Y học

Dùng công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 chống vi khuẩn kháng kháng sinh

Cambinh 11/07/2025 09:51

Trang Medical Express cho biết Đại học Tel Aviv và Viện Nghiên cứu sinh học Israel sử dụng nền tảng phát triển cho vắc xin COVID-19 để tạo ra vắc xin chống vi khuẩn kháng kháng sinh đầu tiên trên thế giới.

Nghiên cứu do giáo sư Dan Peer (Đại học Tel Aviv) dẫn đầu. Vắc xin do nhóm tạo ra dựa trên công nghệ mRNA, được đưa vào cơ thể thông qua hạt nano lipid, tương tự vắc xin COVID-19. Vắc xin mRNA thường chống lại vi rút như SARS-CoV-2 rất hiệu quả, nhưng lại hoạt động kém đi trước vi khuẩn như Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch.

Tiến sĩ Uri Elia (Viện Nghiên cứu sinh học Israel) giải thích: “Vi rút dựa vào tế bào chủ để tồn tại và nhân lên. Chúng lây nhiễm tế bào bằng mRNA chứa thông tin hướng dẫn sản sinh protein của vi rút, dùng tế bào như một “nhà máy”. Trong vắc xin mRNA, loại RNA này được tổng hợp và bọc trong hạt nano lipid giống màng tế bào người. Hạt nano hợp nhất với tế bào, tế bào sản xuất protein vi rút, hệ miễn dịch học cách nhận biết và chống lại vi rút thật. Tuy nhiên, vi khuẩn lại là trường hợp khác. Chúng tự sản sinh protein chứ không phụ thuộc tế bào con người. Hơn nữa, vi khuẩn và con người có tiến hóa khác nhau, protein của chúng khác protein của chúng ta”.

Tuy nhiên, vào năm 2023, nhóm nghiên cứu đã phát triển được phương pháp tạo protein vi khuẩn bên trong tế bào người, kích thích hệ miễn dịch học cách phòng vệ. Sau đó họ chứng minh nỗ lực phát triển một loại vắc xin mRNA chống lại vi khuẩn hoàn toàn khả thi. Yersinia pestis được chọn làm mục tiêu thử nghiệm đầu tiên. Vắc xin mới hiệu quả trên động vật chỉ với 1 liều duy nhất.

Screenshot 2025-07-10 184916
Thiết kế và tổng hợp mRNA-LNP được sử dụng trong nghiên cứu - Ảnh: Advanced Science (2025)

Ông Peer cho biết: “Ở nghiên cứu trước chúng tôi phát triển loại vắc xin cho dạng bệnh dịch hạch lây truyền qua da (chẳng hạn vết cắn của bọ chét). Ở nghiên cứu này chúng tôi đặt mục tiêu tham vọng hơn nhiều: bệnh dịch hạch lây từ người sang người và gây ra triệu chứng hô hấp. Phát triển vắc xin phòng ngừa đặc biệt khó khăn. Vì vậy chúng tôi sử dụng 2 protein làm kháng nguyên. Qua thử nghiệm trên động vật chúng tôi nhận thấy 2 liều vắc xin đem lại khả năng bảo vệ 100%”.

Về lý do chọn Yersinia pestis, bà Elia cho biết vi khuẩn này dễ lây lan và cực kỳ nguy hiểm, dễ bị các phần tử khủng bố sử dụng làm vũ khí sinh học, do đó cần có vắc xin phòng ngừa. Nghiên cứu mở ra tiềm năng phát triển vắc xin chống lại nhiều loại vi khuẩn khác, hỗ trợ cuộc chiến đối phó tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng hiện nay.

Cambinh