Kỳ tích điều khiển robot hình người nấu bít tết từ xa 1.800km qua thực tế ảo
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:34, 05/07/2025
Kỳ tích điều khiển robot hình người nấu bít tết từ xa 1.800km qua thực tế ảo
Robot hình người Dobot Atom đã thực hiện thành công một số thao tác tinh vi như lật miếng thịt và rắc muối lên món ăn.
Robot hình người do công ty Shenzhen Dobot (Trung Quốc) phát triển đã nấu thành công món bít tết, thậm chí còn rắc muối bằng các ngón tay, trong khi được điều khiển từ xa bởi kỹ sư cách đó 1.800km thông qua kính thực tế ảo (VR).
Được đăng hôm 4.7 trên tài khoản WeChat chính thức thuộc Shenzhen Dobot, video ghi lại kỳ tích này đã giới thiệu công nghệ mới nhất của công ty, có thể làm thay đổi cách làm việc nhà, tiến hành phẫu thuật, kiểm tra nhà máy điện hạt nhân và thậm chí khám phá không gian trong tương lai.
Món ăn được thực hiện bởi Dobot Atom, robot hình người đầu tiên của Shenzhen Dobot, ra mắt vào tháng 3. Trong khi robot được đặt tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), người điều khiển lại ở cách đó 1.800km tại tỉnh Quảng Đông.
Video cho thấy Shenzhen Dobot tái hiện chuyển động của kỹ sư đeo kính VR để ghi lại các cử chỉ tay trong khi quan sát quầy bếp phía trước robot.

Đoạn video dài hơn 4 phút cho thấy robot thực hiện một số thao tác tỉ mỉ, gồm thấm miếng thịt bít tết bằng khăn giấy, đổ dầu, lật miếng thịt và rắc muối lên món ăn.
Shenzhen Dobot cho biết công nghệ này đạt độ chính xác đến 0,05 mm, song hiện tại mới chỉ có thể điều khiển phần thân trên của robot.
Shenzhen Dobot thúc đẩy các giới hạn của robot điều khiển từ xa.
Vào năm 2022, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đã giới thiệu công nghệ điều khiển từ xa robot hình người Valkyrie bằng VR. Dù không công bố khoảng cách tối đa, NASA cho biết nghiên cứu của họ chưa giải quyết vấn đề làm sao triển khai hệ thống cáp mạng (truyền dữ liệu) sao cho độ trễ tín hiệu thấp. Đây là điều rất quan trọng với các thao tác điều khiển từ xa, đặc biệt qua khoảng cách lớn.
Cổ phiếu của Shenzhen Dobot (niêm yết tại Hồng Kông) đã tăng gần 3% và chốt phiên 4.7 ở mức 55,60 đô la Hồng Kông.
Dobot Atom có thể chuẩn bị bữa sáng, giá 27.500 USD
Được thành lập vào năm 2015, ban đầu Shenzhen Dobot chuyên sản xuất cánh tay robot trước khi mở rộng sang lĩnh vực robot hình người.
Dobot Atom có giá 199.000 nhân dân tệ (tương đương 27.500 USD), được trang bị hai bàn tay năm ngón linh hoạt, có thể chuẩn bị bữa sáng bằng cách đặt bánh mì nướng, rau xà lách và quả anh đào (cherry) lên đĩa, đồng thời rót sữa vào cốc. Robot này di chuyển bằng dáng đi gối thẳng, giống con người.
Tuần trước, công ty đã chính thức bắt đầu giao Dobot Atom ra thị trường quốc tế, với Nhật Bản là nơi nhận lô hàng đầu tiên. Cột mốc này giúp Shenzhen Dobot trở thành một trong số ít công ty phát triển robot hình người tại Trung Quốc đạt đến giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Theo báo cáo hồi tháng 4 của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, vào năm 2024, đã có 11 công ty robot Trung Quốc bắt đầu kế hoạch sản xuất hàng loạt, trong đó có 6 hãng dự kiến sản xuất hơn 1.000 đơn vị vào 2025.
Robot hình người: Chìa khóa cuộc cách mạng sản xuất ở Trung Quốc và cạnh tranh với Mỹ
Tầm quan trọng của robot hình người với Trung Quốc càng được nhấn mạnh trong bối cảnh tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như căng thẳng thương mại với Mỹ, dân số già và tăng trưởng kinh tế chậm.
Những năm gần đây, robot hình người của Trung Quốc đã có những bước tiến lớn, linh hoạt hơn, thực hiện được các động tác phức tạp như nhào lộn, chạy bán marathon hay chơi bóng đá.
Trung Quốc đã tận dụng những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), một phần nhờ sự thành công của các công ty như DeepSeek, Alibaba và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, bước đột phá trong phát triển "bộ não" cho robot sẽ chuyển hóa chúng từ những cỗ máy vận động đơn thuần thành lực lượng lao động mang tính cách mạng trong chuyển đổi phương thức sản xuất.
Ông Yao Maoqing, đối tác tại công ty khởi nghiệp AgiBot, nói: "Hãy tưởng tượng một ngày nào đó trong nhà máy của chúng tôi, các robot đang tự lắp ráp chính mình".
Trong một kho hàng ở ngoại ô thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), hàng tá robot hình người của AgiBot đang thực hiện các công việc từ gấp quần áo, làm bánh sandwich đến mở cửa.
Những robot này đã tạo lượng dữ liệu lớn để phục vụ quá trình huấn luyện, với tham vọng thay đổi cách con người sống, làm việc và giải trí trong tương lai.
Việc triển khai rộng rãi những robot này trong các nhà máy sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ưu thế sản xuất của mình để cạnh tranh với Mỹ.
Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ các công ty robot hình người thông qua các khoản trợ cấp, với hơn 20 tỉ USD đã được phân bổ cho lĩnh vực này năm qua. Trung Quốc cũng thành lập một quỹ trị giá 1.000 tỉ nhân dân tệ (137 tỉ USD) để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực như AI và robot.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng là một khách hàng lớn. Số tiền mà chính phủ Trung Quốc chi tiêu vào mua sắm robot hình người và công nghệ liên quan đã tăng lên 214 triệu nhân dân tệ (29,6 triệu USD) vào năm 2024, từ 4,7 triệu nhân dân tệ năm 2023.
Chính quyền địa phương liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Thành phố Thâm Quyến thành lập quỹ hỗ trợ AI và robot trị giá 10 tỉ nhân dân tệ. Các nhà sản xuất robot hình người và cung cấp linh kiện ở thành phố Vũ Hán có thể nhận trợ cấp lên tới 5 triệu nhân dân tệ và thuê văn phòng miễn phí nếu đạt điều kiện mua sắm và bán hàng. Chính quyền Bắc Kinh năm 2023 thành lập quỹ robot với mức hỗ trợ lên tới 30 triệu nhân dân tệ cho các công ty muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng sản phẩm đầu tiên.
Các nhà phân tích dự đoán rằng ngành công nghiệp robot hình người Trung Quốc có thể đi theo quỹ đạo phát triển của ô tô điện, với chi phí giảm mạnh nhờ sự tham gia của nhiều nhà sản xuất và sự hỗ trợ từ chính phủ.
Chi phí nguyên vật liệu trung bình để sản xuất một robot hình người là 35.000 USD vào cuối năm 2025 nhưng có thể giảm xuống còn 17.000 USD năm 2030 nếu phần lớn linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc, theo Ming Hsun Lee - Giám đốc nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp và ô tô tại Bank of America Securities.
Bank of America Securities là bộ phận ngân hàng đầu tư và môi giới của Bank of America, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ và thế giới.
Theo ba công ty sản xuất robot ở Trung Quốc, chi phí sẽ giảm một nửa trong vòng một năm. "Với chuỗi cung ứng toàn diện đang có, Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong giảm chi phí sản xuất robot", Ming Hsun Lee nhận định, ước tính doanh số robot hình người mỗi năm trên toàn cầu có thể đạt 1 triệu vào năm 2030. "Ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn bùng nổ", ông nhấn mạnh.
Sự hào hứng của các nhà đầu tư với robot hình người, được trang bị AI với hình dáng giống con người, đã tăng mạnh những tháng gần đây. Một CEO Trung Quốc thậm chí còn dự đoán rằng ngành robot có thể sớm vượt qua ngành công nghiệp ô tô.
Hôm 18.3, hãng chế tạo robot Figure AI (Mỹ) đã giới thiệu một dây chuyền sản xuất tự động tiên tiến, tuyên bố có khả năng sản xuất 12.000 robot hình người mỗi năm.
Cùng ngày, tập đoàn Midea (gã khổng lồ trong ngành sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc) đã trở thành cái tên mới nhất gia nhập lĩnh vực này khi giới thiệu một nguyên mẫu robot hình người tự phát triển.
Giữa tháng 3, công ty khởi nghiệp Unitree (Trung Quốc) gây chú ý khi công bố robot hình người G1 với biệt danh kung fu bot, có khả năng nhào lộn và thực hiện thành công cú lật ngang đầu tiên trong ngành. Đây là kỳ tích mới của robot đã nổi tiếng vào đầu năm nay vì khả năng đá kung fu.
Theo Unitree, cú lật ngang là động tác thậm chí còn khó thực hiện hơn so với lộn ngược đứng, mà phiên bản trước đó của G1 là H1 thực hiện đầu tháng 3.
Cuối tháng 5, Unitree livestream trận kickboxing đầu tiên giữa các robot hình người. Bốn G1, mỗi robot cao khoảng 132 cm và nặng 35 kg, đã tham gia cuộc tỉ thí này.
Hồi tháng 1, robot H1 của Unitree đã trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc khi trình diễn điệu múa dân gian trong Gala Tết Nguyên Đán – chương trình truyền hình có lượt xem cao nhất nước này với hơn 1 tỉ khán giả.
Unitree mô tả đó là “màn trình diễn robot hình người AI hoàn toàn tự động, quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử – kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và văn hóa truyền thống”.
Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), vào năm 2024, 31 công ty Trung Quốc tung ra 36 mẫu robot hình người, còn Mỹ giới thiệu 8 mẫu. Ít nhất 6 công ty Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành như Unitree hay UBTech đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang quyết tâm củng cố lợi thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực robot hình người, khi cuộc cạnh tranh với Mỹ ngày càng nóng lên.
"Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà sản xuất nâng cấp thiết bị để triển khai robot hình người trên quy mô lớn, đặc biệt là để thực hiện những công việc lặp đi lặp lại và nguy hiểm. Ngày càng có nhiều công ty, được chính quyền khuyến khích và nhắm đến lợi ích về năng suất, bắt đầu đưa những robot linh hoạt này vào sử dụng thực tế", Zhu Minghao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Tiên tiến tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, nhận định.
Theo Zhu Minghao, ngành sản xuất sẽ là nơi thử nghiệm đầu tiên cho robot hình người tại Trung Quốc và việc ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp cuối cùng sẽ mở đường cho chúng bước vào các hộ gia đình.
"Các quan chức hiểu rằng đây là yếu tố quan trọng để duy trì năng suất của ngành sản xuất Trung Quốc trong bối cảnh dân số suy giảm", ông nói thêm.
CEO Nvidia lạc quan về cuộc cách mạng robot hình người
Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, đưa ra những dự đoán lạc quan về cuộc cách mạng robot hình người sắp tới.
Phát biểu tại một hội nghị dành cho nhà phát triển của Nvidia ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ) hồi tháng 3, Jensen Huang cho rằng robot hình người sẽ trở nên phổ biến trong ngành sản xuất trong vòng chưa đầy 5 năm tới.
Tỷ phú 62 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan được các nhà báo hỏi về những dấu hiệu nào cho thấy AI đã trở nên phổ biến. Ông đáp: “Có thể đó sẽ là khi robot hình người thực sự đi lại xung quanh chúng ta. Đây không phải là vấn đề của 5 năm tới, mà chỉ là vài năm nữa thôi”.
Giám đốc điều hành Nvidia cho biết ngành công nghiệp sản xuất có khả năng sẽ áp dụng robot hình người trước, vì đây là ngành có các nhiệm vụ được xác định rõ ràng mà robot có thể thực hiện trong một môi trường được kiểm soát.
"Tôi nghĩ robot hình người nên được đưa vào các nhà máy trước tiên. Lý do là vì lĩnh vực này có nhiều quy tắc, tiêu chuẩn an toàn hơn và các trường hợp sử dụng cũng cụ thể hơn.
Giá trị của robot hình người rất dễ xác định. Mức giá thuê một robot hình người có lẽ vào khoảng 100.000 USD và tôi nghĩ đó là mức giá khá hợp lý", doanh nhân này nói thêm.
Hôm 24.6, tại cuộc họp cổ đông thường niên của Nvidia, Jensen Huang gọi robotics (ngành robot học) là cơ hội lớn nhất tiếp theo sau AI với hãng này. Đơn vị kinh doanh mảng ô tô và robotics của Nvidia đạt doanh thu 567 triệu USD, tương đương khoảng 1% tổng doanh thu trong quý 1.
“Chúng tôi đang hướng đến một tương lai có hàng tỉ robot, hàng trăm triệu xe tự lái và hàng trăm nghìn nhà máy tự động hóa có thể đều được vận hành bằng công nghệ của Nvidia”, tỷ phú công nghệ tuyên bố.