Làm cho nhiều startup cùng lúc, kỹ sư phần mềm bị hàng loạt lãnh đạo lật tẩy gây bão mạng

Thế giới số - Ngày đăng : 13:04, 06/07/2025

Soham Parekh bị hàng loạt lãnh đạo công ty tố làm nhiều việc cùng lúc, khiến cộng đồng công nghệ dậy sóng với hàng loạt meme.
Thế giới số

Làm cho nhiều startup cùng lúc, kỹ sư phần mềm bị hàng loạt lãnh đạo lật tẩy gây bão mạng

Sơn Vân 06/07/2025 13:04

Soham Parekh bị hàng loạt lãnh đạo công ty tố làm nhiều việc cùng lúc, khiến cộng đồng công nghệ dậy sóng với hàng loạt meme.

Meme là một dạng nội dung, thường là hình ảnh, video hoặc đoạn văn bản ngắn, được lan truyền nhanh chóng trên internet, đặc biệt là mạng xã hội, thường mang tính hài hước, châm biếm hoặc phản ánh một hiện tượng văn hóa, xã hội.

Soham Parekh, kỹ sư phần mềm người Ấn Độ, bị nhà sáng lập Playground AI cáo buộc trên mạng xã hội X rằng anh đang làm việc cùng lúc cho ba đến bốn công ty khởi nghiệp (startup). Bài đăng này đã châm ngòi cho làn sóng tranh luận trong ngành, khi nhiều lãnh đạo công ty khác cũng tiết lộ rằng từng thuê và sa thải Soham Parekh.

"Hoàn cảnh tài chính vô cùng khó khăn"

Mới đây, Soham Parekh đã xuất hiện trong podcast công nghệ TBPN (Technology Business Programming Network) và xác nhận rằng anh từng xoay sở cùng lúc với nhiều công việc.

“Tôi muốn nói trước rằng không tự hào về những gì mình đã làm. Tôi cũng không khuyến khích ai làm vậy. Không ai thích làm việc 140 giờ mỗi tuần cả, nhưng tôi buộc phải làm vậy vì hoàn cảnh tài chính vô cùng khó khăn”, anh thổ lộ.

Trong cuộc trò chuyện với hai MC podcast TBPN là John Coogan và Jordi Hays, Soham Parekh chia sẻ lý do chọn làm việc cho nhiều startup cùng lúc và cách anh vượt qua các vòng tuyển dụng.

Soham Parekh tự gọi mình là “người thiếu ngủ có thâm niên”. Anh nói rằng mình không thuê đội ngũ kỹ sư cấp dưới để hỗ trợ hay dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để hoàn thành công việc. Kỹ sư phần mềm người Ấn Độ cho biết đã làm việc với nhiều công ty này trước khi ứng dụng lập trình được hỗ trợ bởi AI trở nên phổ biến.

“Đây không phải là công việc kinh doanh với tôi. Với mỗi công ty từng làm việc, tôi đều rất quan tâm đến họ”, Soham Parekh nói thêm, nhưng từ chối trả lời câu hỏi từ trang Insider.

Sự việc bắt đầu khi Suhail Doshi, nhà sáng lập Playground AI, đăng trên mạng xã hội X hôm 1.7 về một kỹ sư phần mềm từng làm việc tại công ty của ông. Suhail Doshi cáo buộc Soham Parekh làm ngoài giờ cho nhiều công ty khởi nghiệp khác.

Playground AI là nền tảng giúp người dùng tạo và chỉnh sửa hình ảnh bằng AI, tương tự DALL-E, Midjourney hay Stable Diffusion. Nó thân thiện với người dùng, cho phép cả người mới lẫn dân chuyên thiết kế hình ảnh nhanh chóng chỉ từ mô tả bằng văn bản.

Một số đặc điểm nổi bật của Playground AI

Tạo ảnh từ văn bản: Người dùng có thể nhập mô tả tùy thích và AI sẽ tạo ra hình ảnh tương ứng.

Chỉnh sửa ảnh AI: Công cụ này có khả năng chỉnh nhanh chóng và hiệu quả, giúp người dùng tạo ra những bức ảnh đẹp mắt và độc đáo.

Đa dạng phong cách: Playground AI hỗ trợ nhiều phong cách ảnh khác nhau, từ tranh vẽ, anime đến ảnh chân thực.

Miễn phí và dễ sử dụng: Có giao diện trực quan, dễ làm quen và cung cấp giới hạn tạo ảnh miễn phí mỗi ngày, phù hợp cho cả người mới bắt đầu và những người muốn khám phá nghệ thuật AI.

Cộng đồng: Playground AI cũng là một cộng đồng nơi người dùng có thể chia sẻ, khám phá và học hỏi lẫn nhau.

Nhiều lãnh đạo công ty xác nhận với Insider rằng người tên Soham Parekh từng làm việc hoặc phỏng vấn với họ. Một số người cho biết sớm nhận ra Soham Parekh đang “làm quá nhiều việc” và sa thải anh.

Soham Parekh không đề cập việc bị sa thải trong podcast.

lam-cho-nhieu-startup-cung-luc-ky-su-phan-mem-bi-hang-loat-lanh-dao-lat-tay-gay-bao-mang.jpg
Soham Parekh bị hàng loạt lãnh đạo công ty tố làm nhiều việc cùng lúc - Ảnh: Internet

"Nằm trong top 0,1% kỹ sư phần mềm hàng đầu"

Igor Zalutski, Giám đốc điều hành Digger, nói với Insider rằng Soham Parekh đã vượt qua vòng phỏng vấn “xuất sắc” và công ty “rất hào hứng” khi anh chuẩn bị bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng đã bị dừng lại vào ngày 30.6 vì một vấn đề liên quan đến kiểm tra lý lịch. Igor Zalutski không nêu rõ chi tiết.

“Tôi nghĩ anh ấy thật sự là một kỹ sư xuất sắc. Soham rõ ràng nằm trong top 0,1% kỹ sư phần mềm hàng đầu. Bất kỳ ai cũng có thể học cách giải câu đố lập trình, nhưng rất ít người có thể giải quyết vấn đề kỹ thuật hoàn toàn trong đầu, đồng thời vẫn quan tâm đến người dùng và mục tiêu kinh doanh”, Igor Zalutski nhận xét.

Digger là công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng low-code (mã thấp) dành cho hạ tầng đám mây. Nó giúp tạo và quản lý Terraform IaC (hạ tầng dưới dạng mã). Mục tiêu của Digger là giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng thiết lập hạ tầng đám mây của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu tài nguyên cần thiết để mở rộng quy mô.

Low-code là phương pháp phát triển phần mềm cho phép người dùng tạo ra các ứng dụng và hệ thống với rất ít hoặc không cần viết mã lập trình truyền thống. Thay vì phải viết từng dòng mã, người dùng sẽ sử dụng các giao diện đồ họa trực quan, thành phần có sẵn được kéo và thả, cùng với các logic được xây dựng trước để lắp ghép và cấu hình ứng dụng.

Kevin Wu, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Leaping AI, nói với Insider rằng Soham Parekh từng làm việc ngắn hạn tại công ty nhưng bị sa thải vì “hiệu suất kém” và bởi phát hiện anh đang làm cho các startup khác. Leaping AI là công ty khởi nghiệp chuyên về AI giọng nói. Mục tiêu chính của Leaping AI là tự động hóa các trung tâm liên lạc bằng cách phát triển các tác tử AI giọng nói có khả năng tự cải thiện.

Người phát ngôn của Synthesia cũng xác nhận với Insider rằng Soham Parekh từng làm việc ngắn hạn tại công ty và một phần lý do sa thải vì nghi ngờ anh có các công việc khác đồng thời.

Synthesia là hãng công nghệ chuyên phát triển nền tảng AI tạo video. Đây là công cụ phổ biến trong doanh nghiệp, giúp tạo video chất lượng chuyên nghiệp mà không cần studio, máy quay hay diễn viên thật.

Matt Parkhurst, Giám đốc điều hành Antimetal, viết trên X rằng Parekh là “người rất thông minh và dễ mến”, nhưng bị công ty sa thải sau khi phát hiện anh có thêm các công việc khác.

Antimetal là công ty khởi nghiệp chuyên về tối ưu hóa chi phí đám mây. Antimetal sử dụng AI để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là những ai sử dụng Amazon Web Services, quản lý và giảm thiểu chi phí cơ sở hạ tầng đám mây của họ.

Dù chưa rõ Soham Parekh làm việc cho Meta Platforms vào thời điểm nào, một bài đăng blog từ tháng 6.2021 của công ty này chỉ ra anh từng là cộng tác viên WebXR, tham gia phát triển các ví dụ thực tế tăng cường (AR)/thực tế ảo (VR) nhập vai qua chương trình Major League Hacking Fellowship.

WebXR là giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các trình duyệt web hỗ trợ VR và AR trực tiếp mà không cần cài thêm phần mềm.

Major League Hacking Fellowship là chương trình giáo dục từ xa, được thiết kế như một sự thay thế cho hình thức thực tập truyền thống dành cho các kỹ sư phần mềm đầy triển vọng. Mục tiêu chính của Major League Hacking Fellowship là cung cấp cho các nhà phát triển trẻ kinh nghiệm thực tế, chuyên sâu thông qua việc đóng góp vào các dự án mã nguồn mở quan trọng, thay vì làm việc cho một công ty duy nhất.

"Có hàng ngàn người như Soham Parekh mà chúng ta không biết đến"

Tại bang California (Mỹ), nơi phần lớn các công ty khởi nghiệp nêu trên đặt trụ sở, không có luật cấm làm việc cho nhiều hãng cùng lúc, kể cả các đối thủ cạnh tranh. Không rõ hợp đồng của Soham Parekh quy định thế nào.

Việc xoay sở của Soham Parekh đã làm dấy lên tranh luận về hiện tượng làm nhiều việc cùng lúc trong giới công nghệ.

“Có hàng ngàn người như Soham Parekh mà chúng ta không biết đến. Cần nói rõ: Việc này hoàn toàn không có vấn đề gì nếu hợp đồng lao động cho phép”, Deedy Das, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín Menlo Ventures chuyên về AI, viết trên X.

Hiện tượng làm nhiều việc cùng lúc bùng nổ trong đại dịch COVID-19, khi nhiều người tận dụng cơ hội làm việc từ xa để nhận lương 6 con số từ nhiều công ty.

Một số lãnh đạo công nghệ đã lên tiếng, chia sẻ ý kiến, đùa cợt và tạo meme về vụ việc này. Reid Hoffman, nhà sáng lập LinkedIn, viết trên X: “Mọi người nghĩ dòng tiêu đề LinkedIn của Soham Parekh là gì?”.

Aaron Levie, Giám đốc điều hành Box, đăng bài trên X hôm 2.7: “Nếu Soham ngay lập tức lên tiếng và nói rằng đang huấn luyện một tác tử AI để làm công việc tri thức, anh ấy sẽ huy động được 100 triệu USD trước cuối tuần”. Box là hãng công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây, chia sẻ file và cộng tác trực tuyến cho doanh nghiệp.

Meme về Soham Parekh tiếp tục lan rộng, gồm cả do Flo Crivello (nhà sáng lập và giám đốc điều hành Lindy) chia sẻ trên X: “Bạn không thể đạt được 500 triệu công việc mà không tạo ra vài kẻ thù”.

lam-cho-nhieu-startup-cung-luc-ky-su-phan-mem-bi-hang-loat-lanh-dao-lat-tay-gay-bao-mang-2-.jpg
Meme của Flo Crivello về Soham Parekh

Nội dung meme này chế lại câu nói trong phim The Social Network: "Bạn không thể có 500 triệu người bạn mà không gây thù chuốc oán".

Lindy là công ty khởi nghiệp tập trung vào việc tạo ra các trợ lý AI cá nhân có khả năng thực hiện nhiều tác vụ phức tạp một cách tự động.

The Social Network là bộ phim tâm lý điện ảnh của Mỹ ra mắt năm 2010, do David Fincher đạo diễn và Aaron Sorkin viết kịch bản. Bộ phim dựa trên cuốn sách The Accidental Billionaires (Những tỷ phú tình cờ) của Ben Mezrich, kể về sự hình thành mạng xã hội Facebook và những tranh chấp pháp lý xoay quanh quyền sở hữu nó.

Nội dung phim đan xen giữa các phiên toà kiện tụng và quá khứ khởi nghiệp, làm nổi bật sự lạnh lùng, thông minh và tham vọng của Mark Zuckerberg, nhưng cũng bộc lộ sự cô đơn, tổn thương và hậu quả của việc đánh đổi tình bạn lấy thành công.

Không chỉ là phim về Facebook, The Social Network còn là câu chuyện châm biếm sắc sảo về quyền lực, danh vọng, sự phản bội và nỗi cô đơn trong kỷ nguyên công nghệ.

The Social Network giành 3 giải Oscar (Kịch bản chuyển thể, Dựng phim, Nhạc nền) và 4 giải Quả cầu vàng (Phim chính kịch xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Nhạc nền phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất).

Sơn Vân