Nhịp đập công nghệ

Bộ Y tế: Vắc xin sốt xuất huyết không thể thay thế biện pháp phòng bệnh truyền thống

Hồ Quang 11/07/2025 20:07

Dù hiện nay đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết, nhiều cơ sở tiêm chủng quảng cáo để người dân đưa trẻ đến tiêm phòng, nhưng Bộ Y tế khẳng định vắc xin này không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguy cơ bùng phát dịch trong năm nay

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương. Trung bình mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và khoảng 100 ca tử vong. Bệnh diễn ra quanh năm, nhưng thường tăng mạnh trong các tháng từ tháng 6 đến tháng 11. Mặc dù số ca mắc tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố phía nam, song những năm gần đây, khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng bắt đầu ghi nhận số ca mắc tăng dần.

bo-y-te-vac0xin-sot-xuat-huyet-khong-thay-the-thay-bien-phap-phong-bneh-truyen-thong-hinh-anh 2
Người dân TP.HCM chủ động diệt lăng quăng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: PV

Theo Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2025 đến ngày 8.7, cả nước ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển. Một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre (cũ) tăng 346,5%, Tây Ninh (cũ) tăng 274,3%, Long An (cũ) tăng 208,6%, Đồng Nai (cũ) tăng 191,7% và TP.HCM (cũ) tăng 151,4%.

Ông Võ Hải Sơn – Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) – cho biết dù hiện nay bệnh sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết hiện tại đang rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nên nguy cơ số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Phân tích của ông Sơn cho thấy, từ nhiều năm qua số ca mắc sốt xuất hiện thường có xu hướng tăng từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm – trùng với thời kỳ mưa nhiều trên cả nước.

Một điểm đáng lo ngại khác là chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong những năm gần đây đang rút ngắn, từ khoảng 5 năm một lần xuống còn 3-4 năm. Đợt dịch gần nhất xảy ra vào năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. “Như vậy, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng chống quyết liệt ngay từ đầu mùa, nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong năm 2025 là rất lớn”, ông Sơn cảnh báo.

Vắc xin không thể thay thế biện pháp phòng bệnh truyền thống

Ông Sơn cho biết Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình, và đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt những nơi có số ca mắc cao, cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.

Từ đầu tháng 4.2025, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”; đồng thời có công văn chỉ đạo chiến dịch cao điểm trong các tháng 6-7 để chủ động kiểm soát dịch; phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trường học nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

bo-y-te-vac0xin-sot-xuat-huyet-khong-thay-the-thay-bien-phap-phong-bneh-truyen-thong-hinh-anh 3
Người dân ký cam kết không để phát sinh lăng quăng tại nơi ở - Ảnh: PV

Các chiến dịch truyền thông cũng đã được thực hiện rộng khắp thông qua hệ thống phát thanh, báo chí, mạng xã hội, kết hợp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Những thông điệp ngắn gọn như “ngủ màn kể cả ban ngày”, “đậy nắp dụng cụ chứa nước”, “10 phút mỗi tuần diệt lăng quăng”… được phổ biến dễ nhớ, dễ làm, giúp người dân chủ động thực hiện tại nhà.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn tại các địa phương có nguy cơ cao, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi kết hợp loại bỏ lăng quăng, bọ gậy đã được triển khai mạnh tại các khu vực có nguy cơ.

“Chúng tôi đã quán triệt tinh thần triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung ,và sốt xuất huyết nói riêng phải từ sớm, từ xa”, ông Sơn nói.

Dù hiện nay đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết nhưng ông Sơn khẳng định vắc xin này không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống. “Vắc xin sốt xuất huyết là một trong những biện pháp mới, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống. Để đạt hiệu quả phòng chống dịch bền vững, chúng ta vẫn cần duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát véc tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch sớm và triệt để, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là huy động sự tham gia chủ động từ mỗi người dân”, ông Sơn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Phòng bệnh đề nghị người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, đèn hoặc vợt điện.

“Mỗi gia đình hãy dành ít nhất 10 phút/tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa, đậy nắp các bể nước, thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng. Các gia đình cần thay nước lọ hoa thường xuyên, nhỏ muối, hoặc hóa chất vào các bát nước kê chân chạn, bể cảnh hoặc hòn non bộ; loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển”, ông Sơn khuyên.

Hồ Quang