TS Đặng Minh Tuấn: Luật hóa tài sản số là khởi đầu tốt, nhưng còn rất nhiều việc phải làm
Kinh tế số - Ngày đăng : 10:36, 02/07/2025
TS Đặng Minh Tuấn: Luật hóa tài sản số là khởi đầu tốt, nhưng còn rất nhiều việc phải làm
TS Đặng Minh Tuấn cho rằng với việc “luật hóa” tài sản số, Việt Nam có thể vừa kiểm soát rủi ro rửa tiền vừa mở đường cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính số, blockchain, fintech và dữ liệu số.
Luật Công nghiệp công nghệ số là đạo luật đầu tiên tại Việt Nam và được xem là tiên phong trên thế giới trong việc điều chỉnh toàn diện lĩnh vực công nghệ số, bao gồm tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn… và các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Các chuyên gia đánh giá đây là cú hích thể chế quan trọng, giúp Việt Nam vươn lên thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu, sáng tạo công nghệ số trong khu vực và thế giới.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC xoay quanh vấn đề này.
- Với việc Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của kinh tế số cũng như KH-CN Việt Nam?
- TS Đặng Minh Tuấn: Việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước ngoặt mang tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế số và khoa học - công nghệ (KH-CN).
Thứ nhất, luật này tạo hành lang pháp lý toàn diện cho các lĩnh vực công nghệ số tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain… giúp Việt Nam chuyển dịch từ “ứng dụng công nghệ” sang “sáng tạo và làm chủ công nghệ”.

Thứ hai, đây là công cụ thể chế hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia, gắn kết giữa phát triển KH-CN với các ngành sản xuất, giáo dục, tài chính, quốc phòng, y tế… tạo nền tảng cho kinh tế số bền vững.
Thứ ba, luật đưa ra nhiều ưu đãi đột phá cho doanh nghiệp công nghệ số: miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, ưu tiên đấu thầu, đất đai… đồng thời khuyến khích phát triển sản phẩm “Make in Vietnam” phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thứ tư, luật công nhận tài sản số và dữ liệu là loại tài sản có giá trị, cho phép giao dịch, chuyển nhượng, góp vốn… Điều này mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho thị trường dữ liệu – nguồn tài nguyên số mới.
Ngoài ra, luật cũng có cơ chế thu hút nhân tài công nghệ với chính sách visa dài hạn, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ đào tạo… nhằm xây dựng lực lượng lao động trình độ cao trong nước.
Luật Công nghiệp công nghệ số là cú hích thể chế quan trọng, giúp Việt Nam vươn lên thành trung tâm sản xuất, nghiên cứu, sáng tạo công nghệ số trong khu vực và thế giới. Đây là tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào tương lai số của Việt Nam.
- Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên đưa ra định nghĩa và quy định khung pháp lý về tài sản số, trong đó có tài sản mã hóa. Ông đánh giá thế nào về điều này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong "Danh sách xám" của FATF về chống rửa tiền?
- TS Đặng Minh Tuấn: Đây là một bước tiến rất đáng chú ý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam đang nằm trong “danh sách xám” của FATF (lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế) về chống rửa tiền.
Trước hết, việc luật hóa khái niệm tài sản số thể hiện tư duy pháp lý hiện đại, theo kịp xu hướng toàn cầu khi nền kinh tế đang dịch chuyển sang môi trường số hóa toàn diện. Các loại tài sản kỹ thuật số như dữ liệu, mã thông báo (token), mã hóa tài sản (asset tokenization) hay NFT đang ngày càng có giá trị thực tế và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, tài chính, và sáng tạo.

Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo xuyên biên giới... Việc Việt Nam được xếp vào danh sách giám sát của FATF cho thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các loại tài sản này.
Việc luật hóa tài sản số sẽ giúp tạo điều kiện cho quản lý nhà nước có căn cứ kiểm soát và theo dõi, từ đó tăng tính minh bạch, truy vết được dòng tiền số và hoạt động chuyển nhượng.
Điều này cũng giúp hài hòa giữa phát triển công nghệ và bảo vệ an ninh tài chính, qua đó từng bước đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám” bằng cách đáp ứng yêu cầu minh bạch tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Tôi đánh giá đây là một bước đi táo bạo nhưng đúng hướng. Nếu triển khai tốt, Việt Nam có thể vừa kiểm soát rủi ro rửa tiền vừa mở đường cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính số, blockchain, fintech và dữ liệu số.
- Việt Nam là thị trường phát triển rất mạnh về tài sản số, tuy nhiên hầu hết việc giao dịch được thực hiện qua các nền tảng nước ngoài. Theo ông, làm thế nào để phát triển các nền tảng trong nước và cạnh tranh hiệu quả với các nền tảng nước ngoài?
- TS Đặng Minh Tuấn: Việt Nam đúng là một trong những thị trường có tốc độ phát triển tài sản số hàng đầu khu vực, với số lượng người dùng tiền mã hóa và các tài sản kỹ thuật số thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch hiện vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, OKX… Điều này khiến tài sản và dòng tiền chảy ra ngoài, gây khó khăn cho quản lý và làm suy yếu năng lực cạnh tranh nội địa.
Để phát triển các nền tảng tài sản số trong nước và cạnh tranh hiệu quả với quốc tế, nhà nước cần xây dựng khung pháp lý minh bạch, ổn định, rõ ràng.
Việc Luật Công nghiệp công nghệ số công nhận tài sản số là bước khởi đầu tốt. Tuy nhiên, cần sớm có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về cấp phép sàn giao dịch, lưu ký tài sản số, quy trình xác minh danh tính (KYC), và có các biện pháp bảo vệ người tham gia thị trường này.

Tiếp theo, cần ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ startup công nghệ tài chính (fintech). Nên có các chương trình hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế, không gian thử nghiệm (sandbox) cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển nền tảng tài sản số, ví điện tử, sàn giao dịch… tương tự như mô hình hỗ trợ startup AI và bán dẫn hiện nay.
Một yếu tố cũng rất quan trọng là phát triển hạ tầng kỹ thuật số dùng chung. Nhà nước có thể đầu tư hoặc kêu gọi hợp tác công tư để phát triển trung tâm lưu ký tài sản số, hạ tầng blockchain công cộng, giúp giảm chi phí và tăng tính tin cậy cho các sàn nội địa.
Song song với đó, cần kết nối hệ sinh thái tài chính truyền thống – tài sản số. Cho phép tích hợp giữa ngân hàng, ví điện tử, chứng khoán với tài sản số theo mô hình “hybrid finance” giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi, giao dịch và đầu tư ngay trong nước mà không cần dùng đến nền tảng ngoại.
Một vấn đề cũng rất đáng chú ý là phải xây dựng niềm tin người dùng bằng tiêu chuẩn bảo mật và các quy định bảo hiểm bảo hộ cá nhân tổ chức tham gia thị trường.
Các nền tảng nội địa cần đặt tiêu chuẩn rất cao về bảo mật, tốc độ, trải nghiệm người dùng và hỗ trợ khách hàng để đủ sức cạnh tranh với sàn quốc tế; minh bạch tài chính và có cơ chế kiểm toán độc lập để tạo uy tín.
Tóm lại, phát triển nền tảng tài sản số nội địa không chỉ là bài toán công nghệ mà còn là chiến lược toàn diện về thể chế, đầu tư, nhân lực và thị trường. Nếu được đầu tư đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các nền tảng cạnh tranh toàn cầu, như đã từng làm với fintech, ví điện tử, và thương mại điện tử trong nước.
- Với việc hợp pháp hóa tài sản mã hóa, nhiều ý kiến cho rằng điều này hứa hẹn mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
- TS Đặng Minh Tuấn: Việc hợp pháp hóa tài sản mã hóa trong Luật Công nghiệp công nghệ số mở ra một bước chuyển lớn trong tư duy huy động vốn tại Việt Nam. Nếu được triển khai đúng cách, tài sản mã hóa hoàn toàn có thể trở thành một kênh huy động vốn linh hoạt, hiệu quả và minh bạch cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, startup công nghệ, hoặc các dự án có quy mô vừa và nhỏ.
Điều này tạo cơ hội gọi vốn rộng khắp, không phụ thuộc ngân hàng hoặc IPO. Tài sản mã hóa (token) có thể đại diện cho cổ phần, quyền lợi, doanh thu tương lai hoặc quyền sử dụng dịch vụ. Điều này cho phép doanh nghiệp gọi vốn trực tiếp từ cộng đồng trong và ngoài nước, kể cả nhà đầu tư nhỏ lẻ - điều mà thị trường chứng khoán truyền thống khó đáp ứng.
So với việc phát hành cổ phiếu truyền thống (IPO) hay trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành tài sản mã hóa ít tốn kém hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn, nhờ ứng dụng blockchain, hợp đồng thông minh, và quy trình định danh số.
Tài sản mã hóa có thể được niêm yết và giao dịch trên các sàn tài sản số với thanh khoản cao và tính toàn cầu, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới nhà đầu tư vượt biên giới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, game, blockchain, dịch vụ số.

Một điểm nữa, điều này còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới. Token hóa tài sản hữu hình (bất động sản, năng lượng, nông sản...) cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong các ngành truyền thống huy động vốn từ thị trường phi tập trung và linh hoạt hơn trong phát triển sản phẩm hoặc chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần cơ chế kiểm soát rủi ro rõ ràng. Để tránh các vụ lừa đảo hoặc huy động trái phép, cần khung pháp lý chặt chẽ về phát hành, kiểm toán, bảo vệ nhà đầu tư, và cơ chế xử lý khi có rủi ro. Nhà nước cần phân loại rõ giữa các loại token: token chứng khoán, token tiện ích, stablecoin, NFT...
Tựu trung lại, tài sản mã hóa có tiềm năng trở thành “chứng khoán thế hệ mới”, cung cấp kênh huy động vốn linh hoạt, phù hợp với đặc thù nền kinh tế số. Nếu kết hợp tốt giữa đổi mới thể chế và công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường tài chính phi tập trung lành mạnh, minh bạch, và hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
- Một đạo luật tốt nhưng nếu không được thực thi quyết liệt và đồng bộ thì vẫn có nguy cơ bị “trễ nhịp”. Ông kỳ vọng gì ở các bộ ngành và địa phương trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như thực thi luật để Luật Công nghiệp công nghệ số phát huy hiệu quả?
- TS Đặng Minh Tuấn: Một đạo luật dù tiên phong và tiến bộ đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả nếu thiếu sự triển khai đồng bộ và quyết liệt từ các cấp thực thi, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, và các quốc gia đang chạy đua khốc liệt về chuyển đổi số.
Ngay sau khi luật được thông qua, các nghị định, thông tư hướng dẫn cần được soạn thảo gấp rút với tư duy mở, thực tiễn và phù hợp với đặc thù công nghệ. Tránh để luật rơi vào trạng thái “chờ văn bản dưới luật”, gây lãng phí cơ hội phát triển.
Theo đó, cần hình thành cơ quan điều phối cấp quốc gia về công nghiệp công nghệ số: Đây là lĩnh vực liên ngành, nên cần một đầu mối đủ mạnh (như một ủy ban quốc gia hoặc tổ công tác liên bộ) có thẩm quyền điều phối giữa Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… nhằm đảm bảo thống nhất về chiến lược và hành động.
Các địa phương cũng cần chuyển đổi từ “quản lý hành chính” sang “dẫn dắt phát triển”. Địa phương không nên chỉ chờ văn bản trung ương mà cần chủ động ban hành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, xây dựng khu công nghệ số, vườn ươm startup, thúc đẩy “kinh tế số cấp tỉnh” theo tinh thần phân cấp và linh hoạt.
Ngoài ra, các bộ ngành cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, startup, các tổ chức nghiên cứu khi xây dựng hướng dẫn thi hành, tránh áp dụng cơ học các quy định cũ vào công nghệ mới gây cản trở đổi mới sáng tạo.
Tôi cũng cho rằng một yếu tố rất quan trọng là hành động nhanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro. Thời gian là yếu tố sống còn. Nếu văn bản hướng dẫn chậm trễ, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội, thậm chí rút lui khỏi Việt Nam. Do đó, cần triển khai theo nguyên tắc “mở cửa có kiểm soát”, “thử nghiệm có giới hạn”, “giám sát bằng công nghệ”.
Các bộ, ngành và địa phương nên coi việc thực thi Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là “nhiệm vụ hành chính”, mà là cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá trong cuộc đua số toàn cầu. Chỉ cần đồng bộ, quyết liệt và hợp tác chặt chẽ giữa các bên, chúng ta hoàn toàn có thể đưa đạo luật này từ “văn bản” vào “cuộc sống” một cách hiệu quả và dẫn dắt sự phát triển lâu dài của nền kinh tế số Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số được xem là một bước ngoặt, thiết lập hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người dùng, thúc đẩy kinh tế số và hòa nhập với các tiêu chuẩn quốc tế về tài sản số.
Luật không chỉ hỗ trợ bảo vệ pháp lý cho các doanh nghiệp trong giao dịch, đầu tư, thừa kế tài sản số, mà còn mở rộng không gian hợp pháp cho người dân đầu tư, giao dịch và giải quyết tranh chấp dân sự trên không gian mạng.
Về dài hạn, luật sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường quản lý và giảm thiểu rủi ro, cũng như khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, tài sản số được quy định trong các điều khoản cụ thể của luật, làm rõ khái niệm, tiêu chí, nguyên tắc và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam