quốc đã từ chối ủng hộ nỗ lực đó và thúc đẩy tầm nhìn riêng của mình về quản trị AI thông qua Liên Hợp Quốc. Đây là một nghị quyết thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với công nghệ AI đã được thông qua vào năm ngoái với sự ủng hộ rộng rãi, gồm cả từ Mỹ.
Tranh giành ảnh hưởng và thiết lập tiêu chuẩn
Các tuyên bố trên nhấn mạnh cách công nghệ phát triển nhanh chóng như AI trở thành một đấu trường khác để tranh giành ảnh hưởng và thiết lập tiêu chuẩn giữa phương Tây với Trung Quốc.
Ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Mỹ đã ngày càng hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và thúc đẩy các đồng minh làm điều tương tự, đặc biệt trong các lĩnh vực như chất bán dẫn công nghệ cao quan trọng để đào tạo các mô hình AI. Những năm gần đây, Mỹ cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc dùng AI để tăng cường khả năng quân sự của mình.
Cuối tháng 6, OpenAI ("cha đẻ" ChatGPT) cho biết công ty khởi nghiệp Zhipu AI của Trung Quốc đã đạt được “tiến triển đáng chú ý” trong việc cung cấp các giải pháp hạ tầng cho thị trường ngoài phương Tây, tạo ra thách thức với sự thống trị của Mỹ ở lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.