BRICS: Chống lại việc dùng AI thu thập dữ liệu quá mức, không để các nước nghèo hơn bị bỏ lại
Thế giới số - Ngày đăng : 10:04, 07/07/2025
BRICS: Chống lại việc dùng AI thu thập dữ liệu quá mức, không để các nước nghèo hơn bị bỏ lại
Các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi những biện pháp bảo vệ chống lại việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trái phép để thu thập dữ liệu quá mức, theo hãng tin Reuters.
BRICS dành một phần trong các cuộc thảo luận của mình hôm 6.7 (giờ địa phương) để bàn về AI trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil).
Nhiều hãng công nghệ lớn, chủ yếu có trụ sở tại những quốc gia giàu có, đã chống lại các lời kêu gọi trả phí bản quyền cho tài liệu được sử dụng để đào tạo mô hình AI.
Ngày 14.6, Brazil - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS - đã công bố việc Việt Nam chính thức trở thành nước đối tác của nhóm này.
Thông báo từ phía Brazil cũng đánh giá cao sự góp mặt của Việt Nam, với vai trò và vị thế ngày càng quan trọng tại châu Á.
BRICS ra đời năm 2009, ban đầu gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi. Tên của nhóm cũng là tên viết tắt theo chữ cái đầu trong tên tiếng Anh các nước trên.
Gần đây, BRICS đã mở rộng thêm, gồm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và UAE.
Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan là các nước đối tác khác của nhóm.
Sáng 5.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4 đến 8.7, theo lời mời của Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva.
BRICS thúc đẩy Liên Hợp Quốc dẫn đầu thiết lập các quy tắc toàn cầu cho AI
Các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua một tuyên bố mới kêu gọi Liên Hợp Quốc dẫn đầu trong việc thiết lập những quy tắc toàn cầu cho AI, lập luận rằng công nghệ phát triển nhanh chóng này không được làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Đã được nhất trí vào cuối ngày 6.7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Rio de Janeiro, tuyên bố chung mô tả AI là một "cơ hội có một không hai" để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, đổi mới và bền vững nhưng cảnh báo rằng nếu không có cơ chế quản trị công bằng, công nghệ này có thể làm gia tăng thêm khoảng cách kỹ thuật số.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng với những chuyển đổi nhanh chóng do công nghệ mang lại, việc phát triển "các thông số kỹ thuật và giao thức" có sự tham gia của khu vực công và các cơ quan Liên Hợp Quốc là điều bắt buộc để đảm bảo "sự tin cậy, khả năng tương tác, bảo mật và độ tin cậy" trên những nền tảng và ứng dụng được hỗ trợ bởi AI khác nhau.
“Chúng ta phải ngăn chặn việc sử dụng các quy trình thiết lập tiêu chuẩn như rào cản gia nhập thị trường với các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế đang phát triển”, các lãnh đạo BRICS tuyên bố.
Họ cũng đưa ra các hướng dẫn tự nguyện về việc phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm, chỉ trong các lĩnh vực phi quân sự. Các lãnh đạo BRICS yêu cầu tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu, phải có quyền tiếp cận bình đẳng với công nghệ AI, dữ liệu và năng lực nghiên cứu.

"Không cản trở việc chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo hơn"
Tuyên bố cũng kêu gọi hợp tác mã nguồn mở, bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số, cạnh tranh công bằng trên thị trường AI và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà không cản trở việc chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo hơn. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của BRICS trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ chuyển đổi kinh tế sang giảm phát thải khí nhà kính.
"Những lợi ích của AI với sự phát triển bền vững phải được liên tục thúc đẩy. Chúng tôi sẽ tập trung vào các sáng kiến nghiên cứu, phát triển và đổi mới nhằm thúc đẩy, củng cố năng lực và khát vọng công nghệ tại địa phương, đồng thời thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các nước phát triển và đang phát triển", theo tuyên bố.
Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva nói riêng rằng tuyên bố này đã được tất cả thành viên chính thức của BRICS nhất trí thông qua. Malaysia, Bolivia và Cuba, những quốc gia đối tác của BRICS, cũng ủng hộ sáng kiến này.
Trước đó, ông Luiz Inacio Lula da Silva gọi văn bản này là một "thông điệp rõ ràng và dứt khoát" về vấn đề AI. Trong một phiên họp về tăng cường hợp tác đa phương, Tổng thống Brazil nói rằng các công nghệ mới như AI phải được quản trị bởi "một mô hình công bằng, toàn diện và bình đẳng".
"Sự phát triển AI không thể trở thành đặc quyền của vài quốc gia hoặc một công cụ thao túng trong tay các tỷ phú, nhưng cũng không thể đạt được tiến bộ nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự", ông nói.

Văn bản mới được đưa ra trong bối cảnh một thỏa thuận rộng lớn hơn về AI có sự tham gia của Mỹ, nhiều đồng minh của nước này và Trung Quốc vẫn bế tắc, ngay cả khi Mỹ đang thúc đẩy các quy tắc riêng về cách quân đội nên sử dụng AI.
Vào tháng 2, các nhà lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia đã tập trung tại Paris (thủ đô Pháp) để thông qua "Tuyên bố về AI toàn diện và bền vững", trong đó kêu gọi phát triển AI phải cởi mở, minh bạch, an toàn cho con người và hành tinh.
Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu và sự hậu thuẫn từ Trung Quốc lẫn Ấn Độ, nhưng Mỹ và Anh đã từ chối ký. Mỹ cùng Anh cho rằng văn bản này không giải quyết được những vấn đề an ninh quốc gia quan trọng và có nguy cơ kìm hãm sự đổi mới bằng các quy định nặng nề.
Hội nghị ở Paris tiếp nối một sáng kiến trước đó do Mỹ dẫn đầu nhằm mục đích cụ thể là hạn chế việc sử dụng AI trong các hoạt động quân sự. Công bố tại The Hague (Hà Lan) vào năm 2023 và được hàng chục đồng minh với Mỹ ủng hộ, "Tuyên bố chính trị về sử dụng AI có trách nhiệm trong quân sự" đã đặt ra các hướng dẫn tự nguyện về cách các quốc gia phát triển và triển khai những hệ thống AI tự hành động trong chiến tranh.
Trung Quốc đã từ chối ủng hộ nỗ lực đó và thúc đẩy tầm nhìn riêng của mình về quản trị AI thông qua Liên Hợp Quốc. Đây là một nghị quyết thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với công nghệ AI đã được thông qua vào năm ngoái với sự ủng hộ rộng rãi, gồm cả từ Mỹ.
Tranh giành ảnh hưởng và thiết lập tiêu chuẩn
Các tuyên bố trên nhấn mạnh cách công nghệ phát triển nhanh chóng như AI trở thành một đấu trường khác để tranh giành ảnh hưởng và thiết lập tiêu chuẩn giữa phương Tây với Trung Quốc.
Ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Mỹ đã ngày càng hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và thúc đẩy các đồng minh làm điều tương tự, đặc biệt trong các lĩnh vực như chất bán dẫn công nghệ cao quan trọng để đào tạo các mô hình AI. Những năm gần đây, Mỹ cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc dùng AI để tăng cường khả năng quân sự của mình.
Cuối tháng 6, OpenAI (“cha đẻ" ChatGPT) cho biết công ty khởi nghiệp Zhipu AI của Trung Quốc đã đạt được “tiến triển đáng chú ý” trong việc cung cấp các giải pháp hạ tầng cho thị trường ngoài phương Tây, tạo ra thách thức với sự thống trị của Mỹ ở lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.
"Trung Quốc bám sát Mỹ trong thuật toán nhưng còn kém xa về chip"
Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực chip AI, nhưng đang nhanh chóng bắt kịp về mặt thuật toán giữa bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định từ Harry Shum Heung-yeung (Thẩm Hướng Dương) - cựu Phó chủ tịch điều hành mảng AI và Nghiên cứu toàn cầu tại Microsoft.
Phát biểu tại một hội nghị kinh tế do Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hồng Kông tổ chức cuối tháng 6, Harry Shum Heung-yeung (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông) cho biết cuộc cạnh tranh AI gồm ba yếu tố then chốt là chip, thuật toán và ứng dụng. Trong đó, “Mỹ rõ ràng vẫn vượt xa Trung Quốc về công nghệ chip”.
Ông nhấn mạnh rằng khoảng cách mà Trung Quốc đang đối mặt trong sản xuất chip “không thể được thu hẹp trong 1 hoặc 2 năm”. Theo nhà khoa học máy tính này, sức mạnh điện toán vẫn là thách thức lớn với các công ty ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kồng.
Để vượt qua những hạn chế đó, Harry Shum Heung-yeung (từng lãnh đạo mảng AI của Microsoft đến năm 2020) gợi ý rằng Trung Quốc nên tập trung vào các đột phá trong kỹ thuật thuật toán.
“Trung Quốc đang bám rất sát Mỹ về mặt thuật toán, và DeepSeek là một ví dụ điển hình”, ông nói. Theo nhà khoa học máy tính nổi tiếng người Trung Quốc, công ty khởi nghiệp DeepSeek chỉ dùng khoảng 10.000 chip AI nhưng đã đạt được kết quả tương đương các đối thủ hàng đầu tại Mỹ dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Con số này so với hàng trăm nghìn chip AI được các công ty Mỹ như OpenAI và Google sử dụng.
Có trụ sở tại thành phố Hàng Châu - trung tâm công nghệ mới của Trung Quốc, DeepSeek đã thu hút sự chú ý toàn cầu đầu năm nay khi ra mắt hai mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở V3 và R1 với hiệu năng tương đương các sản phẩm phương Tây nhưng chi phí phát triển thấp hơn nhiều.
Công ty mới hai năm tuổi này đã được ca ngợi ở Trung Quốc như một biểu tượng cho năng lực cạnh tranh của quốc gia trong lĩnh vực AI, bất chấp các nỗ lực leo thang từ Mỹ nhằm cản trở cường quốc châu Á tiến bộ.
Cuối tháng 5, DeepSeek đạt bước tiến lớn với R1-0528, bản cập nhật cho mô hình suy luận R1.
“Phiên bản R1 được cập nhật đã vượt trội các mô hình AI trong nước ở nhiều bài kiểm tra chuẩn, gồm toán học, lập trình và tư duy logic tổng quát, và sánh ngang những mô hình hàng đầu toàn cầu như o3 của OpenAI và Gemini 2.5 Pro của Google”, DeepSeek tuyên bố.
Các kết quả đánh giá hiệu năng mà DeepSeek trích dẫn cho thấy R1-0528 đã vươn lên dẫn đầu trên bảng xếp hạng LiveBench dành cho các hệ thống AI mã nguồn mở, đứng trên Qwen3 của Alibaba.
R1-0528 cho thấy DeepSeek đã “vượt xAI, Meta Platforms và Anthropic để trở thành phòng thí nghiệm AI số thứ 2 thế giới, chỉ kém OpenAI”, theo nhận định từ công ty tư vấn Artificial Analysis.
Một số hãng công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp Trung Quốc khác cũng đang tiến bộ nhanh chóng khi cuộc đua AI Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.