Cà phê Một thế giới

“Cha đẻ” Internet tại Việt Nam - Tiến sĩ Mai Liêm TrựcKỳ 1: Mở cửa sổ ra, thấy anh xe ôm, chị đồng nát bấm điện thoại nhoay nhoáy mà vui

PV: Minh Đức. Ảnh: Hà Tuấn 10/07/2025 14:49

Trong căn nhà riêng nằm trong con ngõ nhỏ phố Ngọc Khánh (Hà Nội), ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, người được gọi là “cha đẻ” của Internet Việt Nam - vẫn đầy say mê và trí tuệ khi nói về sự “bùng nổ” Internet.

mai-liem-truc-pc-version_02.jpg
mai-liem-truc-pc-version_03.jpg
TS Mai Liêm Trực trò chuyện với PV Một Thế Giới

- Bức tranh viễn thông nhìn qua cửa sổ hôm nay có lẽ đã rất khác thời điểm cách đây gần 30 năm, khi “ông trùm viễn thông” Mai Liêm Trực vượt qua các rào cản trên hành trình đưa Internet và điện thoại di động về Việt Nam?

- Ông Mai Liêm Trực: Còn nhớ hồi tháng 5.1991, khi đang là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện kiêm Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế, tôi đi dự một cuộc họp tại Washington (Mỹ) về thông tin vệ tinh. Tại đây, các đoàn Australia, Mỹ... giới thiệu với tôi về Internet. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Internet. Đây cũng là thời kỳ đầu phát triển Internet trên thế giới.

Là người trong nghề bưu điện, lo giao chuyển thư từ trong nước - quốc tế, miền núi - hải đảo, lo truyền dữ liệu in báo Nhân Dân từ Hà Nội vào Đà Nẵng và TP HCM vốn rất khó khăn, nên khi thấy có e-mail tôi sướng lắm! Thư có thể gửi đến ngay chứ không phải mất hàng tuần, hàng tháng mới tới nơi. Tôi thấy công nghệ mới rất hấp dẫn. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương của ngành bưu điện là đưa tất cả những gì mới nhất, hiện đại nhất của thế giới về Việt Nam. Vậy là đặt quyết tâm đưa Internet về Việt Nam.

Thời điểm đó, có hai việc lớn. Thứ nhất là về công nghệ, thứ hai là về chính sách của nhà nước. Vấn đề công nghệ là Internet lúc ấy phải gọi qua mạng điện thoại (dial-up). Hiểu nôm na là ai có điện thoại, có đường dây điện thoại, có một cái máy tính và modem kết nối vào thì mới truy cập được Internet. Muốn đưa Internet về Việt Nam thì mạng điện thoại phải tự động hoá, số hoá được thì càng tốt bởi Internet không qua tiếp dây của điện thoại viên được. Phải giải quyết bài toán tự động hoá, số hoá toàn bộ mạng điện thoại ở Việt Nam, để tự động hóa trong nước và kết nối thuận lợi với quốc tế. Việc đó đến năm 1995 thì xong.

mai-liem-truc-pc-version_05.jpg

Còn việc lớn liên quan đến chính sách của nhà nước, tức là phải được cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cho phép mới làm được. Chúng tôi phải báo cáo giải trình rất nhiều với các vị lãnh đạo nhà nước. Dù rất vất vả nhưng tôi luôn nói với anh em: “Mình không thuyết phục được các cụ là mình dở! Mình không có gan để nói thẳng với các cụ những thứ mình có thể đảm bảo”.

May mắn là lúc đó Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế, đã tham gia vào ASEAN. Chúng tôi thuyết minh là nếu không có Internet thì rất khó cho sự hội nhập quốc tế của Việt Nam. Và rồi chúng tôi đã được Bộ Chính trị ủng hộ, nhưng còn nhiều dè dặt với phương châm quản lý “quản đến đâu thì mở tới đó”, nói cách khác nghĩa là không quản được thì cấm.

Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm cách đây gần 30 năm, sau khi thuyết phục được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi tiếp tục sang báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải. Trước khi tiễn chúng tôi ra về, Thủ tướng đặt tay lên vai tôi vỗ vỗ động viên bảo: “Trực cố gắng quản lý cho tốt, chứ nếu mở ra rồi lại phải đóng lại thì không biết phải ăn nói với thế giới thế nào”.

Thủ tướng nói một câu nhẹ nhàng mà tôi thấy nặng hơn cả cái nghị quyết! Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức khai trương kết nối dịch vụ Internet toàn cầu.

mai-liem-truc-pc-version_08.jpg

- Như vậy vấn đề chính sách gỡ chậm hơn vấn đề kỹ thuật tới 2 năm. Sau khi gỡ xong, Internet Việt Nam đã có đủ điều kiện phát triển chưa, thưa ông?

- Ông Mai Liêm Trực: Vẫn còn phải gỡ tiếp tục. Vấn đề liên quan tới phương châm “quản đến đâu thì mở tới đó”, thể hiện trong nghị định, quy chế tạm thời của Chính phủ. Suốt 3 năm chúng tôi không mở được cafe Internet vì phía công an nói không quản được.

Sau 1997, chúng tôi vẫn tiếp tục thuyết phục các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị, thể hiện trong Chỉ thị 58-CT/TW mà tôi có tham gia góp ý trực tiếp. Cũng phải mất thời gian, chúng ta mới thay đổi phương châm quản lý “quản đến đâu thì mở tới đó” sang quan điểm “phát triển đến đâu quản đến đó”, tức là năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển, cởi trói cho Internet.

mai-liem-truc-pc-version_10.jpg
mai-liem-truc-pc-version_12.jpg

- Thời gian qua đi, điều gì khiến ông cảm thấy tự hào nhất khi chứng kiến tốc độ phát triển của Internet tại Việt Nam?

- Ông Mai Liêm Trực: Trong quá trình phát triển Internet tại Việt Nam, tôi cảm thấy may mắn và rất vui khi Internet phát triển thuận lợi nhất so với các nước, đặc biệt giá cả thì rẻ vô cùng. Lúc này, có thể thấy wifi miễn phí khắp nơi ở Việt Nam – điều không thể có được ở Mỹ, các nước châu Âu, châu Á và các nước trong khu vực vốn giá cả Internet rất đắt đỏ.

Hằng ngày, sáng sớm, tôi mở cửa sổ phòng mình, nhìn ra bên ngoài thấy các anh xe ôm, các chị đồng nát ngồi bấm bấm điện thoại nhoay nhoáy, “alo, alo”. Đi ra chợ, các chị bán rau cũng dùng QR Code thanh toán hết, mình thấy vui vô cùng. Mình cảm thấy đã làm được gì cho dân và người dân sử dụng nó hiệu quả, mình mừng! Đó là vui nhất, không phải niềm vui một lúc mà là niềm vui hằng ngày, vì thấy mình có một phần đóng góp trong đó. Từ năm 1995, ngành bưu điện đã được nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng là huân chương cao nhất, được đánh giá là đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Một điểm nữa phải nhắc tới chính là cơ chế độc quyền doanh nghiệp. Tôi có thời gian làm Tổng giám đốc VNPT, sau làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, là người trong cuộc nên tôi rất hiểu chuyện đó. Dù ngành đang phát triển tốt nhưng tôi biết đã có những yêu tố trì trệ, cửa quyền, đã thấy sự thoả mãn, hài lòng.

Khi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tôi tạo cơ chế cạnh tranh. Năm 1997 khi mở Internet, trong một ngày tôi ký 4 cái giấy phép cho 4 doanh nghiệp cùng làm là VNPT, FPT, NetNam và Sài Gòn Net, sau đó thì cấp cho Viettel.

Thí điểm mở cửa thị trường Internet thành công, mấy năm sau tôi mở luôn thị trường viễn thông, cấp phép cho Viettel, FPT, một số doanh nghiệp làm viễn thông, làm di động luôn.

Nhờ có cạnh tranh, huy động được nguồn lực của xã hội, của nhiều doanh nghiệp nên giá cả, dịch vụ ở ta tốt. Từ đó, số lượng người sử dụng Internet, di động của Việt Nam tăng rất nhanh, rất nhanh, rất nhanh.

- Để có đủ quyết tâm vượt qua rất nhiều rào cản, đưa Internet về Việt Nam, chắc hẳn ông có “biệt nhãn” với công nghệ này? Từ cách đây nhiều năm, ông nhìn thấy tiềm năng gì ở Internet, nhất là ý nghĩa của nó đối với sự phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số ở nước ta?

- Ông Mai Liêm Trực: Tôi cho rằng Internet là một thành tựu vĩ đại về công nghệ của thế giới. Đó cũng là một kỳ quan nhân tạo của nhân loại, bổ sung cho loài người một không gian sống mới là không gian mạng, bên cạnh không gian vật lý, sinh học như đã có từ hàng nghìn năm.

Tôi cũng như nhiều người cùng thế hệ từng tham gia vào công cuộc này cũng không thể ngờ, không thể hình dung Internet phát triển nhanh đến vậy, phát triển rất nhanh về công nghệ, dịch vụ. Điều đó kéo theo việc thay đổi toàn bộ cách sống, làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học, làm ăn kinh doanh, giao tiếp, vui chơi giải trí… của con người.

Ở đây cần làm rõ sự phát triển của Internet trong từng giai đoạn. Internet trong 15-20 năm đầu là Internet kết nối con người với con người, kết nối với nhau để giao tiếp, làm việc. Cái đó đã vĩ đại!

mai-liem-truc-pc-version2_02.jpg

Internet còn tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển, từ thông tin tư liệu, công cụ tìm kiếm, trao đổi thông tin… Nó là một trường phục vụ cho nghiên cứu phát triển, phục vụ cho làm ăn ví dụ như công nghệ phần mềm. Internet tạo điều kiện cho nhiều ngành thay đổi, phát triển. Đó là mức phát triển cuối cùng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 3.

Trong khoảng 10 năm nay, Internet không còn dừng ở kết nối con người mà đã sang Internet kết nối vạn vật (IoT). Đó là giai đoạn phát triển thứ 2, đưa Internet lên một mức cao hơn. Vì Internet kết nối vạn vật nên nó tạo ra một nguồn dữ liệu vô cùng lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

IoT có tính chất cách mạng về dữ liệu. Vì dữ liệu lớn nên phải được hỗ trợ, xử lý bằng các công nghệ số khác như công nghệ về điện toán đám mây, công nghệ blockchain và đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

mai-liem-truc-pc-version2_05.jpg

- Nhắc tới IoT và các công nghệ đang nổi lên trên phạm vi toàn cầu như blockchain, AI, ông nhận định thế nào về cơ hội và vị thế của Việt Nam?

- Ông Mai Liêm Trực: Đóng góp của Internet giai đoạn đầu là tạo nên số hóa, phát triển mạnh các dịch vụ công nghệ thông tin, là công cụ, phương tiện để con người tăng năng suất lao động, có thể giao tiếp, nghiên cứu, học tập hiệu quả.

Còn với IoT và các công nghệ số khác phát triển dẫn tới sự thay đổi về chất, không những là số hoá quy trình, mà thay đổi cả quy trình, chuyển đổi, thay đổi mô hình quản trị quốc gia, mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình quản lý trường học, ngành y tế, giáo dục...

Đóng góp quan trọng nhất của IoT và công nghệ số là chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển toàn diện các lĩnh vực. Các tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ quan đều phải chuyển đổi số. Bản thân nó cũng tạo nên sự phát triển các ngành công nghệ, kể cả công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ngành công nghiệp công nghệ số là ngành chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay.

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”.

Chúng ta đều thấy rõ rằng, với 3 cuộc cách mạng công nghệ trước, do điều kiện lịch sử, phong kiến, chiến tranh, Việt Nam không tham gia được bao nhiêu. Chỉ từ cuối cuộc cách mạng lần thứ 3, Việt Nam mới tham gia được vào Internet, số hóa… Nhưng ở cuộc cách mạng lần thứ 4 này, đứng ở góc độ thời cơ, có thể nói Việt Nam cùng xuất phát với mọi quốc gia khác, mặc dù năng lực yếu hơn. Đó là điều may mắn và nếu không dấn thân để làm bằng được thì đất nước vẫn sẽ trong nhóm thu nhập trung bình, tụt hậu, hay nói cách khác là một lần nữa lại lỡ con tàu phát triển của nhân loại.

mai-liem-truc-pc-version2_08.jpg

- Xin hỏi ông một câu riêng tư: Điều gì đã đưa một cậu bé sinh ra ở vùng quê Bình Định trở thành một người kiến tạo, đặt nền móng và thúc đẩy một ngành công nghiệp công nghệ số hiện đại như ngành viễn thông và Internet?

- Ông Mai Liêm Trực: Tôi sinh ra trong một gia đình đông con. Trong gia đình, ông nội và ba tôi rất coi trọng chuyện học hành. Ông nội đặt tên anh cả của tôi là Mai Kỷ, nghĩa là phải sống cho có kỷ cương. 5 anh em trai sau đều tên là Trực do ba đặt, với ý nghĩa sống sao cho cương trực. Tính cách của gia đình, anh em tôi được ông nội và ba má rèn luyện từ nhỏ, dù tôi không sống ở gia đình nhiều, có 10 năm đầu đời thôi. Ảnh hưởng từ truyền thống gia đình sống kỷ cương, ngay thẳng, ham học là những phẩm chất cốt lõi theo suốt cuộc đời tôi, giúp tôi cố gắng trưởng thành, đóng góp cho xã hội.

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, theo tiêu chuẩn dành cho con cán bộ kháng chiến, tôi được cử ra Bắc học trong trường học sinh miền Nam 8 năm, sau đó sang Dresden (Đức) học Đại học chuyên ngành vô tuyến điện. Học xong, tôi về nước công tác. Sau khi đất nước thống nhất. năm 1975, tôi quay lại Đức làm nghiên cứu sinh. Nhờ đó, tôi có nền tảng kỹ thuật để tiếp nhận công nghệ về sau này.

(Còn tiếp)

Phỏng vấn: Minh Đức.

Ảnh: Hà Tuấn.

PV: Minh Đức. Ảnh: Hà Tuấn