Sự trỗi dậy của công nghệ phiên bản số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:53, 02/07/2025
Sự trỗi dậy của công nghệ phiên bản số
Công nghệ phiên bản số (digital twins) bắt nguồn từ cuộc đua lên không gian, khi Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) phát triển các mô hình ảo sao chép loạt hệ thống trên tàu vũ trụ theo thời gian thực.
Với nhiều sứ mệnh như Apollo 13, đội ngũ kỹ sư NASA đã sử dụng mô hình ảo để dự đoán vấn đề phát sinh, kiểm tra phản ứng và đưa ra quyết định quan trọng. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ phiên bản số.
Ngày nay, công nghệ phiên bản số đem lại triển vọng nâng cao năng suất, giảm thời gian và tăng sự nhanh nhạy cho doanh nghiệp sản xuất.
Một nghiên cứu thực hiện bởi đơn vị kiểm toán Deloitte xác định bảo trì dự đoán (dựa vào nền tảng phân tích dữ liệu giám sát tình trạng thực tế của thiết bị để dự đoán khi nào xảy ra hỏng hóc rồi tiến hành bảo trì trước khi sự cố xảy ra) có thể tăng thời gian hoạt động của thiết bị lên 10 - 20% cũng như giảm tổng chi phí bảo trì 5 - 10%. Nhưng bất chấp lợi ích tiềm năng to lớn, con đường ứng dụng phiên bản số lại chẳng hề đơn giản.

Với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ mới đặt ra nhiều thách thức như: khó tích hợp dữ liệu thời gian thực từ các thiết bị và hệ thống điều khiển khác nhau. Máy móc cũ thường thiếu giao diện kỹ thuật số cần thiết để giám sát và mô phỏng; cải tạo vô cùng tốn kém.
Ngoài rào cản kỹ thuật thì còn có tình trạng thiếu hụt nhân sự nắm vững chuyên môn và thành thạo về phân tích dữ liệu hoặc internet vạn vật trong công nghiệp. Việc thiếu hụt này làm chậm quá trình ứng dụng, đồng thời làm giảm giá trị mà doanh nghiệp nhận được khi họ chấp nhận đầu tư sớm cho số hóa. Chi phí cũng là thách thức lớn và một số đơn vị không muốn bỏ ra đầu tư nhiều nếu họ không nhận được lợi ích nhanh chóng.
Ứng dụng dần dần
Tuy nhiên, loạt thách thức nêu trên không thể ngăn cản xu hướng số hóa tăng tốc. Công ty McKinsey&Co dự đoán thị trường công nghệ phiên bản số sẽ vượt quá 70 tỉ USD vào năm 2027. Các doanh nghiệp sản xuất lớn dẫn đầu xu hướng bằng cách tự nghiên cứu và phát triển rồi tích hợp nội bộ. Tạp chí Forbes dẫn gương điển hình của Siemens và GE, sử dụng phiên bản số để tối ưu hóa sản xuất theo thời gian thực cũng như tiến hành bảo trì dự đoán.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai theo lộ trình khác. Họ không đại tu quy mô lớn mà dựa vào công nghệ phiên bản số dạng module, tích hợp dần vào sản xuất. Việc sử dụng nền tảng dựa trên dịch vụ đám mây hay giải pháp không phụ thuộc nhà cung cấp cũng ngày càng phổ biến vì các doanh nghiệp tìm kiếm tùy chọn linh hoạt phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có.