Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Công nghiệp công nghệ số
Chiều 11.7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Nhiều quy định mạnh mẽ bảo vệ dữ liệu cá nhân
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã giới thiệu những nội dung mới của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo đó, luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm bám sát thực tiễn, đảm bảo tính bao quát, tập trung vào những hành vi phổ biến, nghiêm trọng, như: xử lý dữ liệu cá nhân nhằm chống lại Nhà nước; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; chiếm đoạt, cố ý làm lộ, làm mất dữ liệu cá nhân.
Luật đã quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.
Đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân: Mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm; trường hợp không có khoản thu từ hành vi vi phạm hoặc mức phạt tính theo khoản thu có được từ hành vi vi phạm thấp hơn 3 tỉ đồng thì áp dụng mức phạt tối đa 3 tỉ đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới: Mức phạt tiền tối đa là 5% doanh thu của năm trước liền kề của tổ chức đó; trường hợp không có doanh thu của năm trước liền kề hoặc mức phạt tính theo doanh thu thấp hơn 3 tỉ đồng thì áp dụng mức phạt tối đa 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, luật đã quy định các điều khoản cụ thể để điều chỉnh hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý, như: trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động; kinh doanh dịch vụ quảng cáo; nền tảng mạng xã hội, dịch vụ truyền thông trực tuyến; xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, vũ trụ ảo, điện toán đám mây; hoạt động tài chính, ngân hàng, thông tin tín dụng; kinh doanh bảo hiểm; ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng.
Đối với dữ liệu cá nhân của trẻ em, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, luật cũng có quy định riêng chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhóm đối tượng này.
.png)
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay tổ chức, cá nhân tiến hành chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới phải lập hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới và gửi cho cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân trong vòng 60 ngày kể từ ngày chuyển.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, luật cũng có những quy định miễn trừ các nghĩa vụ này đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, trừ khi họ kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, trực tiếp xử lý dữ liệu nhạy cảm hoặc xử lý dữ liệu của số lượng lớn chủ thể.
Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều đột phá
Đối với Luật Công nghiệp Công nghệ số, Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2026, một số nội dung có hiệu lực ngay từ ngày 1.7.2025.
Luật đã điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.
Theo đó, luật quy định rõ các nội dung cốt lõi liên quan đến tài sản số, bao gồm: Tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tài sản mã hóa...
Sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể phát triển, cung cấp và sử dụng AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong kinh tế, xã hội.
Phát triển dữ liệu số trong hoạt động công nghiệp công nghệ số được Luật quy định trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng và đưa trí tuệ nhân tạo trở thành phương thức sản xuất mới. Nhà nước có chính sách ưu đãi cao nhất để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Luật Công nghiệp Công nghệ số đã định hình địa vị pháp lý cho tài sản số và quản lý tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa, đảm bảo quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Luật cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia…
Những quy định mới vừa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro.