Người gốc Trung Quốc thống trị top 100 bộ óc AI hàng đầu dù Mỹ có số nhân tài lớn nhất

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:44, 07/07/2025

Một nghiên cứu trên gần 200.000 nhà nghiên cứu và 100.000 bài báo có tầm ảnh hưởng cao đã tiết lộ rằng phần lớn trong top 100 bộ óc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là người gốc Trung Quốc.
Nhịp đập khoa học

Người gốc Trung Quốc thống trị top 100 bộ óc AI hàng đầu dù Mỹ có số nhân tài lớn nhất

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Một nghiên cứu trên gần 200.000 nhà nghiên cứu và 100.000 bài báo có tầm ảnh hưởng cao đã tiết lộ rằng phần lớn trong top 100 bộ óc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là người gốc Trung Quốc.

Danh sách đó được tổng hợp bởi ITPO China (một phần của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc) và Dongbi Data (hãng công nghệ có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc). Danh sách được công bố gần đây tại một hội nghị ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, trang SCMP đưa tin.

Theo danh sách (không xếp hạng từng cá nhân), có 50 trong số 100 chuyên gia AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc công ty ở Trung Quốc và đều là người có nguồn gốc Trung Quốc.

Ngoài ra, 20 chuyên gia AI hàng đầu thế giới khác đang làm việc tại các viện nghiên cứu ở Mỹ. Đáng chú ý, một nửa trong số này cũng là người gốc Hoa, gồm cả Jun-Yan Zhu (trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học Máy tính của Đại học Carnegie Mello, Mỹ).

Đóng góp lớn của các nhà khoa học Trung Quốc cho ngành AI

Phân tích được thực hiện dựa trên hơn 96.000 bài báo chất lượng cao từ các tạp chí uy tín như Journal of Machine Learning ResearchIEEE Transactions on Pattern Analysis and Machine Intelligence, cũng như các hội nghị hàng đầu trong ngành AI, vào giai đoạn từ 2015 đến 2024.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng nhà khoa học AI bằng cách thống kê và phân tích số lượng bài báo cùng trích dẫn.

Nhiều người trong top 100 chuyên gia AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại các hãng công nghệ và có đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực chuyên sâu. Một trong số đó là Zhang Xiangyu.

Zhang Xiangyu từng là nhà khoa học chủ chốt tại Megvii - hãng công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên thiết kế phần mềm nhận diện hình ảnh và học sâu, nhưng hiện đã chuyển sang làm việc tại công ty khác ở thành phố Thượng Hải.

Ông đã giành được nhiều giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi thị giác máy tính hàng đầu, gồm cả ImageNet và COCO. Các mô hình AI do nhóm của Zhang Xiangyu phát triển đã được sử dụng trong vô số điện thoại di động, máy ảnh và hệ thống lái xe tự động.

nguoi-goc-trung-quoc-chiem-phan-lon-top-100-bo-oc-ai-hang-dau-du-my-co-so-nhan-tai-lon-nhat11.jpg
Xiangyu Zhang được trao Giải thưởng Khoa học Tương lai năm 2023 vì những đóng góp nền tảng cho lĩnh vực AI - Ảnh: SCMP

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đang tạo dấu ấn tại những cơ sở danh tiếng nhất của Mỹ, cho thấy sự công nhận ngày càng tăng toàn cầu với tài năng đến từ cường quốc châu Á này và những đóng góp từ họ cho ngành AI.

Trong số đó có Kaiming He, người tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy tính và học sâu. Sinh ra tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), ông từng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và Đại học Trung Văn Hồng Kông.

Học sâu là phương pháp dạy máy tính cách học và suy nghĩ theo cách mô phỏng bộ não con người, đặc biệt là cách các tế bào thần kinh (neuron) trong não kết nối và xử lý thông tin.

Kaiming He hiện là phó giáo sư có biên chế lâu dài tại Khoa Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), gia nhập Google DeepMind với tư cách là nhà khoa học xuất sắc.

Ông nổi tiếng với công trình về Deep Residual Networks (ResNets), vốn được tạp chí Nature xếp là bài báo được trích dẫn nhiều nhất thế kỷ 21. Tính đến tháng 5.2025, các ấn phẩm của Kaiming He đã nhận được hơn 700.000 lượt trích dẫn.

nguoi-goc-trung-quoc-chiem-phan-lon-top-100-bo-oc-ai-hang-dau-du-my-co-so-nhan-tai-lon-nhat1.jpg
Kaiming He là một trong những người sáng tạo ra ResNets - Ảnh: MIT

ResNets là kiến trúc mạng nơ-ron rất nổi tiếng trong lĩnh vực thị giác máy tính và học sâu. Đây là một loại mạng nơ-ron sâu được thiết kế để giải quyết vấn đề “mạng càng sâu, hiệu suất càng tệ” - vấn đề phổ biến khi xây dựng mạng nơ-ron rất nhiều lớp.

Nhiều nhà khoa học Trung Quốc hàng đầu được săn đón tại Thung lũng Silicon

Nhiều nhà khoa học Trung Quốc hàng đầu cũng đang là những người được săn đón nhiều nhất trong cuộc chiến giành nhân tài AI tại Thung lũng Silicon (Mỹ).

Cuối tháng 6, trang SCMP đưa tin Zhu Banghua và Jiao Jiantao, đều là cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) từng giảng dạy tại Đại học Washington cùng Đại học California–Berkeley (Mỹ), đã gia nhập gã khổng lồ chip Nvidia với vai trò quan trọng trong nghiên cứu AI.

Gần đây, Meta Platforms chiêu mộ một số nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từ đối thủ OpenAI cho bộ phận Superintelligence Labs - nỗ lực tái tổ chức toàn diện các sáng kiến AI của công ty mẹ Facebook và xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người".

7 chuyên gia AI mới của Meta Platforms đến từ Trung Quốc, từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước này (Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc), sau đó tiếp tục theo đuổi các chương trình học và sự nghiệp tại Mỹ. Cụ thể gồm Bi Shuchao, Chang Huiwen, Lin Ji, Ren Hongyu, Sun Pei, Yu Jiahui và Zhao Shengjia.

Bi Shuchao đồng sáng tạo chế độ giọng nói của GPT-4o và o4-mini, trước đây dẫn dắt huấn luyện đa phương thức hậu kỳ tại OpenAI. Huấn luyện đa phương thức hậu kỳ là bước tinh chỉnh mô hình AI sau khi đã được huấn luyện ban đầu, với mục tiêu giúp nó hiểu và xử lý đồng thời nhiều dạng dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…

Chang Huiwen đồng sáng tạo khả năng tạo ảnh của GPT-4o, từng sáng tạo kiến trúc MaskGIT (tạo ảnh tiên tiến - PV) và Muse (tạo ảnh từ văn bản - PV) tại Google Research.

Lin Ji tham gia xây dựng mô hình o3/o4-mini, GPT-4o, GPT-4.1, GPT-4.5, o4-imagegen (thành phần phụ trách tạo ra hình ảnh trong kiến trúc mô hình o4 - PV) và nền tảng suy luận Operator.

Ren Hongyu đồng sáng tạo GPT-4o, 4o-mini, o1-mini, o3-mini, o3 và o4-mini, trước đây lãnh đạo nhóm huấn luyện hậu kỳ tại OpenAI.

Sun Pei từng phụ trách huấn luyện hậu kỳ, lập trình và suy luận cho Gemini tại Google DeepMind, trước đó xây dựng hai thế hệ mô hình cảm biến của Waymo (công ty con của Alphabet chuyên phát triển công nghệ xe tự lái - PV).

Yu Jiahui đồng sáng tạo o3, o4-mini, GPT-4.1 và GPT-4o, từng là trưởng nhóm Nhận thức tại OpenAI và đồng lãnh đạo mảng đa phương thức cho dự án Gemini tại Google DeepMind.

Zhao Shengjia đồng sáng tạo ChatGPT, GPT-4, tất cả mô hình mini, GPT-4.1 và o3, từng dẫn đầu mảng dữ liệu tổng hợp tại OpenAI.

Mỹ là nguồn cung cấp nhân tài AI lớn nhất thế giới, Trung Quốc đứng thứ hai

Tại cùng hội nghị ở Bắc Kinh, ITPO China cùng Dongbi Data đã công bố một báo cáo khác về bức tranh nghiên cứu AI toàn cầu, lần này ở cấp độ quốc gia.

Nghiên cứu trên phát hiện Mỹ vẫn là nguồn cung cấp nhân tài AI lớn nhất thế giới, Trung Quốc đứng thứ hai. Hai cường quốc này cũng dẫn đầu về mức độ ảnh hưởng học thuật tổng thể.

Số lượng nhà nghiên cứu AI ở Trung Quốc đã tăng từ chưa tới 10.000 người vào năm 2015 lên 52.000 trong năm 2024, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 28,7%. Tuy nhiên, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với hơn 63.000 chuyên gia AI, theo báo cáo.

Mỹ cũng đứng đầu về ảnh hưởng học thuật. Trong thập kỷ qua, nước này đã xuất bản hơn 35.000 bài báo, với hơn 2,28 triệu lượt trích dẫn. Trong khi Trung Quốc xuất bản 31.694 bài và nhận khoảng 949.000 lượt trích dẫn.

Thế nhưng, Trung Quốc đang bám đuổi rất sát Mỹ và Đại học Bắc Kinh dẫn đầu toàn cầu về sản lượng nghiên cứu AI kể từ năm 2022, theo dữ liệu từ trang AIRankings.

AIRankings xếp Đại học Thanh Hoa và Đại học Chiết Giang lần lượt ở vị trí thứ hai và ba, đồng thời phát hiện rằng các cơ sở nghiên cứu Trung Quốc chiếm một nửa trong top 10 toàn cầu, với hai vị trí khác do các trường đại học ở châu Á nắm giữ.

AIRankings là nền tảng chuyên xếp hạng các tổ chức, cá nhân và quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu AI, dựa trên dữ liệu khoa học như số lượng bài báo, hội nghị và trích dẫn.

Sản lượng nghiên cứu AI là thuật ngữ dùng để chỉ tổng thể các kết quả và đóng góp mà các nhà nghiên cứu, tổ chức, thành phố hoặc quốc gia tạo ra trong lĩnh vực này. Nó là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ hoạt động, năng lực và ảnh hưởng của một thực thể trong cộng đồng nghiên cứu AI toàn cầu.

Sơn Vân