Ngôi làng lập trình viên tại ‘thung lũng AI’ của Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 15:51, 07/07/2025
Ngôi làng lập trình viên tại ‘thung lũng AI’ của Trung Quốc
Trung Quốc đang chạy đua với thung lũng Silicon (Mỹ) để dẫn đầu thế giới về công nghệ. Hàng Châu - miền đất bệ phóng của Alibaba và DeepSeek - đang trở thành trung tâm mới cho các tài năng công nghệ và doanh nhân AI.
Theo New York Times, giữa vùng ngoại ô yên bình của Hàng Châu, một cộng đồng lập trình viên trẻ đang âm thầm xây dựng những giấc mơ công nghệ. Một chiều thứ bảy đầy nắng, giữa một khu sân sau xanh mát, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp trình bày ý tưởng trước hàng chục người ngồi trên cỏ, laptop trên tay, nhâm nhi ly frappuccino, trong khi một chiếc drone bay lượn trên cao. Bên trong căn nhà, các nhà đầu tư đang trao đổi ngay tại... phòng bếp.
Cảnh tượng gợi nhớ thung lũng Silicon, nhưng thực tế đây là Liangzhu (Lương Chử), một vùng ngoại ô của Hàng Châu, nơi ngày càng đông các kỹ sư, lập trình viên, nhà sáng lập trẻ tìm đến vì môi trường thoải mái, chi phí sinh hoạt rẻ và gần các công ty lớn như Alibaba hay DeepSeek.
“Người ta đến đây để tìm thấy tiềm năng của chính mình”, Felix Tao, 36 tuổi, từng làm ở Facebook và Alibaba, chia sẻ. Tao là người tổ chức sự kiện này và cũng là đồng sáng lập startup AI Mindverse. Gần như tất cả các ý tưởng trong “ngôi làng” đều xoay quanh trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ với Mỹ, Hàng Châu nổi lên là trung tâm của làn sóng AI Trung Quốc.

Hàng Châu, cái nôi của công nghệ mới nổi
Hơn 10 năm trước, chính quyền Hàng Châu bắt đầu tung ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và giảm thuế để thu hút startup công nghệ. Kết quả là hàng trăm công ty mới đã nở rộ. Cuối tuần, lập trình viên từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến bay đến đây để tìm đối tác hoặc việc làm.
Một số trong họ thậm chí đã “cắm rễ” luôn tại Lương Chử, biến căn nhà của Felix Tao thành nơi tụ họp. Những “dân làng”, đa phần trong độ tuổi từ 20 - 30, viết code ban ngày ở quán cà phê, chơi game ban đêm và nuôi giấc mơ khởi nghiệp với AI.
Ngoài Alibaba và DeepSeek, Hàng Châu còn là nơi sản sinh ra các tên tuổi lớn như NetEase, Hikvision. Công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc đã khiến giới công nghệ chú ý vào tháng 1 khi giới thiệu mô hình AI nguồn mở đạt hiệu suất tương đương, thậm chí vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của Mỹ, trong khi chi phí đào tạo lại thấp hơn đáng kể.

Các sinh viên Đại học Chiết Giang - trường hàng đầu tại Hàng Châu và là nơi nhà sáng lập DeepSeek từng theo học, giờ được các công ty công nghệ săn đón ráo riết. Nhiều người tại Lương Chử thừa nhận họ đang “chờ thời”, đợi hết thời gian ràng buộc không cạnh tranh với các ông lớn như ByteDance, để có thể ra mắt công ty riêng.
DeepSeek là một trong 6 startup AI và robot nổi bật của thành phố. Một công ty khác, Game Science, gây tiếng vang toàn cầu năm ngoái với game hành động Black Myth: Wukong. Trong khi đó, Unitree Robotics từng gây sốt khi cho robot nhảy múa trên sân khấu lễ hội Tết Nguyên đán truyền hình trực tiếp.
Rokid, một startup khác do Mingming Zhu sáng lập, chuyên sản xuất kính AI. Zhu từng mời năm nhà sáng lập khác đến ăn tối tại nhà mình. Hầu hết đều từng học tại Đại học Chiết Giang hoặc làm tại Alibaba.
Ông nhớ lại thời điểm bắt đầu: “Chúng tôi chỉ là những chú cá nhỏ. Nhưng chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều, họ còn giúp tôi gặp được những nhà đầu tư đầu tiên, trong đó có Jack Ma”.
Tuy nhiên, một số nhà sáng lập lại cho rằng chính sự hậu thuẫn quá sâu của chính phủ Trung Quốc khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài e dè. Họ sợ lặp lại trường hợp của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, từng bị quốc hội Mỹ chất vấn vì khởi nghiệp tại Trung Quốc.
Các nhà sáng lập trẻ ở Hàng Châu đang đứng trước lựa chọn giữa hai con đường: hoặc nhận hỗ trợ từ chính phủ và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa, hoặc tự huy động vốn để mở văn phòng tại các quốc gia như Singapore nhằm tiếp cận nhà đầu tư quốc tế. Phần lớn chọn phương án đầu vì khả thi và an toàn hơn.
Một thách thức khác là việc tiếp cận chip máy tính tiên tiến, khi Mỹ đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu, buộc các công ty như Huawei phải tự phát triển công nghệ trong nước. Một số doanh nghiệp lớn đã kịp thời tích trữ chip Nvidia, tạm thời duy trì hoạt động, nhưng vẫn chưa rõ nguồn dự trữ này kéo dài được bao lâu, cũng như bao giờ Trung Quốc có thể sản xuất chip ngang tầm Mỹ.
Tác tử AI và thế hệ startup mới
Tại Hàng Châu, khái niệm “tác tử AI”, các hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng thực thi nhiệm vụ một cách gần như độc lập, đang dần trở thành xu hướng phát triển nổi bật.
Qian Roy, một doanh nhân trẻ trong khu vực, đã xây dựng All Time, một ứng dụng AI đồng hành hướng đến giới trẻ, giúp người dùng điều chỉnh cảm xúc dựa trên kết quả bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs. Ứng dụng này kết hợp các mô hình AI nguồn mở do DeepSeek, Alibaba và Anthropic (Mỹ) phát triển.
Cùng chia sẻ định hướng này, Mindverse , công ty của Felix Tao, đang nghiên cứu một sản phẩm giúp người dùng quản lý đời sống thường nhật, từ việc gửi email công việc đến các lời nhắc nhở cá nhân.
“Tôi không muốn AI chỉ làm việc thay con người. Tôi muốn nó giúp người dùng giải phóng đầu óc, để họ có thể thực sự nghỉ ngơi”, Tao nói.
Tại Lương Chử, cộng đồng lập trình viên trẻ không chỉ tìm thấy một nơi để làm việc mà còn xây dựng một đời sống tinh thần phong phú. Họ thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim, cùng nhau thảo luận về công nghệ và chia sẻ hoài bão khởi nghiệp.
Nhiều người tham gia sự kiện tại sân sau nhà Felix Tao chia sẻ rằng khung cảnh hữu tình của Hàng Châu, thành phố nằm bên hồ nổi tiếng đã truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ, tương tự như cách nó từng làm với nhiều thế hệ thi sĩ và họa sĩ Trung Quốc.
Lin Yuanlin, người sáng lập công ty Zeabur, đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp khi còn là sinh viên tại Đại học Chiết Giang. Công ty của anh cung cấp nền tảng giúp người dùng tạo ứng dụng và trang web thông qua phương pháp “vibecoding”, cho phép lập trình bằng AI mà không cần kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật phần mềm.
Đối với Lin, Liangzhu là môi trường lý tưởng để thử nghiệm sản phẩm. Tại đây, anh có thể dễ dàng trao đổi với những người hàng xóm cùng chí hướng trong quán cà phê hoặc tại nhà riêng để lấy phản hồi, điều hiếm thấy ở các thành phố công nghệ lớn khác. Sự gắn kết cộng đồng và tinh thần hợp tác cao đã khiến anh quyết định chuyển đến sống hẳn tại khu vực này.
Với nhiều kỹ sư và nhà sáng lập trẻ ở Liangzhu, giấc mơ khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ thung lũng Silicon. Họ tin rằng những ý tưởng đột phá có thể được ươm mầm và phát triển ngay trên chính mảnh đất quê hương. Theo Felix Tao, không phải ai cũng có xuất thân từ các trường đại học danh tiếng hay được hậu thuẫn mạnh mẽ, nhưng điều đáng quý là nhiều người ở đây dám bước đi trên con đường riêng, điều vốn không phổ biến trong xã hội.