Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tích cực
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:31, 05/07/2025
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tích cực
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025.
GDP quý 2 tăng trưởng tích cực
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 tổ chức ngày 5.7, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.
Theo bà Hương, GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,25%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2024 là 11,49%; 37,0%; 42,98%; 8,53%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng kinh tế - xã hội quý 2 và nửa đầu năm 2025 đạt được kết quả "rất tích cực". Tuy nhiên, nửa cuối năm, nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bà Hương cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn.
6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2025 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân quý 2/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; giáo dục tăng 2,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,19%; bưu chính, viễn thông giảm 0,31%; giao thông giảm 4,83%.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 11.10.2024 và ngày 10.5.2025, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17.10.2024 của Bộ Y tế…
Ngoài ra, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2025 như: Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,63%, góp phần làm CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 12,56%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45%, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Cục Thống kê cũng cho hay lạm phát cơ bản tháng 6.2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.